Sức khỏe đang là mối quan tâm hàng đầu của con người trong cuộc sống hiện đại.
Các chương trình thông tin, tư vấn sức khỏe trên truyền hình, báo in, báo điện tử hay các trang thông tin điện tử y khoa… như là “cánh tay nối dài” của các y, bác sĩ (BS), chứa đựng nhiều thông tin hữu ích, đáng tin cậy về sức khỏe của con người và được rất nhiều phương tiện truyền thông xem là một chuyên mục quan trọng bên cạnh các thông tin chính trị, kinh tế, xã hội. Nhờ truyền thông mà các phương thức phòng ngừa bệnh, các hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh, diễn tiến bệnh cũng như các phương thức điều trị căn bản được phổ biến…
BTV Tạ Tuấn Anh và các bác sĩ khách mời trong chương trình tư vấn sức khỏe. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Bác sĩ của bạn
Ra đời cách đây đúng 10 năm, chương trình “Tư vấn sức khỏe” của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DVTV) được xem là một chương trình “có sức khỏe”, vì nhiều chương trình ra đời cùng thời với nó đã phải dừng lại. Từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, hai tuần một lần, chương trình lên sóng trực tiếp với hình thức chủ yếu là tọa đàm (talkshow) do 1-2 BS nói về một căn bệnh cụ thể. Xen kẽ trong chương trình là các phóng sự về bệnh lý đó, cảnh quay về một nhân vật thực tế mắc bệnh.
Hoặc những người sản xuất chương trình sẽ làm một phóng sự đơn thuần có thông tin khoa học về một căn bệnh. BS - khách mời của chương trình sẽ nói về nguyên nhân gây bệnh, bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như thế nào, hướng điều trị ra làm sao… Từ đầu năm 2015 đến nay, “Tư vấn sức khỏe” tăng thời lượng phát sóng lên 48 số/năm, gần như mỗi tuần một chương trình.
Ông Tạ Tuấn Anh, Phó phòng Khoa giáo, DVTV cho biết, 9/10 phóng viên, biên tập viên của phòng chia nhau thực hiện các chương trình. Để mời từng BS chuyên khoa, phóng viên phải tìm hiểu kỹ tài liệu chuyên khoa về một căn bệnh cụ thể, hình dung bảng câu hỏi chuyên sâu, đi vào chi tiết mà bất cứ một người bệnh nào cần tìm hiểu, rồi gửi cho BS chuẩn bị.
Bên cạnh đó phải thực hiện một phóng sự có liên quan đến căn bệnh để phát xen kẽ trong talkshow. Nhiều phóng viên chịu khó thu thập những hình ảnh đắt giá như hội thảo về mổ tim, quay một ca mổ đang tiến hành; hay phóng viên quay, phỏng vấn trực tiếp vấn đề mắc bệnh của người dân, lúc đó BS ở trường quay trả lời trực tiếp qua sóng truyền hình.
Ở một kênh truyền hình khác, kênh DRT2 của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, hiện chuyên mục “BS của bạn” phát sóng vào 20 giờ thứ năm hằng tuần, dài 30 phút, đã bước vào năm tuổi thứ 2. Chương trình do CanhCung Media phối hợp thực hiện.
Ông Lê Khả Lục, Giám đốc sản xuất kiêm MC của chương trình, cho biết từ tháng 3-2015, chuyên mục thay đổi nhiều về nội dung, đi sâu tư vấn sức khỏe, tương tác với khán giả nhiều hơn. Trước đó, khi ra đời vào tháng 7-2014, chương trình này mang tên “BS gia đình”, có nhiều thông tin như khỏe mỗi ngày (các phương pháp hỗ trợ như tập thể dục, yoga...) và Vui sống (người nổi tiếng cùng đầu bếp hướng dẫn cách chế biến món ăn bổ dưỡng), thì hiện nay được điều chỉnh chuyên nói về chăm sóc sức khỏe. Trong chương trình có 1-2 phóng sự ngắn liên quan đến vấn đề BS tư vấn.
Trên kênh DRT1, chương trình “Sức khỏe cho mọi nhà” phát sóng lúc 17 giờ 30 thứ tư hằng tuần do Trung tâm Giáo dục sức khỏe thành phố Đà Nẵng thực hiện từ năm 1997 đến nay. Với thời lượng 15 phút, chương trình gồm mục tin vắn; phóng sự ngắn về chống dịch, phương pháp điều trị mới hay phổ biến kiến thức; BS nói về cách phòng chống và điều trị 1 căn bệnh cụ thể…
Truyền thông chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. (Ảnh do TT Truyền thông Giáo dục sức khỏe cung cấp) |
Làm một cầu nối hấp dẫn
Không ai có thể phủ nhận tính quan trọng của những bài báo, chương trình tư vấn sức khỏe dành cho khán giả. Qua phản hồi của bạn đọc hay người xem, những người thực hiện chương trình, chuyên mục luôn mong muốn đổi mới, để vấn đề tư vấn sức khỏe gián tiếp này có hiệu quả. Và hiệu ứng xã hội rõ rệt nhất đối với “Tư vấn sức khỏe” của DVTV là hằng tuần các biên tập viên nhận được điện thoại, thư của bạn đọc ở nhiều tỉnh phía Nam hay vùng biên giới phía Bắc. Hay “Bác sĩ của bạn” gồm nhiều “món” trong một chương trình đã thay đổi để thực hiện một “món” chuyên sâu, cụ thể và có tính hiệu quả.
Muốn làm được điều đó, những nhà báo thực hiện các chương trình phải tạo ra sự tương tác thật sự giữa khán giả và chương trình. Trong đó, sự tương tác có thể từ nội dung buổi talkshow, hộp thư trao đổi, quà tặng, kết nối trực tiếp. Cách tiếp cận cũng như xử lý vấn đề, các chủ đề nội dung chính của chương trình cũng cần thay đổi thường xuyên để tạo ra sự bất ngờ, mới lạ cho người xem.
Những người sản xuất, biên tập chuyên mục tư vấn sức khỏe trên truyền hình và báo viết nhận thấy là khi người bệnh, bạn đọc được tư vấn đúng cách, họ rất vui; và ngược lại, họ lo lắng khi vẫn có người tự chữa bệnh bằng các “toa thuốc truyền miệng” hoặc bằng “BS Google”. Một biên tập viên giữ chuyên mục sức khỏe của Báo Thanh Niên cho rằng, “mình như là cái cầu nối giữa người bệnh, hoặc người bệnh tiềm năng và các chuyên gia y tế”.
Đôi khi khán giả vẫn nghĩ người giữ chuyên mục phải là “chuyên gia” về bệnh, khi thấy họ “hỏi BS rất kỹ, đúng vấn đề”. Anh Tạ Tuấn Anh kể đôi khi “bị” hàng xóm hoặc người quen đến hỏi với bệnh này bệnh kia, cách chữa như thế nào. Có khi nhà báo phải làm “trung gian” để đưa người bệnh tới gặp trực tiếp BS.
Chuyện này tưởng đơn giản nhưng đôi khi thuyết phục người bệnh tới phòng khám là rất nhiêu khê, bởi nhiều người có thói quen bị bệnh là chạy thẳng đến nhà thuốc. Hoặc qua những lá thư, những cuộc điện thoại bạn đọc gửi về, các nhà báo giữ chuyên mục sức khỏe nhận thấy nhiều học sinh chưa có được sự tư vấn, giáo dục giới tính một cách đầy đủ.
Ông Võ Thu Tùng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thành phố Đà Nẵng, cho rằng ông cũng muốn các chương trình truyền thông đổi mới để tăng tính hấp dẫn, nhưng sau gần 20 năm ra đời, việc đổi mới rõ rệt nhất mới dừng ở việc sản xuất các chương trình truyền hình là chủ yếu.
Chuyên mục “Y tế và sức khỏe cộng đồng” trên Báo Đà Nẵng với 102 số/năm chủ yếu vẫn là những thông tin chung chung về một căn bệnh và phương pháp phòng tránh, chữa trị. Thông tin thể hiện sáo mòn, đơn điệu. “Quan điểm của truyền thông là lặp đi lặp lại, chúng tôi vẫn chưa nghĩ ra cách đổi mới tuyên truyền trên Báo Đà Nẵng”.
Hằng năm Trung tâm còn xuất bản 72.000 bản tin “Sức khỏe cộng đồng” và 7.000 bản tin “Sức khỏe cho mọi nhà”, phát về các trạm y tế xã, phường. Có hơn 1 triệu lượt người dân/năm được nhân viên truyền thông trực tiếp thông qua hình thức như thăm hộ gia đình, tư vấn qua điện thoại, tư vấn tại phòng khám bệnh...
Ông Tùng cho biết thêm là lúc nào nhân viên Trung tâm đến địa phương tư vấn sức khỏe đều có đông đảo người dân đến nghe. Thế mới biết là dù tư vấn sức khỏe qua bất kỳ kênh hay hình thức nào, thì tính hiệu quả và hình thức chuyển tải hấp dẫn mới mong thu hút được người xem, người đọc.
HOÀNG NHUNG