.

Methadone vẫn được miễn phí

.

Khi người ta đã ở tận cùng của sự nghèo, của sự xót xa, mới thấy rõ tương lai tươi sáng đang chờ phía trước, khi có một cái phao cứu sinh bên cạnh. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, sau một thời gian đã được minh chứng bằng con số hàng trăm người dần từ bỏ ma túy, tìm được việc làm và có cuộc sống ổn định hơn trước.

Bệnh nhân chờ nhận thuốc Methadone uống tại chỗ tại Cơ sở điều trị Methadone số 2. Ảnh: H.N
Bệnh nhân chờ nhận thuốc Methadone uống tại chỗ tại Cơ sở điều trị Methadone số 2. Ảnh: H.N

Bắt đầu cuộc sống mới

Cởi chiếc áo mưa ướt sũng, chùi bàn tay vào vạt áo, M.H.A.V (25 tuổi) điền vào 2 tờ giấy cam kết sẽ uống thuốc đều đặn. Ngày hôm trước, V.  không thể nhờ ai coi dùm ca trực nên đã bỏ uống Methadone một ngày. Từ khi bắt đầu tham gia điều trị cai nghiện từ tháng 5-2012 đến giờ, chỉ  một vài lần, V. phải viết giấy cam kết này, do bận việc. V. là một trong số 267 bệnh nhân đang tham gia cai nghiện bằng thuốc Methadone tại Cơ sở điều trị Methadone số 2, thành phố Đà Nẵng.

V. từng nghiện heroin suốt 4 năm trời, đã 2 lần đi cai nghiện tập trung tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06, nhưng ra khỏi trung tâm, bị bạn bè rủ rê là “bập” vào chích hút tiếp. Suốt 3 năm uống thuốc điều trị, V. tự đứng lên làm lại cuộc đời: tìm được công việc bảo vệ cho một công ty, sống có nền nếp cho ba mẹ vui lòng.

Với ông D.H.C (43 tuổi), sau nhiều năm hút, chích, tiền bạc, gia sản đội nón ra đi, rồi nhiều lần ông tự cai bằng nhiều phương pháp, hay đi cai nghiện tập trung vẫn không bỏ được “nàng tiên nâu”, cuộc sống của ông và gia đình có lúc rơi vào bế tắc, thế mà sau 5 năm uống Methadone, ông C. như “lột xác”. Hằng ngày ông kéo xe ba gác đi chở hàng thuê, vợ thì soạn một quầy hàng nhỏ buôn bán, con gái học đại học. Năm 2014, vợ ông sinh thêm cho ông một thằng con trai. Nước mắt đau đớn không còn, giờ là những giây phút hạnh phúc, ngập tràn niềm vui.

Nhờ có chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, nhiều người nghiện đã làm lại cuộc đời, cải thiện sức khỏe, sống lành mạnh và tái hòa nhập với cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Phú Đoan Trinh, Trưởng Cơ sở điều trị Methadone số 2, khi nói về cuộc sống, sự thay đổi ở nhiều bệnh nhân, mắt bà lấp lánh niềm vui. Sau nhiều năm uống thuốc điều trị, những con người trước đây lỡ nghiện ngập, tính tình hung hăng, sức khỏe bệ rạc, thì nay họ như “lột xác”.

Những anh, chị tìm được việc làm, có người yêu, có điều gì vui đều tìm đến bà để khoe, để kể. Có anh cưới vợ, cầm tấm thiệp cưới đến, mời bà đến chia vui với anh; hay khi gia đình ai có người thân qua đời, bác sĩ Đoan Trinh và các anh, chị nhân viên đều đến thắp hương…

Từ tháng 7-2011, khi cơ sở này đi vào hoạt động đến nay, 365 ngày trong năm đều là ngày làm việc, đón bệnh nhân đến uống thuốc, biết bao mối thân tình giữa bác sĩ, nhân viên điều trị và bệnh nhân, họ cùng nhau chia sẻ, để vượt qua, để làm lại từ đầu, và trên hết để sống tử tế cho chính mình và người thân. Như lời tâm sự của nhiều người mẹ, người vợ: từ khi chồng, con họ tham gia uống thuốc Methadone, nhà mới có bộ bàn ghế mà ngồi, người thân dám giao xe đạp, xe máy cho con người “tưởng bỏ đi” đó đi làm. Khi người ta đã ở tận cùng của sự nghèo, của sự xót xa, mới thấy rõ tương lai tươi sáng đang chờ phía trước, khi có một cái phao cứu sinh bên cạnh.

Methadone song hành cùng bệnh nhân

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Đà Nẵng được sự tài trợ của dự án hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế - Dịch vụ con người Hoa Kỳ (VAAC-US.CDC) nên bệnh nhân được điều trị miễn phí. Dự án điều trị sẽ hỗ trợ thuốc đến năm 2018, nhưng trong năm tới chỉ hỗ trợ thuốc Methadone và dừng hỗ trợ các chi phí khác.

Tại buổi làm việc giữa Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng vào đầu tháng 10 vừa qua, thành phố cam kết sẽ hỗ trợ tiếp 1,2 tỷ đồng chi trả toàn bộ kinh phí điều trị, bao gồm: Xét nghiệm cơ bản ban đầu, khám sàng lọc sức khỏe ban đầu và thường quy, xét nghiệm nước tiểu thường xuyên và các chi phí thường xuyên khác như nước uống, cốc uống thuốc sử dụng một lần, bảo quản thuốc...

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng, cho rằng, với sự hỗ trợ kinh phí từ thành phố, việc điều trị Methadone cho người nghiện heroin trên địa bàn không bị giới hạn, tiếp tục tạo niềm tin, điều kiện để những người nghiện được tham gia chương trình. Khi đa số bệnh nhân tham gia cai nghiện bằng Methadone đều gặp khó khăn, thu nhập không ổn định.

Từ năm 2016, khi kinh phí tài trợ điều trị Methadone từ nguồn dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam kết thúc sẽ gây những trở ngại không nhỏ cho bệnh nhân tham gia điều trị. Sự hỗ trợ về kinh phí từ phía thành phố cho các bệnh nhân là rất cần thiết, là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, không chỉ góp phần hỗ trợ người nghiện mà còn góp phần giảm gánh nặng an ninh, trật tự, cũng như kinh tế của toàn xã hội.

Với 2 trung tâm điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone, đủ đáp ứng yêu cầu thu dung điều trị cho người nghiện chất heroin tại Đà Nẵng. Bác sĩ Phạm Thị Đào cũng cho biết, 90% người nghiện tại Đà Nẵng là nghiện ma túy tổng hợp, chỉ có 10% nghiện heroin, hiện có 26 người nghiện heroin đang tập trung cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06, quá ít để thành phố thành lập thêm một cơ sở điều trị bằng Methadone, vì phải xây dựng đầy đủ kho thuốc, nhân viên làm việc…

Có thể trong vài năm tới, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS sẽ phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội lập một đề án, có lộ trình chuyển thuốc điều trị bằng Methadone cho bệnh nhân với xe chuyên dụng chuyển thuốc, công an áp tải theo xe… lúc đó tất cả những ai nghiện heroin sẽ được điều trị đầy đủ.

Sau 5 năm thu dung bệnh nhân, tính đến ngày 30-9-2015, có 552 bệnh nhân được phê duyệt điều trị (có 7 bệnh nhân đã được xét duyệt nhưng chưa khởi liều), 67 bệnh nhân là người ngoài tỉnh đang đăng ký tạm trú tại thành phố để tham gia chương trình Methadone. Trong số đó đã có 208 bệnh nhân điều trị Methadone đã ra khỏi chương trình do bệnh nhân tự bỏ, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật và tập trung cai nghiện ở Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06.
Methadone là một chất đồng vận với opioid (chất dạng thuốc phiện), nghĩa là có tác dụng tương tự như các chất dạng thuốc phiện như morphine, heroin nhưng thời gian tác dụng kéo dài hơn. Methadone là thuốc có tác dụng giúp dần dần thay thế cảm giác thèm heroin. Tác dụng này xuất hiện từ từ sau vài ngày cho đến vài tuần.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.