.
Tản văn

Hồn của vật

Mới đây cha tôi bán nhà chuyển ra phố. Đồ đạc của cha tôi toàn là những thứ cũ kỹ, lỗi mốt... nên chúng tôi định nhân dịp này sắm mới lại toàn bộ. Vừa đỡ mất công vận chuyển hàng trăm cây số, vừa cho cha tôi được hưởng chút ít tiện nghi hiện đại. Lúc chúng tôi nêu ý kiến, cha tôi không nói gì. Suốt những ngày sắp rời làng, cha tôi không muốn nói gì.

Nhưng mọi chuyện đảo lộn hết vào hôm cuối cùng. Tôi liệt kê một loạt những thứ sẽ bỏ lại bởi thực ra ở nơi sinh sống mới nó hoàn toàn không cần thiết. Cha tôi ngồi nghe mà cứ giật mình thon thót. Cuối cùng ông đòi phải mang đi một vài thứ - mà theo ông không thể bỏ lại. Để cho chắc chắn, ông xem xét từng đồ vật một, ông ngắm nghía, sờ nắn, vỗ về, trò chuyện, kể lể... với từng thứ trong một trạng thái ngây ngất. Tựa như chúng có thể nghe lời ông và ngược lại ông cũng hiểu được nỗi lòng của chúng. Cứ thế lần lượt ông chỉ cho tôi “những thứ không thể bỏ lại” trong đó có mấy chiếc chân đế chống kiến, chống trộm, vừa gỉ nát, vừa thô kệch bởi chúng được làm bằng thứ vật liệu phế thải, cóp nhặt. Tôi phát cáu hỏi cha tôi:

- Cả những thứ đó thì con không thể hiểu nổi. Cha còn cần chúng làm gì cơ chứ...

- Nhưng để lại thì rồi người ta sẽ làm gì chúng? - Cha tôi cũng gay gắt hỏi lại.

- Tống cổ chúng xuống ao, thế là gọn chuyện.

- Con có thể làm thế, còn bố thì không. Bố lại không biết chúng chẳng còn tác dụng gì với bố nữa hay sao? Bố biết quá đi chứ. Nhưng những lúc bố lâm vào cảnh khốn cùng, thử hỏi không có chúng thì làm sao bố giữ được miếng ăn để mà nuôi các con. Bố nói con tin hay không thì tùy chứ mấy ngày nay, khi quyết định bỏ mấy cái chân đế ấy lại, bố rất sợ phải nhìn thấy chúng. Con cứ sống như chúng ta đi, sẽ tin vật nó có hồn đấy!

Tôi rùng mình như bị một dòng điện chạm vào da thịt. Cha tôi, một người thất học, đã gọi ra đúng cái điều mà tôi chưa tìm được cách diễn đạt.

Hồn của vật, chính là cái sự sống được tích tụ qua năm tháng, bởi cuộc vật lộn triền miên với thời gian, đọng lại trong mỗi đồ vật. Nó là kỷ niệm, hình bóng của quá vãng... mà mỗi người có thể tìm về. Nó gắn con người vào với đời sống vốn là buồn tẻ, đơn điệu của thôn dã, đến mức những kẻ duy lý chúng ta không sao hiểu được, rằng: Dường như họ không phải đang tồn tại mà đang biến mất?

Phải sống thế nào để thấy vật có hồn?

TẠ DUY ANH

;
.
.
.
.
.