.

Khi bão đã đi qua

.

Trang chủ facebook đầy ắp những dòng trạng thái thể hiện sự âu lo, lời cầu nguyện và cả những hình ảnh nhòe nhoẹt về một đêm mưa gió ở quê nhà. Đài Khí tượng thủy văn Trung ương liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về hướng đi của bão.

Dự báo đêm nay tâm bão sẽ càn quét ngang mảnh đất miền Trung vốn đã phải hứng chịu nhiều thiên tai này. Cuộc điện thoại gần nhất, mẹ nói gấp gáp vài câu rồi lo phụ giúp cha chèn lại mấy cái cửa cho kiên cố. Đầu dây bên kia chỉ còn lại những tiếng “tút tút” khô khốc, tôi cứ bần thần mãi. Sài Gòn vẫn lập lòe những ánh đèn xanh đỏ trước mắt…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi xa gia đình, vào Sài Gòn theo đuổi ước mơ đại học thấm thoát đã gần 4 năm. Cứ mỗi lần có thông tin quê nhà đang oằn mình chống chọi với một cơn bão thì lòng lại quặn thắt. Cảm giác bất lực vì không thể phụ giúp được gì cho gia đình trong những ngày này cứ bào mòn tâm trí tôi.

Hồi bé, chỉ cần nghe ti-vi thông báo cơn bão số 1, số 2 rồi số n… tôi lại khấp khởi mừng thầm vì “kinh nghiệm” nhiều năm cho biết thể nào sau đó cũng có thông báo “ngày mai học sinh trên toàn thành phố được nghỉ học”.

Tôi hớn hở khoe với mẹ về việc sắp được nghỉ, mẹ chỉ cười hiền rồi ôm tôi vào lòng, tuyệt nhiên không nói gì thêm. Thế nhưng, niềm vui ấy cũng chẳng kéo dài được lâu khi tôi thấy cha khệ nệ khiêng từng bao tải cát chằng chống mái tôn, khi tôi thấy chiếc xe đạp cọc cạch của mẹ gồng gánh bao nhiêu thứ rau củ, thức ăn khô để dự trữ.

Trong ký ức về những ngày giông bão của tôi luôn in sâu hình ảnh mẹ dù trĩu nặng muôn vàn nỗi lo âu nhưng vẫn dành thời gian chuẩn bị cho tôi nơi trú ẩn an toàn. Thật bất ngờ khi chăn nệm của tôi lập tức được di chuyển vào phòng tắm.

Mẹ bảo đây là nơi duy nhất trong nhà có phần mái được đổ bê-tông, vì bên trên dùng làm bể chứa nước sinh hoạt. Phòng tắm nhỏ xíu được mẹ dùng chăn quây lại trông như một chiếc tổ ấm cúng. Xong xuôi, mẹ ân cần nhắc nhở: “Dù có chuyện gì cũng đừng ra khỏi đây nghe chưa, chó con của mẹ!”… Thế rồi, đôi tay thô ráp và ấm áp của mẹ cứ vỗ đều đều vào tấm lưng bé nhỏ, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Mưa bão vẫn đang gầm gừ ngoài kia…

Mãi sau này, tôi vẫn chẳng thể nào quên được những âm thanh hỗn loạn, lạo xạo trong bóng đêm tối sẫm và hung tợn năm ấy. Tiếng gió giật liên hồi vào cửa kính như thách thức, tiếng mái tôn cắn răng oằn mình chống chọi tự trên cao, tiếng chân người hớt hải chạy loạt soạt…

Tôi rón rén nhón chân leo lên gác mái của nhà trọ, ký ức về những ngày mưa bão cứ chồng chéo lên nhau. Những ngôi sao lấm tấm trên bầu trời đêm, tỏa thứ ánh sáng dìu dịu như vỗ về nỗi lo âu đang xâm chiếm trong lòng tôi. Kỳ lạ thay, cái sắc trắng huyền hoặc ấy kéo tôi về những ngày tháng yên bình ở quê nhà.

Là những sớm mai tôi ríu rít theo chân mẹ ra biển, chờ đón những con tàu đầy ắp tôm cá trở về từ khơi xa. Đủ loại cá thân hình bóng nhẫy, ánh lên màu xanh nằm đầy ghe cùng nụ cười tươi roi rói hiển hiện trên gương mặt của ngư dân báo hiệu một chuyến đi thắng lợi.

Tôi đón lấy chiếc rổ con con đầy ắp tôm cá từ tay mẹ, chẳng ngần ngại ôm sát vào người. Cái mùi tanh nồng của cá tôm, cái mùi hăng hắc mặn mòi của muối biển trong khoảnh khắc đó bỗng trở thành một thứ mùi vị đặc biệt, cuốn hút đến mê hồn.

Là những chiều tà tôi “chễm chệ” ngồi trên vai cha, lắng nghe tiếng ầm ào của sóng biển quyện chặt trong cơn gió mơn man. Ánh mặt trời cố nhuộm đỏ dòng nước trước khi bị lôi tuột xuống mặt biển. Đứng trước khung cảnh tuyệt đẹp ấy nhưng cha lại thường nói với tôi về những ngày biển nổi giận.

Ông dạy tôi cách chấp nhận và đối phó với những trận bão dữ dội ở mảnh đất này, không quên nhắc tôi trân trọng những ngày trời yên biển lặng…

Đêm đã về khuya, tiếng xe cộ nhộn nhạo bên dưới cứ thưa dần, thưa dần; những ánh đèn cũng thôi không còn tỏa ra thứ ánh sáng ấm nóng vàng vọt… Bất giác, điện thoại vang lên, chất giọng trầm trầm của cha như ánh lên niềm vui: “Ti-vi mới thông báo, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi nghe con, đêm ni cả nhà được ngủ ngon rồi”.

Tôi ngẩng mặt nhìn trời. Giờ đây, những ánh sao kia bỗng trở nên lung linh hơn lúc nào hết…

PHẠM NGUYỄN CA DAO

;
.
.
.
.
.