Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tập hợp các bài thơ của Hoàng Hiếu Nhân, in thành cuốn Quả địa cầu. Sách phát hành nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14.
Hoàng Hiếu Nhân sinh năm 1959 tại Quảng Bình, mất tháng 2-2015. Tám tuổi, cậu bé sinh ra tại tuyến lửa bắt đầu làm thơ; 10 tuổi, đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác thơ thiếu nhi do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Những bài thơ của Hoàng Hiếu Nhân được nhiều người biết tới và yêu thích như Quả địa cầu, Con cò, Bọn trẻ quê em, Mặt trời, Nix-xơn...
Chỉ 10 năm sáng tác nhưng đó là khoảng thời gian vụt sáng của một “thần đồng” thi ca. Những tên tuổi như Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Phan Thị Vàng Anh... được đánh giá làm bừng sáng nền thi ca Việt Nam giai đoạn 1964 - 1974. Dẫu chỉ có chừng mười năm dành cho thơ ca nhưng những bài thơ hồn hậu, thuần khiết của nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân vẫn khiến người yêu thơ lưu luyến.
ĐNCT giới thiệu cùng bạn đọc những bài thơ từ tập Quả địa cầu.
Bọn trẻ quê em
Bọn trẻ quê em
Có đứa chưa từng biết ô-tô, tàu hỏa
Nhưng phân biệt rất tài Thần sấm, Con ma (1),
Có đứa chưa nghe pháo lói nổ giao thừa
Nhưng biết phân biệt rốc két và tên lửa,
Bom lân tinh và bom na pan,
Có đứa chưa thuộc hết nẻo đường làng
Nhưng đều biết các con đường ra mặt trận,
Có đứa chưa cao bằng tầm khẩu súng
Nhưng biết cách dùng vũ khí dân quân,
Có đứa ham chơi quên cả giờ ăn
Vẫn nhớ ngày giặc hành hình anh Trỗi,
Vẫn nhớ Tết Mậu Thân sử vàng ghi chói lọi,
Có đứa đi đêm còn sợ bóng tối
Nhưng biết cầm dây trói Mỹ nhảy dù,
Có đứa còn giành với em đốt mía, tấm quà
Nhưng sẵn sàng mang hết chuối trong nhà thăm bộ đội.
Anh chớ bảo chúng em: “Khôn trước tuổi”
Chỉ vì cái gì cần nhớ trước thì nhớ trước,
Cái gì chưa thật cần thì tạm nhớ sau.
1970
(1) Thần sấm, Con ma: Chỉ loại máy bay F105 Thunderchief (Thần sấm) và F4 Phantom (Con ma) quân đội Mỹ sử dụng để ném bom miền Bắc Việt Nam thời kỳ 1965-1972. (BT)
Mẹ ơi
Tuổi con còn thơ dại
Phải sơ tán xa nhà
Đường Quảng Bình-Vĩnh Phú
Mấy đạn bom vượt qua.
Mẹ trao con mo cơm
Mà lưng tròng nước mắt
Con biết mẹ đang buồn
Nhưng con không dám khóc
Ô-tô vừa chuyển bánh
Mẹ vui lên mẹ ơi!
Mai mốt tan giặc Mỹ
Con lại về đấy thôi.
Máy bay lượn trên trời
Dưới đường xe vẫn phóng
Bóng mẹ theo đường dài
Và sông Gianh nổi sóng.
1967
“Mặt trời”
Quả đất sinh ra mặt trời giữa biển khơi
Trên giường biển mặt trời đã mọc đầy râu đỏ
Mây trắng tặng mặt trời khăn quàng cổ
Mặt trời từ biệt mẹ lên đường.
Không ai thương mẹ bằng mặt trời thương quả đất
Đi suốt ngày vẫn chiếc hôn nóng rực
Những chiếc hôn đêm tối vẫn ấm lòng
Con không lặn bao giờ dù đêm tối mênh mông.
Đêm Trường Sơn mặt trời xuất hiện
Những chiếc xe mang con mắt mặt trời ra tiền tuyến
Những loạt đạn mang lửa mặt trời đốt máy bay
Những ánh mắt mang tia sáng mặt trời xuyên đêm dày
Những trái tim mang sức sống mặt trời đi tìm giặc.
Thương mẹ vô cùng nên mặt trời không bao giờ tắt.
Em tôi
Anh bảo em: “Vẽ tiếp bức tranh gà”
Sao em chẳng lấy bút chì màu và sổ nhỏ?
Anh bảo em: “Quét nhà và hái rau cho thỏ”
Sao em không vòng tay “Vâng ạ, em đi”?
Anh bảo em: “Ca Huế cho bà nghe”
Sao em không đưa tay mềm đánh nhịp?
Anh bảo em: “Chú bộ đội đến nhà”
Sao em chẳng lon ton ra cửa tiếp?...
Không! Em tôi không biết nói nữa rồi
Nếu giặc Mỹ không ném bom lớp vỡ lòng năm ấy
Thì bây giờ em đã học lớp hai,
1968
Trăng
Kính tặng chú H.B.T
Chú ơi cháu còn nhớ
Giặc giết nội nơi đây
Đêm đó trong khói lửa
Có ông trăng xếch mày.
Rồi hôm sau trăng về
Mặt đỏ lừ tức giận
Tia sáng xuyên gươm vàng
Nhắc chú đi ra trận.
Tiễn chú bên gốc gạo
“Tất cả vì tiền phương”
Cháu xuống nhà hầm ở
Trăng nhường chú hành quân.
Mỗi bận cháu nhớ trăng
Mở thư dài chú đọc
Chợt thấy vòng ngụy trang
Viền vành trăng sáng rực.
Mấy năm rồi đấy nhỉ
Chú ôm trăng trả thù
Ôi ông trăng của chú
Đêm nào không Trung thu.
Hôm nay giữa đình làng
Chúng cháu quay vòng nhảy
Trăng chú lượn trên đầu
Nên vui tròn vậy đấy.
1969
Quả địa cầu
Chú cho em quả địa cầu,
Em nhìn bốn biển năm châu rành rành.
Trục này em vặn quay nhanh
Em đi mấy đợt vòng quanh địa cầu
Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc châu,
Đất nào đẹp, nước nào giàu tìm xem.
Ở đâu bằng đất nước em
Đã giàu đẹp lại mang tên anh hùng.
HOÀNG HIẾU NHÂN