Nghe anh Sửu nói, gia đình anh ai cũng là thợ mộc chuyên đóng ghe xuồng. Ở vùng này hầu như nhà nào cũng sử dụng ghe xuồng đóng từ trại mộc nhà anh. Ngay cả chiếc ghe “năm lá” dùng để đưa đò của chị Hai cũng có dấu tay của anh trong đó.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chị Hai tôi có tình ý với anh Sửu từ lúc nào tôi không biết. Chỉ biết mùa nước nổi vừa rồi, chị bơi xuồng ra đồng mà không cho tôi theo. Chị nói, chở tôi đi thêm nặng xuồng chớ có giúp ích được gì đâu. Tôi khoái chí cười, vậy thì còn khỏe nữa. Nhưng tôi biết, khi đó ba mẹ tôi – cũng như nhiều người ở vùng này – đang ở ngoài đồng hì hục gặt lúa non.
Qua những ngày gặt, mỗi sáng tôi lại ngồi trên xuồng ra đồng cùng chị Hai đi kiếm cái ăn qua con nước. Đó đây có người đi thả lưới, đặt trúm, giăng câu… còn chị Hai thì hái bông để đổi gạo. Chị kể, không ít lần ở xóm Côi này người ta đói đến mức phải ăn bông điên điển trừ cơm. Cảnh đói đó tôi chưa từng nếm trải. Trước mắt tôi là những loài hoa tuyệt đẹp, nào là hoa muống đồng, lục bình, điên điển, bông súng tím và cả bông súng trắng… được chất đầy xuồng của chị Hai.
Mùa khó khiến anh Sửu nghỉ việc đóng ghe xuồng. Anh phân trần, nghề gia truyền mấy đời rồi mà có thấy ai giàu đâu. Gỗ ngày một khan hiếm và giá thành đắt quá. Lần này anh sẽ đi buôn, nói đúng hơn là anh hùn vốn với một người chủ ghe, cũng là học hỏi cách thức đi buôn chuyến. Anh Sửu buôn trái cây từ miệt vườn đem về vựa chợ nổi. Làm vậy xem như anh đã chấp nhận cuộc sống lênh đênh sông nước rồi. Chị Hai buồn nhớ, nhưng tin anh.
Mỗi ngày, chị Hai cùng với những chuyến đò ngang, cũng có khi đưa bọn trẻ trong xóm đến trường, nhất là vào những ngày mưa dai dẳng. Lần nọ, chị chèo ghe đưa ba tôi đi chọn đổi lúa giống, về giữa đường chị tấp vào mé bờ bẻ bông điên điển. Bất ngờ, một con rắn lục ở trên cây mổ vào cườm tay chị.
Hoảng hồn, ba tháo chiếc khăn rằn quấn trên đầu xiết chặt cánh tay của chị lại. Sau đó cánh tay chị sưng phù, mất dần cảm giác. Ông thầy thuốc trị rắn cắn bảo, người bị rắn lục cắn là thúi thịt, cứu không kịp. Cũng may, chị còn được cứu sống, nhưng cánh tay phải của chị đã bị teo lại và năm ngón tay bị đơ thuỗn ra, liệt rồi. Áo tay dài từ đó chị mặc thường xuyên hơn. Nụ cười ít điểm trên môi chị, ánh mắt xa xăm.
Vậy mà sau lần đó, chị vẫn quen việc ngày ngày đưa đò. Mỗi lần chị bước xuống ghe dường như chiếc ghe nghiêng hẳn về một bên. Chị tập riết rồi quen. Một tay một mái chèo chị điều khiển mũi ghe tùy thích. Nhưng mấy ai biết được, mỗi ngày chị đưa khách qua sông không khác nào cảm giác đang đưa mình khi ở bên này lúc lại ở bên kia. Bờ cứ nối dài mãi mà sông thì chảy hoài vô định.
Anh Sửu vẫn biền biệt. Chị Hai nghĩ, có lẽ anh cũng đang trong cảnh khốn khó… Một hôm, giữa cái nắng chói gắt, chị Hai đang đưa đò cho khách qua sông, bỗng thoáng thấy có bóng người giống như anh Sửu, chị réo gọi tên anh mà cứ ngỡ như đang mơ.
Nhiều người khách cười vì chị nhìn nhầm người. Qua nhiều ngày nữa, cũng đang giữa trưa, chợt có bóng người xuống bến réo gọi đò giống anh Sửu quá. Mà không. Anh ấy chỉ là khách qua sông. Người đó đi tìm một người lỡ hẹn đã rất lâu.
Điều đó thật khác với lời của một người quen mà chị đã nghe được sáng nay, rằng anh Sửu đã cưới vợ, mong chị đừng chờ. Không hiểu sao người khách đó chưa chịu bước xuống ghe mà đột nhiên đi về phía ngược lại. Nắng tràn bờ. Chị thẫn thờ ngồi bên bến sông.
Tiếng bìm bịp nghe sao buồn bã hơn mọi khi. Chị bưng mặt khóc với cánh tay trái còn lại. Mẹ tôi xuống bến réo gọi đò. Tôi cũng lúp xúp chạy theo. Chị mau tay, lau nước mắt rồi quay lại phía mẹ và tôi. Thoáng cái chị đã tháo dây neo cho ghe rời bến.
Có lẽ chị đã hiểu thực tế có những hoàn cảnh không thể khiến con người ta chọn lựa. Chị chèo một mạch qua sông. Bên đó có nhánh dừa đang réo gió, trong vòm lá có bầy se sẻ ríu rít chuyền cành. Chị Hai gác chèo rồi mỉm cười. Tôi nghĩ, chắc là chị đang gói lại niềm riêng...
Đài, báo đưa tin sắp có lũ lớn đổ về. Bà con hàng xóm nghĩ, thì cũng như mọi năm thôi. Con nước nổi lên rồi con nước cũng rút xuống, cứ lo be bờ bao lại cho kỹ là ổn mà.
Ai có làm gì, chị Hai vẫn bơi xuồng tới cuối Xóm Côi giăng lưới. Gác cây dầm trong xuồng, để xuồng tự trôi theo con nước, chị thả lưới. Chưa biết có cá tép gì không, nhưng cơn lũ đột ngột kéo về. Con nước dữ dội cứ lao thẳng về trước, ngấu nghiến hết mọi vật mà nó đi ngang, tràn qua. Dòng nước cuồn cuộn ngầu đục. Lật xuồng, chị Hai bị cuốn theo lũ dữ.
May mắn là chị thả lưới ở chỗ cạn và sát bờ, rậm cây nên chị bị vướng lại giữa giề lục bình. Rễ bần và hàng dừa nước dang tay kéo chị lại. Tay lưới trôi tuốt luốt theo dòng xoáy trong tiếng sấm rền và mưa xối xả. Cây dầm bị rớt hồi nào không biết. Chị lấy đỡ cái bẹ dừa nước bập bềnh trôi làm dầm bơi về nhà. Mỏi nhừ cánh tay. Một thanh tre từ một mái nhà ai đó trôi theo con nước đang trờ tới. Chị Hai lấy ngay thanh tre đó làm cái sào chống xuồng. Đứng chông chênh, chị cứ chống xuồng về nhà.
Giữa hỗn độn chị nghe văng vẳng tiếng kêu cứu mỗi lúc một thêm gần, vọng về phía chị. Chị căng mắt trong màn mưa và thấy gần bãi đất gò có một người đang đứng ở đó với mực nước ngang ngực. Chị Hai thấy rõ người ấy cố đưa đứa bé lên cao khỏi mặt nước. Chị chống mạnh tay sào về hướng đó. Ngược chiều gió mà con xuồng vẫn nhích lên từng nấc sóng. Bỗng mũi xuồng dùng dằng, chị cắm sào rồi kêu thảng thốt: “Trời! Anh Sửu…”.
Trèo lên xuồng, anh Sửu trao cho chị đứa bé trai. Đứa bé khoảng chừng qua thôi nôi, tím tái, như sắp lịm đi. Chị ôm đứa bé vào lòng, hòng dùng chút hơi người ủ ấm da thịt của đứa bé. Mưa ngớt dần. Anh Sửu nhìn chị không biết nói gì. Anh vẫn chưa quên đã từng hứa với chị sẽ có ngày “rước dâu bằng xuồng ba lá”. Có lẽ ước mơ nhỏ nhoi quá nên dễ vỡ vụn. Nó như những cái bọt nước nổi lên theo từng nhịp sào của anh, rồi tan mất. Người gần vậy mà có với tới được đâu.
Lũ rút. Rồi nắng cũng lên cao.
Chị Hai về nhà bình an. Chiều đó, chị ra bến sông sớm lắm, nơi anh Sửu đã hẹn. Mặt trời hừng hực đỏ sau những ngày mưa lũ. Cây cối như tươi xanh trở lại.
- Con anh ngoan quá, nằm ngủ trên tay cha…
- Mẹ nó bị lũ cuốn trôi rồi. Vợ chồng anh đang cho ghe hướng về quê mình buôn bán dăm ba tháng rồi đi tiếp về miệt Năm Căn. Nghe đài báo lũ, anh tính dừng lại đâu đó, nhưng nói vậy mà có làm vậy đâu, sợ trễ chuyến, sợ đứng vốn… - Tới đây, anh Sửu nghẹn giọng.
Họ im lặng chia tay khi ánh trăng non quét một đường cong trên nền trời xanh thẳm.
Anh Sửu vẫn ngày ngày tìm xác vợ chỗ khúc sông ghe chìm, vợ bị cuốn. Anh trầm mình dưới nước men theo bờ sông, lặn hụp như đào bới trong vô vọng. Nhiều người trong xóm không biết, cứ tưởng anh bị tâm thần hoặc đang làm ăn gì đó. Anh không biết đã bao lần chị Hai vẫn dõi theo dáng anh hì hụp nơi bến sông. Chị Hai có thói quen vẫn ra đứng ở bến đò ngóng đợi, nơi có cây sầu đâu rụng hoa trắng, không ai biết chị đang ngóng đợi điều gì, chỉ biết rằng tiếng gọi “đò ơi!” ngày một thưa dần. Chiếc ghe năm lá có dấu tay anh Sửu ngày ngày in bóng xuống dòng sông quê, tựa như dáng của một chiếc cầu vồng không sắc.
TRẦN HUY MINH PHƯƠNG