.

Phù phiếm

.

Tôi hay bị chồng mắng vì cái tội phù phiếm, viển vông. Đã nghèo mà suốt ngày thấy vào mạng ngắm ngọc ngà châu báu. Bạch ngọc, lam ngọc, hoàng ngọc, lục bảo ngọc… Cũng chỉ là đá mà thôi.

Dù có được hình thành và tồn tại cả nghìn năm đi nữa thì đá vẫn là đá. Đâu cần phải ngẩn ngơ ao ước hay bỏ ra cả đống tiền để có được một viên bé xíu đeo chúng trên người. Trong khi chẳng thể phân biệt nổi đâu là đá thật còn đâu là đá giả bày bán tràn lan.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thứ lý lẽ của chồng khiến tôi bật cười. Nếu không có những thứ phù phiếm ấy thì đàn bà như tôi biết lấy gì khuây khỏa? Tôi tin ở ngoài kia rất nhiều người như mình, đã dành cả tuổi trẻ để vun vén gia đình mà chưa từng mảy may nghĩ điều hơn thiệt.

Tay bế tay bồng chăm cho con từng bữa ăn giấc ngủ. Lo cho chồng từng vạt áo phẳng phiu đến cái nhíu mày trong bữa ăn mặn nhạt. Rồi đến một lúc nào đó các con không còn muốn quanh quẩn bên cạnh mẹ mà tha thiết với thế giới bên ngoài. Chồng cũng có vô số niềm vui từ tụ tập bạn bè đến đá bóng, chơi chim.

Người đàn bà bỗng cảm thấy cô đơn lạc lõng trong chính góc bếp xó nhà. Phải tìm một thú vui gì đó đủ để lấp đi khoảng trống mà những người thân vừa để lại. Tôi tìm đến ngọc một cách rất tình cờ nhờ theo dõi facebook của một người đàn bà mê trang sức.

Tôi ngắm nghía những chiếc vòng bạch ngọc và ao ước được sở hữu một chiếc cho mình. Tôi sẽ không đeo tay mà để dành làm của hồi môn cho con gái. Giữ một món ngọc quý trong người là giữ một bí mật của thiên nhiên trải qua bao quá trình trầm tích. Có khác chi giữ một phần vũ trụ bên mình. Tôi tủm tỉm cười vì tự thấy mình phù phiếm quá hoặc là ngây thơ quá. Khi những món đồ mà tôi thích có giá đến vài trăm triệu. Tôi biết mình tích cóp cả đời cũng có khi chẳng dư dả để mua một chiếc vòng ngọc quý.

Tôi hay nhớ đến mẹ của những năm nghèo khó. Áo rách vai, cơm độn sắn, nhà dột tứ tung nhưng trước sân hoa nở bốn mùa. Trên chiếc bàn uống nước kê trong nhà thường vẫn đặt một lọ hoa bằng gốm. Mẹ cắm hoa cúc, hoa hồng, hoặc có khi là nắm hoa xuyến chi hái lúc đi thăm đồng hoặc cành hoa bưởi ngát hương xin bên nhà hàng xóm.

Cũng có hôm mẹ cắm vào đó những bông hoa giấy mà chị em tôi mang về từ tiết học thủ công trên lớp. Thiên hạ mỉa mai “ăn còn chẳng đủ no mà vẫn hoa với hoét”. Mẹ cười bảo: “Đời sống vật chất đã thiếu thốn không lẽ để đời sống tâm hồn cũng nghèo nàn. Không nhìn vào cái đẹp thì làm sao vượt qua được hết khó khăn này đến cơ cực khác”.

Tôi biết ơn mẹ vì thứ phù phiếm quá đỗi tươi đẹp ấy. Bởi nhiều sớm tỉnh dậy ngó quanh thấy sương lạnh ùa vào trong nhà, tê tái. Nhà không cửa, nhìn đâu cũng chỉ thấy nghèo nàn xơ xác. Chỉ có những bông hoa của mẹ là kiêu hãnh nở từng cánh thắm, tỏa hương thơm át đi mùi mối mọt, ẩm mốc trong nhà. Đêm thức giấc tôi hay lần theo hương hoa mà đi lại trong nhà.

Rồi cũng chính mùi hương ấy theo tôi vào giấc mơ thơ ấu. Bố vài lần say rượu về đập phá đồ đạc trong nhà, nhưng bao giờ cũng chừa ra bình hoa của mẹ. Cứ như thể nó chính là những gì đẹp đẽ, quý giá nhất trong nhà cần phải được nâng niu tôn trọng.

Ba mươi năm trôi qua, căn nhà không cửa năm xưa trở thành kho chứa rơm khô cho trâu bò ăn trong mùa lạnh. Bố mẹ đã già, tóc bạc và răng rụng. Đến bữa cơm móm mém kể chuyện thời ăn độn rồi kêu thèm một bữa cháo sắn nấu ốc đồng.

Ngôi nhà mới được xây lên rộng rãi khang trang, trên chiếc bàn tiếp khách mẹ vẫn giữ thói quen cắm một bình hoa nhỏ. Trong bức ảnh duy nhất chụp chung cả gia đình năm 1995. Qua nước ảnh ố vàng, tôi vẫn bị đắm đuối bởi cái màu đỏ của bình hoa trạng nguyên mẹ cắm. Màu đỏ như đốm lửa bập bùng cháy qua năm tháng thăng trầm.

Phù phiếm cũng không phải là đặc quyền của riêng phụ nữ. Tôi có quen một anh bạn làm công nhân trong khu công nghiệp phía nam thành phố. Anh đã có gia đình với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Gia đình anh sống trong một căn phòng trọ chật chội, chỉ đủ kê những đồ đạc thiết yếu. Cuộc sống không dư dả, anh vẫn thường chạy xe ôm sau giờ làm ở công ty.

Người ngoài nhìn vào hay nghĩ chắc anh vật lộn mệt mỏi lắm. Nhưng họ không biết rằng thực ra đời sống tinh thần của anh rất phong phú. Anh vẫn giữ một thói quen cuối tuần dẫn cả gia đình đi xem hòa nhạc ngoài trời. Hoặc sẵn sàng bỏ tiền mua vé vào xem những buổi hòa nhạc được biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội.

Tôi luôn tin rằng những bữa tiệc tinh thần mà anh mang đến cho các con mình sẽ nuôi dưỡng phần tâm hồn chúng. Lớn lên chúng sẽ trở thành những con người tinh tế, nhạy cảm, biết yêu thương và nâng niu cái đẹp.

Có người nói cuộc đời như quán trọ, phù phiếm mà làm gì. Nhưng tôi thì luôn nghĩ phù phiếm vốn là nhu cầu tự thân, nó khiến cho cuộc đời thêm hương sắc. Riêng tôi, cứ mỗi lần nhớ mẹ là tôi lại cắm một bình hoa trong nhà để lần tìm theo mùi hương ký ức…

Vũ Thị Huyền Trang

;
.
.
.
.
.