1.Từ cái nhìn văn hóa (tác giả Đỗ Lai Thúy, 10-2018, NXB Tri Thức) là cuốn sách tổng hợp về văn hóa vật thể và phi vật thể ở miền Nam Việt Nam. Tác giả sử dụng thủ pháp ghi nhận thực tiễn và phản ánh nét đẹp văn hóa của người miền Nam trên nhiều phương diện. Nguồn tư liệu được tổng hợp khá phong phú, đa chiều. Đó là văn hóa mưu sinh, ẩm thực, trang phục, cư trú, giao thông, tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, nghệ thuật…
Qua từng trang sách, cuộc sống của người dân miền Nam hiện lên sống động, rõ nét, dung dị. Kho tư liệu của tác giả khiến tác phẩm không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn mang giá trị văn học. Các phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói được phản ánh chân thực, độc đáo. Cuốn sách không chỉ có ý nghĩa cho những người quan tâm đến văn hóa của người dân Nam Bộ mà còn bổ ích với những nhà nghiên cứu.
2. Khi trầm cảm được quan tâm ngang với ung thư, người ta bắt đầu tự hỏi lại thước đo đích thực của hạnh phúc. Tại sao một người nổi tiếng, được hàng ngàn người quan tâm, tung hô bỗng một ngày tìm đến cái chết? Tại sao một bà mẹ đang ôm đứa con bé bỏng, đáng yêu trong tay bỗng có những hành động điên rồ, để lại hậu quả thương tâm? Chúng ta đang sống vì điều gì? Chúng ta không ngừng cố gắng làm việc, phấn đấu hết mình vì mục tiêu đề ra, không ngừng tích cóp những giá trị có thể nhìn thấy được như tiền bạc, nhà cửa…
Và rồi, cuộc sống chúng ta sẽ tới đâu? Nâng lên được, đặt xuống được (10-2018, NXB Thế giới, tác giả Trương Di) không chỉ là thông điệp mà còn chạm sâu vào hành trình của những người được xem là cô độc. Điều chúng ta cần học để cuộc sống bớt muộn phiền hơn đó là học cách nâng - đặt, học cách buông bỏ, vượt lên những mất mát tổn thương để thấy lòng mình vơi nhẹ, để đủ bản lĩnh, đủ mạnh mẽ đối diện và vượt qua giông gió cuộc đời. Tâm có an thì đời mới yên.
Hải Âu