1. Cố nhà văn Sơn Nam được nhiều người gọi yêu là “ông già Nam Bộ”, “ông già đi bộ”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay là “nhà Nam Bộ học”. Bởi, không chỉ cống hiến trong văn chương, ông còn dành cả cuộc đời khảo cứu và sưu tầm văn hóa mảnh đất Nam Bộ.
Trong tác phẩm Lịch sử khẩn hoang miền Nam (NXB Trẻ tái bản), bằng kinh nghiệm sống, ưu thế tìm tòi, chắt lọc từ trong vốn tư liệu quý của dân tộc, nhà văn Sơn Nam đã tìm ra lối dẫn đưa chúng ta về với cội nguồn, quá trình thiên di, sinh cơ lập nghiệp của lưu dân Việt trong suốt ba thế kỷ qua; đồng thời mở ra hướng tiếp cận về con đường mở nước và dựng nước của dân tộc ta ở vùng đất mới-Vùng đất mà mỗi khi nhắc đến người ta vẫn thường liên tưởng tới những câu thơ: Đến đây xứ sở lạ lùng. Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh, hay Chèo ghe sợ sấu cắn chưn. Xuống sông sợ đỉa, lên rừng cọp um.
2. Thành phố-những thước phim quay chậm (NXB Trẻ, 11-2018) là tập tản văn mới nhất của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Như Phương. Thành phố ở đây không chỉ một, mà là nhiều thành phố: Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Hội An và cả… Paris, những thành phố hiện hữu trong một tập hợp các ghi chép kéo dài trong nhiều năm, từ tác giả - một người quan sát thầm lặng, tinh tế và có kiến văn sâu rộng.
Tác giả Huỳnh Như Phương dành cho mỗi bài một dung lượng vừa phải với các pha chuyển cảnh khiến cho cuốn sách thuần nhất với nhịp điệu này nhưng không gây nhàm chán. Thời gian, không gian cứ luân phiên chuyển đổi mà không gây hụt hẫng hay chệch khỏi không khí chung của tác phẩm. Người đọc sẽ soi thấy chính mình trong ấy, cả miền ký ức lẫn nẻo ước mơ, và sẽ mong một lúc nào đó cũng quay chậm, tua lại những thước phim đời mình mà suy ngẫm.
Hải Âu