.

Tháng Chạp

.

Trên tường, quyển lịch đã mỏng dần đến những tờ cuối. Cuối tháng Chạp rồi, tháng của rét mướt, tháng của những hanh hao, tháng của những tất bật vội vã để kết thúc một năm này, bước sang một năm mới khác. Tháng Chạp bây giờ chỉ đơn giản là tháng cuối cùng của năm. Còn những tháng Chạp xa xưa là tháng của những háo hức, mong chờ, đón đợi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Xưa, ngày tôi còn nhỏ, nhà cũng nghèo như bao nhiêu gia đình khác ở trong xóm nhỏ thôn quê. Một đôi dép mới, một tấm áo hoa, một chiếc bờm cài tóc xinh xinh đều nằm trong lời hứa của mẹ: “Đến Tết mẹ mua cho nhé”. Tết giống như một cái mốc, như một điểm hẹn để lũ trẻ con ngóng chờ. Như thể những đủ đầy, ấm no chỉ có thể thực hiện khi năm hết Tết về, không cách nào khác được.

Từ đầu tháng Chạp, canh những bữa trời nắng mẹ sẽ đổ lúa nếp ra phơi. Lúa nếp mẹ để dành từ vụ mùa để dành Tết về gói bánh. Từ đầu tháng Chạp làng xóm đã hối hả cày cấy cho xong để những ngày Tết không phải lo chuyện ruộng đồng. Rồi mẹ tính Tết nay sẽ gói bao nhiêu cái bánh chưng, gói mấy cân giò. Mấy anh em chúng tôi ngồi bên, nghĩ đến nồi thịt kho thơm phức, nghĩ đến những chiếc bánh chưng bánh tét treo lủng lẳng trên xà nhà mà thèm khát.

Từ cuối tháng Chạp, mẹ đã đi chợ mua ống giang rồi đem ra nhờ ông nội vót. Từ cuối tháng Chạp mẹ đã mua lá dong về, mấy anh em hì hục ngồi rửa rồi bó chặt vào cột nhà cho lá thẳng chờ đến ngày gói bánh.

Rồi rang hạt hướng dương, bóc hành, bóc tỏi để mẹ muối dưa. Hành bóc đến đâu nước mắt chảy giàn giụa đến đó.

Phiên chợ cuối năm, mẹ thường dẫn chúng tôi đi chợ, chen lấn trong người và hàng hóa, mệt nhoài nhưng vẫn háo hức si mê. Chợ xa, mấy mẹ con dậy đi bộ từ sớm, không khí những ngày giáp Tết lan tỏa khắp nơi. Từ đầu chợ đã thấy những quầy hàng rực rỡ sắc màu. Người chen người, tiếng chào hỏi, tiếng trả giá nì nèo, tiếng nói cười cứ ầm ào không khác gì lễ hội.

Tôi vẫn còn nhớ rõ đêm cuối tháng Chạp nào đó, em trai tôi từ trên nhà chạy xuống bếp vì nghe mùi nồi thịt thơm phức. Vì quá vội vàng đã dẫm ngay vào nồi thịt kho mẹ vừa nhấc từ bếp xuống khiến bàn chân nhỏ bé phồng rộp lên rồi bong hết một mảng da.

Tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt của mẹ khi nghe anh trai nhắc Tết năm nào bố thì ở xa, vài cân thịt lợn mẹ mua về anh không đậy kỹ đã để chó tha mất. Nhìn miếng thịt bị chó tha ra sau hè gặm nham nhở, mẹ và anh chỉ biết khóc vì tiếc. Cái Tết đó, nhờ anh em họ hàng mỗi người cho một ít, mẹ và anh vẫn có thịt để ăn. Anh nói cả cuộc đời anh nhớ mãi.

Tôi vẫn nhớ một ngày tháng Chạp nào đó, tôi ngồi bên cửa sổ ve vuốt tấm áo hoa, không dám giặt, không dám phơi, sợ nắng gió làm áo phai màu. Mỗi ngày cứ vậy đi ra đi vào lôi áo ra ngắm nghía hít hà mùi vải mới.

Tôi vẫn nhớ đêm cuối tháng Chạp năm nào cả nhà ngồi bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chưng. Những củ hành, những củ khoai được lùi nướng trong than tỏa mùi thơm nức. Những câu chuyện cứ thế tuôn ra. Chuyện năm cũ, chuyện năm mới, những trăn trở nuối tiếc và cả những ước mơ, dự định đang đón chờ. Cả nhà ngồi bên nhau, trong ánh lửa bập bùng, nghĩ lại thôi cũng thấy vô cùng ấm áp.

Tôi lớn lên, sống xa quê bươn chải chốn thị thành. Mỗi năm, cứ độ tháng Chạp về lòng lại nao nao xao động. Những gánh hàng Tết từ quê nườm nượp ra phố, trông dáng hình nào cũng giống dáng mẹ tần tảo ở quê. Ai cũng vội vã, ai cũng hối hả, chỉ mong có một cái Tết tươm tất đủ đầy.

Tháng Chạp năm này, nhớ những tháng Chạp năm xưa. Nhớ dáng ông ngồi vót giang tóc trắng như mây trời, nhớ dáng bà ngồi bên hiên nhà bỏm bẻm nhai trầu kể về những cái Tết thời bom rơi đạn lạc. Tết vẫn cứ mỗi năm đến một lần, ông bà thì không còn nữa. Ông bà mất vào những năm vẫn còn khốn khó, khi mà một lát bánh chưng, một khoanh giò bột nhiều hơn thịt vẫn quý như một món quà.

Anh chị em chúng tôi qua thời ngây dại, như cánh chim trời mỗi đứa một phương. Bố mẹ thì ngày một già đi, tóc trên đầu, sợi đen ít hơn sợi trắng. Mỗi năm cứ cuối tháng Chạp là mẹ lại gọi điện hỏi “Mồng mấy con về?”. Ngày nhỏ, tôi thường ngóng mẹ mỗi chiều, y hệt bây giờ mẹ tôi ngóng con mỗi năm mỗi tháng. Hết ngày con ngóng mẹ, đến ngày mẹ ngóng con. Có nỗi đợi chờ trông mong nào mà không khắc khoải.

Tháng Chạp, những gốc đào phai bắt đầu chớm nụ và nở hoa. Đâu đó, trong sân nhà ai có chậu mai vàng khoe sắc. Những đóa hoa nhỏ xinh rung rinh trong cái nắng heo may hanh vàng như nhắc mùa xuân đang về đến cửa, như hứa hẹn mong chờ một năm tươi mới hân hoan.

Tháng Chạp về, việc gì chưa làm thì làm cho xong, gói ghém hết một năm để trở về nhà. Để cùng mẹ cha, cùng anh em bên mâm cơm vui vầy, để được nghe mùi khói rơm bao nhiêu năm rồi mẹ vẫn đun như một thói quen khó bỏ. Để sáng tỉnh giấc trong tiếng gà chứ không phải tiếng xe cộ ầm ĩ. Để uống ngụm nước giếng trong vắt được múc lên từ mấy tầng đất sâu. Để thong thả nhìn trời xanh, thong thả nghe tiếng gà con chiếp chiếp đòi ăn trong chuồng. Cảnh bình yên, tâm cũng bình yên. Bình yên lắm!
Tháng Chạp, tháng để về với những yêu thương, sum vầy. Đi qua nửa đời người, đi qua bao nhiêu tháng Chạp rồi mà vẫn cứ mong chờ y như ngày xưa mong Tết về để được mẹ mua áo mới.

LÊ GIANG

;
;
.
.
.
.
.