.

Tiếng kêu chiều cuối Chạp

.

Tháng Chạp. Mặt đầm buổi sáng sớm thường kéo lập lờ một làn sương mỏng. Rất mỏng, chỉ đủ để trộn với màu rau muống mặt đầm thành chỗ trắng đậm, chỗ xanh lơ lơ. Hằng năm vào tầm này mặt đầm hết hai phần ba là cạn nước. Chỗ cạn trồng rau muống khô, chỗ còn lại trồng rau muống nước, nuôi bèo. Bèo trứng, bèo cám. Cũng thời điểm sắp Tết này, người ta cần vỗ béo vịt nên bèo rất được giá. Cả rau muống nữa. Loại này thường là thức ăn chủ lực của heo. Và thịt heo đụng Tết nên rau bán cũng rất được giá.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ấy là nơi đây vào khoảng hơn mười năm trước. Còn bây giờ, khu đầy ao chuôm này đã bị phố xá bốn chung quanh lấn dần. Lấn dần đến nay đầm diện tích trồng rau chỉ còn chừng một phần ba trước. Gần đây nghe phong thanh đầm sẽ đổ đất để quy hoạch làm khu dân cư nên việc xâm lấn càng bạo liệt. Việc xâm lấn khá tự nhiên và dễ dàng. Cứ việc đổ rác thải, xà bần xuống mãi rồi mặt nước sẽ thành đất của mình. Như là sự xâm thực đương nhiên dù mặt đầm có là của người khác.

Nhà dì Tư Nuôi ở cạnh đầm. Và là một trong những gia đình nuôi heo truyền đời. Có thể nói bất cứ sự phồn vinh nào trong gia đình dì cũng từ con heo mà ra cả. Chồng mất sớm, một tay dì gây dựng cơ đồ cũng từ con heo. Từ con cái học hành, dựng vợ gả chồng, xây nhà mua sắm gì đều từ đấy. Ấy cũng là nói hơn mười năm về trước. Cái thời hoàng kim về chăn nuôi của gia đình dì. Cái thời ấy gia đình đông đúc, vui vẻ bao nhiêu thì bây giờ quạnh vắng bấy nhiêu. Con cái đứa theo chồng, đứa làm ăn xa. Thằng út cũng đã lập gia đình. Cả hai vợ chồng nó đều là bác sĩ. Chúng ra riêng ở cách đây mấy khu phố. Ra riêng với lý do là tiện mở phòng mạch tư, nhưng dì biết, trong thâm tâm con dâu dì nó không chịu được mùi chuồng heo nhà dì. Còn thằng út chỉ nghe lời vợ. Nó trở thành bác sĩ cũng là nhờ con heo chứ nhờ gì? Bây giờ thì, một bà già trên tám mươi tuổi ra vào, vào ra cũng chỉ một mình nơi ngôi nhà rộng rãi này. Đúng hơn là dì ra vào với cái chuồng heo.

Nhiều lúc ngồi bần thần nơi cái chuồng heo, dì thấy bồi hồi nhớ. Những năm trên tầm này đừng nói heo nái, với trên chục heo thịt trong chuồng, nhà dì tới lui dập dìu lái heo. Người gang tay lưng heo, kẻ ngắm nghía trọng lượng… Và dì thì dựa cột chuồng, cười mỉm theo cái kiểu làm cao của kẻ nuôi ra được con thịt. Còn bây giờ? Vuông chuồng xưa kia đầy ắp những tiếng heo kêu, biểu thị của hạnh phúc, sung túc của nhà nông, giờ chỉ toàn lá khô lăn lộn với gió bấc tháng Chạp!

Cách đây ba năm, khi dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, dì có mon men trở lại việc nuôi heo. Nhưng rồi hàng phố cận dì phản đối ghê quá. Họ viện dẫn nào là ô nhiễm môi trường, không xử lý được nước phân nước thải… Mạnh miệng nhất là lão Năm Chứ cạnh nhà dì. Bây giờ lão nhà cao cửa rộng, chứ trước đây cũng nuôi heo nái như dì. Nhưng giờ lão bảo dì lạc hậu, tiếng heo kêu thực chất là một dạng khủng bố tinh thần, sống không vì láng giềng… Không biết lão đầu têu trong việc lấn đầm là có vì người khác không? Thế là dì Tư đành phải bán non đi mấy con heo giống tốt, tạp ăn và đẹp như tranh vẽ. Hơn thế nữa bây giờ dì cũng đã già, đã tới lúc bưng xoong cám cho heo ăn không nổi thì hỏi nuôi làm sao? Và cũng đã tới cái lúc ngay cả việc dì ở không trong ngôi nhà quạnh vắng này lũ con dì chẳng an tâm, nữa là! Tuổi già như chuối chín cây… Thằng út muốn dì bán ngôi nhà này để về ở chung cho nó tiện bề chăm sóc.

Bán nhà dì không tiếc. Tuổi này rồi, khi về với ông bà có mang theo được gì đâu mà tiếc. Nhưng nghĩ đến khi sống phải xa cái chuồng heo là dì lại bần thần. Nó gắn bó với dì biết bao! Bây giờ đất nước mở cửa, xã hội giàu có lên. Song dù có nuôi tới cả… cọp hay tê giác đi nữa thì người ta vẫn phải cần thịt heo. Và dì lại thấy nuối tiếc cái nghề mẹ dì đã truyền lại cho dì. Và nghe đâu bà ngoại dì đã truyền dạy cho mẹ…

Nói đến bán nhà dì lại thấy ghét, thấy bực lão Năm Chứ. Lão tìm hết cách để mua cho bằng được ngôi nhà này. Lão gièm xiểm, kể cả xúi giục lũ con dì bán nhà cho lão. Nghe đồn lão mua rồi đập cùng với diện tích đất nhà lão để xây cái nhà hàng nuôi thứ heo “móng xanh móng đỏ” gì đấy. Vì liên cư liên địa nên lão mua có nhiều cái lợi. Và cũng liên cư liên địa, dích dắc nên nếu ai mua thì có thể sẽ không yên với lão. Năm Chứ là người láng giềng vô cùng tham lam, buôn thánh gạt thần. Nhớ những năm đầu vợ chồng lão mới về đây. Một lần tay lái heo quen dì sang thắc mắc: “Bác Năm bên cạnh kêu cháu bán con heo thịt gần tạ mà có… trăm ngàn đồng hà!”. “Trời đất!”- dì Tư kêu lên “đến heo con cũng đã mấy trăm nghìn đồng rồi, bán gì lạ đời vậy?”. “Nhưng ổng buộc phải mua luôn… con gà, mới bán!”. “Con gà giá bao nhiêu?”. “Dạ con gà thì những… bốn triệu đồng! Ông có âm mưu gì không mà bán kiểu lạ vậy dì?”. “Mà rồi cộng hai thứ lại có vừa giá con mua hông?”, dì Tư hỏi. “Dạ mua được, nhưng sao… cháu thắc mắc quá!”. “Cộng lại vừa thì mua, còn giá đổi qua đổi lại gì thây kệ ổng. Dì làm chứng cho”. Ngày hôm sau thì dì hiểu ra. Hóa giá cả tréo ngoe thế là vì trong cơn bệnh ngặt nghèo của vợ lão, lão đã lỡ van vái nếu bà qua khỏi sẽ cúng tạ con heo đó. Giờ đến lúc đền tạ lão lại thấy tiếc, nên bán vậy để chỉ phải cúng có… trăm ngàn đồng! Số tiền vừa đủ lão mua cái mõm, cái đuôi và bốn cái móng heo.

Người vậy mà giờ phải bán nhà cho thì dì không an tâm chút nào. Nhất là trong ấy lại có cả cái chuồng heo. Kỷ niệm của dì. Đêm kia dì nằm mơ thấy mình bán nhà cho Năm Chứ. Vừa chồng tiền xong, lão lôi ra cái búa tạ, vừa quai đập vừa chửi cái chuồng. Những miếng gạch đỏ như tiết lợn văng bắn khắp nơi như hoa đào gặp bão. Cái chuồng heo của dì xây vừa rộng vừa rất kiên cố, bởi ngày nào hầu như dì ở ngoài chuồng heo nhiều hơn là trong nhà. Cứ mỗi cái quai đập, Năm Chứ mỗi lớn tiếng phỉ báng, chửi bới cả việc chăn nuôi truyền đời của nhà dì…

Hôm qua dì đã nói với mấy đứa con. Khu nhà có hai phần, nên để phần chăn nuôi riêng biệt lại. Còn phần trước bán cho lão Chứ. Nếu mai đây phía sau mở đại lộ như lời đồn quy hoạch, mình cũng sẽ có mặt tiền. Rồi sẽ bán sau. “Để những năm sau cùng đời mẹ, thỉnh thoảng còn được lui tới thăm lại cái chuồng, thửa rau”, dì nói. Mà bên ngoài thửa rau dường như sẽ có đại lộ thật. Thấy thi thoảng mấy ông Nhà nước đến đo đo, đạc đạc. Lạy trời đừng có là quy hoạch treo! Mấy đứa con dì nghe cũng có vẻ xiêu xiêu. Chúng biết cái chuồng heo có ý nghĩa thế nào trong lòng dì. Hơn thế việc chính là chúng muốn dì về ở cùng, để chúng tiện chăm sóc mà thôi.

Khi các con dì đồng ý, việc bán nhà cho Năm Chứ tuy không đúng ý đồ của lão, nhưng cũng kết thúc chóng vánh. Bởi lão chỉ chờ có thế. Âm mưu của lão là thôn tính lần lần nếu được, những nhà đất liên cư với lão…

Chiều nay dì Tư lại ra thăm cái chuồng heo và vạt rau. Trong đôi mắt bắt đầu kèm nhèm của dì, những hoa rau muống tím cách thắc thỏm, lung linh dưới nắng vàng tháng Chạp. Bên kia chuồng về phía chái bếp cũ nhà dì, Năm Chứ đang quai búa đập cái gì đó. Tiếng búa bay về phía dì nghe chan chát. Đập gì đập, nhưng cái chuồng heo truyền thống nhà dì thì vẫn ở ngoài sở hữu của lão, chí ít cũng đến hết đời dì.

Chen lẫn vào sự đập phá của Năm Chứ, mơ hồ theo gió bấc, nghe như có tiếng heo kêu trong chiều cuối Chạp vọng về.

LÊ NGUYÊN NGỮ
 

;
;
.
.
.
.
.