.

Chị Lanh

.

Chị tên Lanh. Đã hơn ba mươi lăm năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ tên chị - cho dù chúng tôi chỉ bên nhau trong bệnh viện khoảng nửa tháng.  Điều này không phải vì tôi có một trí nhớ siêu phàm mà bởi mọi người trong bệnh viện thường hay trêu đùa bằng cách ghép tên hai chúng tôi: “Ô kìa! Long - Lanh, Long - Lanh...”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đó là năm tôi lên bảy tuổi. Đang học hành bình thường, tự nhiên da dẻ của tôi cứ vàng ệch ra tựa như có ai đó giã nghệ rồi thoa lên khắp. Người ngợm thì mệt mỏi, bải hoải, tay chân nhấc lên không nổi. Bố mẹ tôi vô cùng lo lắng và phải đưa tôi vào Bệnh viện Hà Lan - bệnh viện lớn nhất ở vùng Đông Hà, Quảng Trị lúc bấy giờ để chữa trị.

Phòng bệnh tuy đã chật người nhưng vẫn còn một giường trống bên cạnh giường chị. Hôm tôi nhập viện, chị đang nằm truyền thuốc, mẹ chị thì ngồi bên cạnh, lau mồ hôi trán cho chị. Thấy tôi vào, mọi người trong phòng đều ngoái nhìn tỏ ý hỏi han. Chị cũng cố ngước đầu dậy tò mò soi xét. Tuy nhiên, tụi tôi không hề mở miệng mà chỉ những người lớn làm quen với nhau. Mẹ chị hất hàm về phía tôi hỏi mẹ tôi:

- Hắn đau chi?
- Dạ, đau gan. Mẹ tôi đáp khẽ khàng, đúng với giọng của người mới đến.
- Lại đau gan à! Mẹ chị thốt lên
- Dạ. Mà răng hả chị? Mẹ tôi tò mò.
- Thì cái giường nớ, hôm qua cũng có một thằng nhỏ đau gan...
- Về rồi hả chị?!

- Không...! Mẹ chị đáp ngập ngừng, rời rạc như tiếng những viên sỏi khô ném xuống đáy suối cạn trơ.
Mẹ tôi chợt rùng mình như bị điện giật, mặt trắng bệch đi. Bà nhìn xuống chiếc giường, nhìn tôi, rồi cuống quýt nhìn ra cửa như thể muốn ôm tôi bỏ chạy ra khỏi phòng. Rồi không hiểu sao, mẹ tôi lại thở hắt đầy cam chịu và nặng nề đặt chiếc làn đựng áo quần, phích nước xuống. Mắt cúi gằm xuống đất, bà đỡ tôi ngồi xuống mép giường. Mẹ chị chuyển sang hỏi chuyện khác:

- Thằng nhỏ tên chi?
- Cháu tên Long. Học lớp một. Còn bé nhà chị tên chi?
- Hắn tên Lanh, mười tuổi.

Mọi người trong phòng, nãy giờ cùng lắng nghe chuyện cùng nhau ồ lên:

- Ôi, tên của hai đứa này ghép lại thì thiệt khéo, Long - Lanh, Long - Lanh...!
Lúc đó, tuy mệt, nhưng tôi cũng thấy hay thật. Không khí trong phòng cũng vì thế mà vui hẳn lên. Không những thế, có người còn vui miệng đùa:

- Ừ, mà tụi hắn trông cũng đẹp đôi đấy! Hay là cho về ở với nhau rồi sau này làm vợ chồng luôn thể!

Mẹ tôi lúng túng chống chế như sợ người ta bắt mất con:

- Ấy không... chị Lanh lớn hơn em ba tuổi cơ...!

Mọi người càng mạnh mẽ “se duyên”:

- Trời ơi, hai, ba tuổi ăn thua chi, miễn thương chắc thiệt lòng là được. Với lại tụi hắn ngó cũng thiệt đẹp đôi, sáng sủa...

Thú thật, lúc đó tôi thấy thích thú vô cùng. Một cảm giác dịu dàng mơn man lan tỏa khắp cơ thể. Tôi len lén nhìn sang chị. Không biết vì đau hay sao mà chị Lanh nhắm nghiền mắt lại; còn má thì ửng đỏ lên như hai quả bồ quân.

Mà mọi người nói đúng thiệt, chị Lanh trông rất dễ thương. Đôi mắt chị to và đen thăm thẳm với hàng mi dài cong vút. Còn nước da của chị thì trắng ơi là trắng. Giọng nói của chị thì đặc sệt chất Quảng Trị với những “chi mô răng rứa”. Chị luôn khen giọng nói của tôi là hay, chứ giọng chị thì “nỏ hay chi cả!” (Gia đình tôi tập kết ra miền Bắc, sau giải phóng miền Nam mới về quê nên giọng tôi lúc đó vẫn lai lai, nghe ngồ ngộ). Tuy có nhiều từ địa phương tôi không hiểu, nhưng tôi rất thích nghe chị nói. Những câu chuyện về quê hương của mình là một miền lung linh và dịu dàng như cổ tích khiến tôi luôn bị mê hoặc.

Chị kể, quê chị ở vùng núi nào đó phía nảo nào nao nào đó. Ở đấy có những ngọn núi cao ngất, đầy mây trắng giăng giăng. Quê chị có con suối róc rách chảy suốt ngày đêm. Suối ở quê chị nước trong veo, có thể nhìn thấy những viên cuội trắng, cuội xanh dưới đáy. Quê chị có những mùa trăng huyền ảo, mặt trăng không bao giờ bị bóng mây che khuất nên đám con nít tha hồ vui chơi trên đồng cỏ. Quê chị có con chim suốt ngày đậu chót vót trên những ngọn cổ thụ rồi khắc khoải kêu la “bắt cô trói cột, bắt cô trói cột”. Quê chị có một ngôi trường mà muốn đến đó thì phải mất cả tiếng để leo núi. Trường chỉ có một lớp với một cô giáo dạy tất tần tật từ lớp một như tôi cho đến những người còn “nậy (lớn) hơn ả (chị) nhiều”.

Rồi chị còn hào hứng kể về những buổi chiều nghỉ học, chị thường cùng đám bạn dắt trâu lên vùng cỏ xanh, buộc chúng vào một gốc cây và tung tăng đi hái sim, hái muồng. Mà sim ở quê chị thì quả to ơi là to, ngọt ơi là ngọt... nghe chị kể, nước miếng tôi cứ ứa cả ra, khiến tôi phải vừa nghe vừa nuốt nước miếng liên tục. Chị nhìn tôi đầy cảm thông rồi bảo: “Sau ni miềng (mình) khỏi bệnh, ả sẽ xin ba mạ cho Long lên quê. Rồi ả hái sim cho mà ăn. Ăn đến khi mô ớn (chán) thì thôi!”. Tôi tính láu cá và hay nôn nóng nên nghĩ cách để ăn sim sớm hơn. Tôi bèn bảo chị hãy nhắn về nhà để khi nào có người thân đến thăm thì nhờ họ hái sim mang vào cho tôi. Chị ngần ngừ một chút rồi cũng gật đầu.

Tôi biết chắc là chị sẽ gật đầu, vì tôi thấy chị chưa hề từ chối bất cứ yêu cầu nào của tôi. Mỗi lần làm được điều gì cho tôi vui là chị cũng vui lắm. Má chị hồng lên, mắt chị lấp lánh...

Vì ba mẹ tôi là giáo viên nên mẹ không thể dành cả ngày ở bên tôi như mẹ chị. Mẹ đành gửi tôi cho các y, bác sĩ và những người lớn tuổi trong phòng bệnh cả ngày, chỉ đến tối, mẹ mới vào ngủ với tôi. Lúc đó, tôi cảm thấy thật tủi thân bởi ai cũng có người chăm sóc, chỉ riêng tôi là thui thủi một mình. Chị biết vậy nên càng thương và chiều tôi hơn. Những việc hằng ngày, từ lấy cháo, nhận thuốc hay giặt khăn lau mặt... chị đều làm giúp tôi. Những chiều, thấy tôi cứ đứng trước cửa ngóng mẹ, chị liền đẩy chiếc xe bằng i-nốc mà bệnh viện thường dùng để chở thức ăn từ nhà cấp dưỡng lên phân phát cho các phòng bệnh; chị bảo tôi ngồi vào rồi đẩy đi chơi loanh quanh khắp các hành lang bệnh viện.

Chị Lanh đúng là “nhà quê”, thấy cái gì chị cũng mở to mắt nhìn đầy vẻ lạ lẫm và thích thú. Đặc biệt, chị rất thích ngắm ô-tô. Nhiều lần, đang chơi với tôi, nhìn thấy những chiếc xe đò chạy bằng than xịt khói đen ngòm chạy ngang trên đường lộ trước mặt bệnh viện, chị đứng ngay lại, mặt mũi ngây ra nhìn say đắm. Vậy là tôi bèn nghĩ ra một trò chơi vừa đáp ứng được sở thích của chị mà ít buồn chán, đó là đếm xe Nam - Bắc. Mỗi người chọn một hướng xe chạy vào Nam hoặc ra Bắc, sau đó ngồi đếm xem xe chạy về hướng nào nhiều hơn. Tôi hiếu thắng nên chẳng bao giờ chịu thua. Những khi số xe chạy theo hướng của chị nhiều hơn, tôi bèn cương quyết bắt chơi tiếp đến chừng thắng thì thôi.

Buổi tối, trước khi bị các bà mẹ bắt nhắm mắt ngủ, tôi và chị thường hay quay sang nhìn nhau cười thật tươi. Cả hai cùng hô to “hai, ba!” rồi mới nhắm mắt lại ngủ. Chị bảo, làm thế thì trong giấc mơ, hai chị em sẽ lại có nhau để tiếp tục những trò chơi dang dở.

Những lúc bình thường thì chị thật tuyệt vời như vậy nhưng khi chị đau thì trông tội lắm. Hai mắt chị nhắm nghiền, người co giật liên tục, mồ hôi toát ra thành dòng trên khuôn mặt.

Sáng hôm ấy, chị Lanh có vẻ mệt, chị cứ nằm một chỗ thở dốc, mặt tái bệch đi, hai bàn tay nắm chặt lại. Tôi đứng cạnh chị lay mãi, bảo chị ra sân chơi mà không được. Bực bội, tôi bèn vùng vằng bỏ ra sân chơi trò đếm xe Nam - Bắc một mình. Buổi trưa, ba chị và thêm mấy người thân nữa cùng vào bệnh viện. Nghĩ đến những quả sim chín mọng, tôi bèn bỏ hết các trò chơi, sán đến để xem họ có hái đem vào cho mình không. Đợi mãi mà không thấy ai đã động gì đến việc đó cả. Tôi bồn chồn và bực bội ra mặt, nhưng thấy mặt mày ai nấy đều đầy căng thẳng, chẳng cười nói gì nên chẳng biết làm sao. Tôi nghĩ, vậy là chị đã quên, không nhắn mọi người hái sim cho tôi. Lòng ngùn ngụt tức tối, đứng hẳn lên giường của mình nhìn chị đầy hằn học, trách móc. Hình như chị biết tôi đang nghĩ gì. Vẻ mặt chị nhìn tôi đầy có lỗi.

Tối hôm đấy, khi đi ngủ, tôi cương quyết không nhìn sang phía chị để hô “hai, ba” nữa. Trước khi ngủ, tôi liếc sang chị và thấy chị vẫn đang cố quay sang phía tôi, ánh mắt tha thiết chờ đợi. “Đừng hòng nhé! Ai bảo! Đáng đời!”. Tôi tự nhủ thầm, lòng hả hê sung sướng rồi trùm chăn lên đầu và thiếp đi lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, mở mắt ra, nhìn sang giường chị, tôi vô cùng ngỡ ngàng khi thấy trống không. Thậm chí ai đó còn cuốn chiếc chiếu lại chỉ để trơ vạc giường ra. Tôi vội vàng vùng hẳn dậy hỏi mẹ dồn dập:

- Mẹ ơi, chị Lanh đâu rồi hả mẹ? Mọi người đâu hả mẹ?
- Chị ấy về rồi!
- Sao lại về hả mẹ!
- Thì... chị ấy... lành bệnh nên bố mẹ đưa về!

Mẹ tôi trả lời, giọng rời rạc và khô khốc như thể những hòn sỏi rơi lộc cộc xuống lòng suối cạn.
Một cảm giác hỗn độn ùa đến đầy ngập lòng tôi. Sự bực bội vì chị đi mà không chào hỏi gì tôi. Rồi cả tủi thân vì vậy là chị đã quên béng tôi đi. Rồi cả trống vắng chơi vơi khi nghĩ đến những ngày tiếp theo trong viện mà không có chị. Và không biết sao, ánh mắt của chị tối hôm qua nhìn tôi đầy tha thiết lại hiện lên - chập chờn mà rõ ràng đến mồn một...

Trưa hôm ấy, có một thằng bé khác - cũng đau gan được mẹ đưa đến điền vào chiếc giường của chị. Nhưng thằng này chẳng để lại trong tôi một cảm xúc gì để nhớ. Cũng may là ngày hôm sau, không hiểu vì lý do gì mà mẹ tôi xin cho tôi xuất viện sớm về điều trị tại nhà.

Đôi khi, trong ký ức mù sương của tôi lại hiện lên những câu chuyện cũ. Tôi lại gặp đôi mắt đen nháy, thăm thẳm của chị đang nhìn tôi cười thật tươi, thật tha thiết.
Mà không biết quê chị ở vùng nào nhỉ?!

Đoàn Triệu Long
 

;
;
.
.
.
.
.