Tôi nhớ như in ngày mẹ bế tôi lên chuyến xe tốc hành rời quê về phía phố. Cả quầng mây u ám xô kệch kèm theo từng đợt gió thông thốc kéo về. Mưa đến nhanh tới độ, chẳng thể nào nhận ra được những con đường thẳng tắp, chạy song song với bờ sông lấp loáng những đốm tím lặng lờ của những bông súng ngoi mình lên khỏi dòng nước đục ngầu gánh nặng phù sa.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Từng giọt mưa rơi rơi, chảy tràn qua ô cửa kính, như cố tình xóa nhòa hình bóng quê hương trong hồi ức tuổi thơ non nớt của tôi thuở nào. Đâu ngờ rằng, cơn mưa chiều hôm ấy lại chính là “manh mối” duy nhất giúp tôi tìm lại một thuở thiếu thời dở dang, tồn tại đâu đó giữa khoảng lặng ồn ào phố thị, ngột ngạt giữa dòng xe, rối bời giữa dòng đời tất tả.
Mưa quê nhà, ba chữ giản dị mà thân thương đến lạ. Bởi ở đó, có dáng người dân quê tôi những chiều hoang hoải chạy thóc những ngày trời bất chợt đổ cơn mưa. Những mẻ thóc vàng ngủ ngoan dưới sân như những hạt ngọc sau một mùa đổ mồ hôi vất vả cày cấy. Để khi tận tay bưng bát cơm thơm mùi gạo mới, mới thấy lòng rưng rưng trân quý những giọt mồ hôi tan vào trong những vốc mưa nhạt nhòa.
Nhớ dáng bà tôi ngồi trước hiên trầm ngâm mỗi khi trời nổi cơn giông dùng dằng sấm chớp, miệng trệu trạo nhai miếng trầu không têm cánh phượng, dù đôi tay già nua gượng gạo chẳng còn vuông vắn như thuở ngày còn son.
Thói quen ấy vẫn chẳng thể nào tan biến cho dù vòng xoáy thời gian có đổi thay xoay vần. Trên tay bà, những tấm ảnh đã cũ nhàu, đã lem luốc màu của thời gian như cách bà vẫn nhìn nhận cuộc đời bể dâu qua đôi mắt đã tèm nhèm lúc mờ lúc tỏ. Lời hứa về những lần đoàn viên, của những người trót gắn phận mình cả đời lênh đênh theo sóng nước, tưởng sẽ bình yên, nguôi ngoai mà không phải vậy. Lòng người cũng giống như một dòng sông phẳng lặng, lúc ồn ào, lúc dịu êm sau bao bấp bênh sóng gió. Có trải qua những đau đớn mới tìm thấy những an yên, dịu dàng.
Thế nhưng, suốt mấy chục năm qua, sự mất mát của người ra đi hóa ra còn nhẹ nhõm hơn khắc giây của người ở lại. Dù chẳng nói thành lời, dù chẳng lưng tròng nước mắt hoặc như những vết thương rớm mủ, nhưng mỗi khi thấy mưa ngoài trời rấm rứt là trong lòng lại tê buốt, lao đao.
Mưa quê nhà, gắn với kỷ niệm của những đứa trẻ con cứng đầu cứng cổ, mặc người lớn khản giọng cũng chẳng ngăn được cả đám vùi mình dưới những cơn mưa nhuộm đầy những lo âu, canh cánh. Đầu tóc lấm lem, quần áo ướt nhẹp, nhưng nụ cười thì cứ hồn nhiên như thể mưa sinh ra là dành cho chúng. Hòa vào mưa là cách để chúng “đánh dấu” tên mình vào bản đồ thơ ấu. Hòa vào mưa để mọi muộn phiền, rồi cũng sẽ như những giọt nước không nguồn, ngấm dần vào đất rồi lặng lẽ hóa hư vô.
Cuộc đời, ai mà chẳng phải trải qua hàng trăm những cơn mưa lớn nhỏ, dài ngắn. Mỗi cơn mưa ngang qua không chỉ đơn thuần là mô phỏng của một hiện tượng thời tiết, mà đằng sau nó lại có những câu chuyện rất riêng, giúp người ta lưu lại dấu ấn những mốc thời gian cuộc sống vốn trôi qua không ngừng.
Tôi ví những cơn mưa, mà đặc biệt là cơn mưa quê nhà vốn như những mảnh ghép trong trò chơi xếp hình của ký ức, để ai muốn chiêm ngưỡng trọn vẹn cả bức tranh ấy, sẽ trân quý những phút giây mình ngập ngừng đi tìm những mảnh ghép, xếp trọn vào nhau, dù buồn, dù vui hay thế nào đi chăng nữa…
Song Ninh