.

Cát bụi

.

Mừng gọi điện cho tôi hớt hải thông báo:

- Ông ấy đi viện cấp cứu rồi. Bị tai biến mạch máu não. Cậu bảo tớ phải làm thế nào đây ? Tớ đã thề là cả đời này tớ sẽ không nhìn mặt ông ấy dù chỉ một lần - Đầu máy bên kia im lặng. Tôi cũng lặng người đi. “Ông ấy” mà Mừng nhắc đến chính là cha đẻ của Mừng. Hơn ba mươi năm nay cha con chưa hề nhận nhau dù biết rõ về nhau hoặc có thể vẫn dõi theo nhau. Tôi thân với Mừng từ nhỏ, nhà chung ngõ nên hiểu tính nết Mừng đến từng chân tơ kẽ tóc, biết rõ hoàn cảnh của mẹ con Mừng nhưng tôi không sống trong cảnh ngộ của nó, không thể hiểu hết cái cảm giác của một đứa con bị chính cha mình bỏ rơi từ lúc vừa lọt lòng mẹ thì sẽ như thế nào.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Cậu bảo tớ phải làm gì bây giờ? Ruột gan tớ đang rối tung cả lên đây này. Tớ vẫn hận ông ấy lắm, hận đến tận xương tủy. Cứ nghĩ lại quãng đời mẹ tớ thui thủi một thân một mình, chịu bao điều ong tiếng ve, một tay mò cua bắt ốc nuôi tớ nên người, lúc mẹ tớ đau ốm, lúc nhắm mắt xuôi tay mà ông ấy không hề can dự, không hề sẻ chia, thậm chí không đến thắp nổi cho mẹ tớ một nén nhang lúc mẹ tớ mất thì tớ đau lòng lắm. Bây giờ tớ chỉ muốn quên hết, quên tất cả những ký ức đau buồn đó. Tớ không có người cha nào cả. Người bên nhà ông ấy báo tin này cho tớ làm gì cơ chứ. Ông ấy có thiếu con đâu, những ba đứa danh chính ngôn thuận cơ mà - Cơn xúc động ào đến khiến Mừng khóc nức lên trong điện thoại.

Tôi vội trấn tĩnh:

- Thôi nào! Cậu hãy bình tĩnh lại. Nghe tớ nói đây. Tớ không ở trong hoàn cảnh của cậu nhưng nếu là tớ, tớ sẽ vào viện ngay lập tức để chăm sóc bố.

- Không! Không đời nào! - Mừng quả quyết, giọng rắn đanh. Bố thế nào chứ bố kiểu ấy không phải là bố. Tớ không có bố. Bao nhiêu năm nay tớ như đứa trẻ mồ côi cha. Tớ chẳng cần có một người bố như thế. Tự dưng bây giờ vào viện chăm sóc ông ấy thì nhà người ta lại tưởng tớ đòi chia gia tài. Tớ không cần!
- Vậy thì cậu xin tớ lời khuyên để làm gì? Chuyện quá khứ hãy bỏ qua đi được không ! Ai mà chẳng có lúc mắc sai lầm. Được sinh ra trong cuộc đời này đã là hạnh phúc rồi.

-  Cậu nói cứ hay như đài ấy. Nói thì dễ, làm thì không dễ thế đâu. Để tớ suy nghĩ đã - Mừng lưỡng lự.

- Còn gì mà phải suy với chả nghĩ. Cậu làm thế nào thì làm! Đừng để sau này phải ân hận cả đời.
Mừng ngắt máy rồi mà tôi vẫn bần thần cả người. Tôi nhớ những ngày tôi và Mừng còn bé xíu, đi đến đâu cũng bị đám con trai chọc ghẹo. Chúng gọi Mừng là “Con bà khoèo”, “Con hoang”, “Đồ không cha”… Hễ tôi chống nạnh bênh Mừng là chúng nó ầm lên: “Ê! Đồ dở hơi! Có điên mới chơi với con bà khoèo”. Mừng khóc tức tưởi, kéo tôi ù té chạy về mách mẹ. Cô Vui, mẹ Mừng bị khoèo cánh tay phải bẩm sinh nên mọi việc cô đều làm bằng tay trái. Những lúc ấy, cô lấy cánh tay trái ôm quàng Mừng vào lòng. Mắt cô rơm rớm ướt.

Căn nhà ngói bé xíu của mẹ con cô được anh em họ hàng gom góp làm cho cũng đủ che nắng che mưa, có chỗ chui ra chui vào. Sau nhiều lần bị trêu chọc, bị xúc phạm, Mừng trở nên dữ dằn, sẵn sàng nhặt gạch tương lại đám con trai hoặc xông vào đạp thẳng bụng thằng to mồm nhất. Mừng xù lông nhím để tự vệ khiến cả lũ kia dè chừng hơn, không dám chọc ghẹo nữa.

Cô Vui có gương mặt đẹp, da trắng hồng nhưng bị tật ở tay, tính nết lại lành quá, người làng cứ bảo cô bị “đần” nên cũng khó tìm được một tấm chồng. “Có đần thì mới không bắt đền cái thằng đàn ông muốn cơi nới kia chứ. Nó là nó muốn kiếm thằng cúng cơm đây mà, đẻ ra vịt giời nên nó chuồn đây”. “ Phải tôi, tôi bắt lão ta chu cấp nuôi con đến khi con trưởng thành ấy chứ. Không thì tôi cũng đến tận nhà lão, làm tanh bành ra”. Mấy người trong xóm xúi cô như thế. Riêng mẹ tôi, kề vách nhà cô thì thường động viên, an ủi câu ra câu vào mà tôi nghe lỏm được: “Có mụn con là mừng rồi, đừng làm tan cửa nát nhà người ta mà phải tội em ạ! Giời có mắt đấy! Người ta không chu cấp, không đi lại, không nhận con càng dễ cho mình xử sự”. Nghe mẹ tôi khuyên, cô gật gật, lấy tay trái gạt nước mắt. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại nhắc chị em tôi: “Cái Mừng thiệt thòi vì không có bố nên các con phải quan tâm, yêu thương nó nghe chưa”.

Tôi bằng tuổi Mừng, học cùng lớp suốt từ mẫu giáo cho đến khi đi học đại học, đến lúc đi làm thì mỗi đứa một cơ quan. Chồng con rồi những vẫn thân nhau, vẫn ríu ra ríu rít trên điện thoại, Zalo, Facebook. Có chuyện gì cũng kể cho nhau nghe, có gì ngon cũng để phần nhau. Nhiều khi Mừng buột miệng: “Cậu là chỗ dựa tinh thần lớn nhất sau mẹ tớ. Có một người bạn luôn thấu hiểu và bênh vực mình như cậu thật là may mắn”. Tôi bật cười: “Cậu đừng giở giọng bà cụ non ra đây nhé”.

Người đàn ông ấy ở ngay làng bên vì cái mặt Mừng và mặt ông ta giống nhau như đúc, người làng dễ dàng nhận ra. Vậy mà tuyệt nhiên ông ấy không thăm nom, qua lại với mẹ con Mừng bao giờ. Chuyện ông ta đi lại với cô Vui bị vỡ lở nên bà vợ ông ta cấm cản, dọa “cắt gân”, đuổi ra đường nếu ông ta còn bén mảng đến gần mẹ con Mừng. Cô Vui bị mấy mẹ con bà ấy nguyền rủa là “Đồ yêu tinh”, “Đồ đàn bà cướp chồng của người khác”.

Có lần đứa con gái út của bà ấy chặn Mừng giữa đường, lao vào định xé quần áo của Mừng để tẩn cho một trận “Về bảo con mẹ mày đừng có xán vào bố tao nghe chưa? Lần này tao phải cảnh cáo mày mới được”. Mừng cũng không vừa, cứ túm tóc con bé ấy mà lôi vào vệ đường, giúi đầu xuống bãi cỏ. Hai đứa như hai con trâu ngứa sừng, mặt đỏ phừng phừng. Tôi can không được, cuống cuồng chạy đi tìm người lớn đến giằng hai đứa ra. Về nhà, Mừng lao sầm vào giường khóc rưng rức. Cô Vui dỗ mãi cũng không dậy ăn cơm. Chờ nó nguôi ngoai, tôi mới mang cho mấy củ khoai lang luộc. Nó ngồi chén tì tì, nghẹn trợn mắt. Nước mắt rơi hai bên má nó ướt nhoẹt.

 Bao nhiêu cái sinh nhật trôi qua, bao nhiêu mùa khai giảng năm học mới, bao nhiêu sự kiện trọng đại và cả biến cố đau buồn mà Mừng đã trải qua, ông ta không hề can dự. Những ngày con thơ con mọn, chăm sóc mẹ ốm liệt giường, Mừng như mắc bệnh trầm cảm nên tự dưng mất sữa, phải nuôi đứa con thứ hai hoàn toàn bằng sữa ngoài. Ông ấy không hỏi một câu, không mua nổi một đồng quà tấm bánh. Tiền thuốc thang, viện phí Mừng phải chạy vạy khắp nơi, vay mượn cả bên nhà chồng để lo cho mẹ. Mỗi lần tôi vào viện thăm cô Vui, Mừng lại kéo tôi ra ngoài hành lang, nén tiếng khóc vào lòng. Mừng sợ khóc trước mặt mẹ, sợ cô Vui biết được bệnh hiểm nghèo thì tinh thần sẽ suy sụp. Mừng gồng mình để chịu đựng nỗi đau đang vò xé tâm can, nhìn mẹ nằm thoi thóp, sự sống tính bằng ngày bằng giờ mà bất lực không có cách nào cứu được:

- Mẹ tớ khổ cả đời, chả được sung sướng ngày nào. Giá mà bây giờ ông ấy vào thăm mẹ tớ lấy một lần chắc mẹ tớ cũng mãn nguyện, yên lòng nhắm mắt.

Tôi nắm chặt bàn tay Mừng :

- Thôi! Cậu phải mạnh mẽ lên. Chả ai cưỡng lại được mệnh trời. Cứ coi như bao năm nay chỉ có hai mẹ con thôi, đừng băn khoăn về ông ấy nữa.

Mừng giằng phắt tay ra khỏi tay tôi, nổi cáu :

- Giá ông ấy chết rồi đã đành! Tớ còn đỡ khổ tâm. Đằng này vẫn sống sờ sờ ra đấy mà không thèm đoái hoài. Thật là vô trách nhiệm!

Ngày cô Vui mất, ông ấy không phúng viếng. Vợ con, họ hàng nhà ông ấy cũng thờ ơ như không liên quan. Nỗi hận chồng lên trong lòng Mừng. Lo xong hậu sự cho mẹ, Mừng bảo tôi: “Tớ thề với trời đất. Tớ thề với vong linh mẹ tớ. Tớ không có người cha nào cả. Suốt đời này tớ sẽ không bao giờ nhìn mặt ông ấy”.

Mừng lao đến nhà tìm tôi, mặt tái mét, giọng run rẩy:

- Ông ấy… chết rồi ! Vừa đưa ở bệnh viện về nhà! – Mừng buông người xuống ghế sa lông, thở dốc – Họ hàng nhà ông ấy gọi tớ đến chịu tang. Không! Không đời nào.

Tôi đưa cho Mừng cốc nước lọc. Mừng uống ừng ực cạn sạch. Tay quệt mồ hôi bết vào tóc. Tớ đã thề rồi. Mẹ tớ nhắm mắt cũng không yên. Tớ không thể trái lời mẹ tớ được.

Tôi lắc đầu, nhìn thẳng vào mắt Mừng:

- Cậu đừng dối lòng! Dù cậu không nhận cha thì cậu vẫn phải thừa nhận rằng một nửa dòng máu đang chảy trong người cậu là của ông ấy. Không có ông ấy sẽ không có cậu. Chuyện của mẹ qua rồi, đừng hận mãi trong lòng như thế.

- Vậy cậu bảo tớ phải làm sao? – Mừng cắt ngang lời tôi - Tớ sẽ đến dập đầu xin chịu tang à? Hay là tớ dẫn một đoàn bên họ hàng nhà mẹ tớ sang viếng ông ấy nhỉ? Ừ! Phải đấy! Cứ chơi nước thượng cho mẹ con bà ấy bẽ mặt, cho họ hàng nhà ông ấy không được coi thường tớ là đồ con rơi con vãi. Tớ phải xử sự đàng hoàng. Nhưng bây giờ cậu đi với vợ chồng tớ sang nhà ông ấy nhé. Xem họ bàn tính thế nào - Giọng Mừng rành rọt như đã qua cơn xúc động ban nãy.

Đúng giờ phát tang, trước khi kèn trống nổi lên, vợ chồng Mừng được mời ngồi vào bàn để nghe họ hàng thuyết phục. Ông trưởng họ rụng hết hàm răng vẫn phều phào chém gió:

- Máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đấy. Cha con lúc sống không được nhận nhau, thôi thì cháu hãy bỏ qua mọi chuyện cho êm cửa êm nhà.

Bà vợ của cha Mừng cũng nài nỉ:

- Thêm con thêm phúc ! Chẳng ai nỡ cắt đứt tình cha con nhưng… giờ thì… - Bà ấy khóc nức lên, không nói tiếp được nữa.

Người chị cả buồn rầu, đỡ lời mẹ:

- Em đừng giận cha, đừng trách mẹ chị nữa. Ai ở trong hoàn cảnh ấy cũng phải bảo vệ gia đình mình. Giờ cha chẳng còn cho em giận nữa đâu.

Tôi ngồi bàn bên cạnh, thấy Mừng mấp máy khóe miệng. Tôi biết nó đang ra sức gồng mình lên để chống chọi với cơn xúc động đang dâng lên trong lòng. Hai mắt nó đã đỏ hoe như mắt cá chày nhưng nó vẫn không chịu khóc. Nó đang kiềm chế, đang nuốt những giọt nước mắt đau đớn, tủi hờn, oán hận vào trong lòng. Bao nhiêu năm nay, nó đã sống mạnh mẽ như thế để vượt lên những chông gai, những bất trắc của cuộc đời cứ bất ngờ ập đến. Hai năm trước, mẹ Mừng ra đi vì bạo bệnh, giờ đến nỗi đau mất cha.

Ông trưởng họ trao tận tay cho Mừng bộ áo tang vải xô màu trắng, giọng thủ thỉ, vỗ về:
- Nghe ông ! Mặc vào đi con! Nghĩa tử là nghĩa tận.

Mừng ngồi lặng như pho tượng. Bất ngờ, nó chìa hai tay ra đón lấy bộ đồ tang, tự nguyện mặc vào người. Tình phụ tử bị kìm nén suốt bao nhiêu năm qua bỗng trào lên. Mừng khóc tức tưởi, chạy lại phía quan tài cha, quỳ xuống :

- Ối cha ơi! Ngày con được nhận cha lại là ngày con mãi mãi mất cha! Cha ơi! – Mừng khóc vật vã, người rũ ra như tàu lá héo. Tôi và chồng nó cuống cuồng, mỗi người phải xốc một bên nách, vực nó ra ngoài sân, day day hai bên thái dương cho nó tỉnh lại. Tiếng kèn nỉ non bên tai nghe rát hết cả gan ruột.
Đám tang cha Mừng đi trong cái nắng gay gắt đầu mùa hạ. Mới sáng sớm mà hơi nóng đã hầm hập bên mình. Mừng đi phía sau xe chở linh cữu, hai bàn tay đan vào nhau, thi thoảng lại vịn vào cánh tay tôi, mặc những tiếng xì xèo, chỉ trỏ xung quanh. Thả nắm đất xuống mộ cha, Mừng ngây người đứng lặng. Có lẽ Mừng đang nghĩ về mẹ, về cha, về một thế giới xa xôi. Nỗi hận trong lòng cũng tan ra như cát bụi...

Trần Thúy Lành
 

;
;
.
.
.
.
.