Đất lạ hóa quê hương

Tôi viết những dòng này như thay lời muốn nói để cảm ơn vùng đất đã cưu mang mình.

Tôi không phải là người Đà Nẵng. Bố mẹ và mấy chị em tôi là dân ngụ cư.
Bố mẹ tôi là công nhân, chị em tôi là con công nhân. Ngày ấy, nhà tôi ở Khu tập thể công nhân trên đồi Cầu Đỏ, còn gọi là khu Nhiệt điện (nay là Khu công nghiệp Hòa Cầm), trên đó có ba hay bốn công ty khác nhau.

Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM
Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

Gia đình tôi chân ướt chân ráo từ ngoài Bắc vào, bố mẹ đi công trình hoặc làm việc ở một xưởng sửa chữa ngay cạnh khu tập thể. Chúng tôi xuống làng đi học và gặp ngay rào cản về giọng nói. Cứ mở miệng là tôi bị bạn bè cười trêu và nhại lại. Tôi nói thì họ cười, họ nói thì tôi không hiểu, nên từ một con cào cào hiếu động vui vẻ, tôi nhanh chóng thành con rùa rụt đầu...

Đường đi học về luôn là những ám ảnh. Tôi lầm lũi đi, cứ mấy bước là bị chặn lại, bị trêu chọc...

Năm 2000, tôi vào Nam sinh sống. Đà Nẵng trong tôi là cái nhà nhỏ của bố mẹ, mảnh sân nhỏ toàn đất sỏi, mẹ phải trồng rau củ trong những thùng xốp và xung quanh nhà là những cây mít cho quả khá ngon.
Một năm tôi về thăm bố mẹ một, hai lần. Về nhà, tôi chỉ ở trong nhà chứ không đi đâu. Ăn mấy món Quảng ra món chứ không ra vị do mẹ nấu rồi tôi lại xách túi đi. Có lẽ mấy món Quảng mà tôi cảm nhận không ra vị là do tôi không thưởng thức món ăn trong hoài niệm nên không cảm nhận được cái ngọt đậm đà của nước nhưn, không hít hà mùi thơm của rau sống... Cũng có thể vì mẹ tôi là dân ngụ cư nên không cảm nhận được cái hồn của món Quảng khi chế biến món ăn.

Tôi xa lạ với vùng đất ấy đến nỗi, khi tổ chức lễ cưới, tôi không mời nhiều bạn bè.

Khi có con, tôi thường cho con nghỉ hè ở Đà Nẵng. Ông bà và các dì đưa cháu đi Bà Nà, Non Nước, rồi vào Hội An..., những địa danh quen thuộc nhưng với tôi thì vô cùng lạ lẫm và không mấy mặn mà.

Cứ nghĩ cuộc sống sẽ trôi đi bình lặng, buồn tẻ như thế nếu tôi không vô tình gặp một số anh chị em cùng học ở Trường THPT Hòa Vang. Khi gặp nhau, họ thường nói chuyện ngày xưa, những địa danh dần dần sống lại trong tôi, ngã tư Hòa Cầm, dốc Võng, Khuê Trung, Cẩm Lệ…

Tôi thấy mình cũng có những năm tháng đẹp đẽ nhưng tôi đã hờ hững để trôi đi. Bao lần lội nước lụt, có lần trôi cả dép. Mấy lần ngã xe ở dốc Võng khuỷu tay còn để lại sẹo, có lần qua đò Xu về nhà bạn, vài lần về quê ai đó nhổ đậu phộng, bẻ bắp...

Những câu chuyện của ngày xưa dần sống lại như mới hôm qua, những kỷ niệm tôi từng không muốn nhớ nhưng chúng không bị xóa đi mà ngoan ngoãn nằm đó. Nay những câu chuyện đó trở dậy, chạm vào tim tôi để rung lên những âm thanh rất lạ.

Một người anh học khóa trên ở Trường THPT Hòa Vang nhắc ngày xưa ăn mì Bà Bản ở con hẻm bên hông trường, tôi nhớ mình cũng từng ăn tại đó. Tôi nhớ mình từng đến chụp hình ở tiệm ảnh Bình Minh gần chợ Cẩm Lệ, tiệm ảnh Anh Đào ở sau trường; tiết học thể dục phải chạy trong những con hẻm quanh trường, nhiều lần bị chó đuổi tơi bời...

Hóa ra, dù sống khép kín nhưng tôi đều có mặt trong những câu chuyện của quá khứ.

Chẳng có cục gôm nào cho tôi xóa đi những nét vẽ buồn ngày cũ. Tôi quyết định sắm cho mình những cây bút màu thật đẹp để vẽ bức tranh của tương lai.

Tôi tham gia nhóm Cựu học sinh trường cũ, tham gia cả Hội đồng hương, tham lam tìm lại những gì mình bỏ lỡ. Tôi tìm được những người bạn mới của ngày xưa, nghĩa là chúng tôi từng học với nhau ba năm, bảy năm nhưng nay có người hỏi: “Ngày xưa mình học chung khóa, sao ta không biết mi?”.

Mấy năm gần đây, mỗi lần về, chỉ cần ra khỏi sân bay, tôi đã cảm nhận được nhịp đập và hơi thở bình yên, êm đềm của thành phố bên sông Hàn, khác lắm với vùng đất ồn ào mà tôi đang sống. Tôi chở hai đứa con đi loanh quanh bằng xe máy và không ngừng lạc đường. Những con đường mới thênh thang làm tôi choáng ngợp, vì trong trí nhớ tôi, nơi này ngày xưa là đường đất có những bụi tre, hai bên là ruộng...

Thế nhưng, trước mặt hai con, tôi vẫn tự tin giới thiệu ngày xưa mẹ học trường này, chỗ đó trước hay bị ngập, có lần mẹ lội qua bị trôi mất dép, tiệm ảnh kia là mẹ chụp hình mặc áo dài thướt tha...

Mỗi lần về Đà Nẵng, tôi lại cảm nhận thành phố đổi khác. Tôi không còn ở lì trong nhà mà ríu rít hẹn gặp bạn bè, anh em. Trong những câu chuyện, thi thoảng tôi lại nghe: “Hóa ra hồi nớ hắn...”, “Răng mình không biết hắn hè?”...; và sau đó là những nụ cười, ngỡ ngàng, bối rối, có cả vui mừng khi nhận ra nhau.

Mùa dịch, các anh chị ở trường cũ chia nhau mang thực phẩm, rau củ đến những nhà gặp khó khăn, bố mẹ tôi cũng được thăm vì “hắn ở xa, mình ở đây phải lo cho bố mẹ giùm hắn!”. Mùa lụt, nhà tôi ở trên đồi nhưng các anh chị, bạn bè vẫn hỏi: “Nhà ba mẹ có hề chi không bé?”, “Hồi mô về nhớ ghé ta nghe!”... Giọng Quảng khê đặc vậy mà làm tôi cay mắt.

Đà Nẵng với tôi nay đã thành quê hương. Chắc chắn tôi vẫn lạc đường lia lịa, luôn làm phiền những anh công an ở mỗi góc phố và tôi luôn nhận được những nụ cười đầy hiền hậu, cảm thông. Hẳn các anh nghĩ tôi là khách du lịch, bởi có ai đi lạc trong chính nhà mình đâu!
Nhưng có hề gì khi mỗi lần lạc là mỗi lần thêm quen.

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

 

;
;
.
.
.
.