Nơi mảnh đất miền Trung dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, những mạch ngầm từ thâm sơn cùng cốc phía tây tạo thành những ngọn suối con sông nối nguồn xuôi về Biển Đông. Giang thủy Xứ Quảng cũng không ngoài quy luật ấy. Nhưng có một con sông lại lượn ngang theo bờ biển, nối hai cửa lớn là cửa Đại (Hội An) và cửa Hàn (Đà Nẵng), đó là sông Cổ Cò.
Sông Cổ Cò đoạn qua phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đang được nạo vét, khơi thông. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
Trong cái hữu hạn kiến văn của mình, tôi không đủ minh định dòng sông ấy khởi thủy từ khi nào: có phải hơn 1,8 triệu năm trước, những đứt gãy của mẹ Trái đất đã hình thành nên vùng đất này cùng với dòng chảy ấy(1); hay từ thuở giao long quặn mình trong cổ tích sinh ra quả trứng đủ tháng đủ ngày nứt vỏ thành Ngũ Hành Sơn - mà có thể trong cái quặn mình thiên chức ấy, giao long đã làm nên một Cổ Cò? Tôi ngờ rằng, từ thời Lâm Ấp rồi vương quốc Chămpa, đã có hình dáng sông Cổ Cò uốn lượn trong những bi ký hay dân gian Chàm. Để đến năm 1306, cuộc hôn nhân mang đậm dấu ấn lịch sử diễn ra sau bước chuẩn bị dài đến 5 năm (1301-1306) giữa công chúa Đại Việt Huyền Trân và vua Chămpa Chế Mân với sính lễ hai châu Ô, Lý - kéo dài từ bờ nam sông Hiếu Quảng Trị đến tận bờ bắc Thu Bồn Quảng Nam, thì sử Việt lưu danh vùng đất này.
Năm 1307, Hành khiển Đoàn Nhữ Hài vâng mệnh vua Trần Anh Tông vào tiếp quản quà sính lễ và đổi tên hai châu Ô, Lý thành hai châu Thuận, Hóa - nghĩa là “thuận theo” và “hóa theo” Đại Việt. Nhưng cuộc hôn nhân ngắn ngủi và đầy tranh cãi vì quà sính lễ ấy kéo theo những cuộc chinh phạt liên miên giữa hai nước Đại Việt - Chămpa; hai châu Thuận, Hóa không một ngày bình yên, khói lửa binh đao ngợp trời...
Mãi đến năm 1471 - cách đây vừa tròn 550 năm, trong công cuộc chinh phạt Chămpa để mở rộng lãnh thổ và trấn yên bờ cõi, vua Lê Thánh Tông lấy phần đất chiếm được từ bờ nam sông Thu Bồn đến phía bắc núi Thạch Bi (Phú Yên), lập Thừa tuyên Quảng Nam đạo, làm thừa tuyên thứ 13 của Đại Việt. Đến lúc ấy, hai vùng đất Đà Nẵng và Quảng Nam chính thức hòa chung vào giang sơn Đại Việt, mãi đến bây giờ…
Trong dòng chảy hàng ngàn năm ấy, sông Cổ Cò chứng kiến những thăng trầm của hai vùng đất sôi động và khắc nghiệt này. Qua bao binh đao khói lửa, đến thế kỷ thứ XVI, khi giao thương giữa Việt Nam và Đông Tây trở nên sôi động, với lợi thế đường đi ngắn, thuận lợi, tránh được sóng to gió lớn so với hành trình trên Biển Đông, sông Cổ Cò thể hiện sứ mệnh giao thương của mình, kết nối Hội An cùng cửa Đại Chiêm với cửa Hàn - Đà Nẵng. Đến thế kỷ XIX, do những thay đổi trong chính sách của nhà Nguyễn, cửa Đại Chiêm và cửa Hàn đã hoán đổi vai trò cho nhau, từ đó làm nên một dáng dấp Đà Nẵng hiện đại cùng Hội An cổ kính hôm nay. Sông Cổ Cò cũng cạn dòng, bồi lấp theo biến thiên địa lý...
Nhưng dù bị ngắt quãng bởi lịch sử hay địa lý, dù mang tên gì chăng nữa: là Lộ Cảnh Giang hay Ba Chà, Bãi Dài (đoạn qua quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), rồi Hà Sấu (thị xã Điện Bàn) hay Để Võng - thường gọi là Đế Võng (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), sông Cổ Cò vẫn là gạch nối thiên nhiên và thiêng liêng giữa hai miền di sản đặc trưng là di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn và di sản văn hóa thế giới - đô thị cổ Hội An; bao trùm hơn là giữa Đà Nẵng và Quảng Nam ruột thịt - bởi cả hai miền di sản ấy đều là một phần quan trọng trong biểu trưng (logo) của hai vùng đất thân yêu này.
Một sát-na(2) trong chánh niệm Phật hay hàng ngàn năm khói lửa binh đao Đại Việt - Chămpa; 550 năm Quảng Nam mang danh xưng (1471-2021) để từ đó cùng Đà Nẵng quy về Đại Việt, hay 1/4 thế kỷ hai vùng đất này mang địa danh riêng cho mỗi đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997-2022)…, cũng chỉ là hữu hạn trong cái vô hạn của thời gian; nhưng chắt lọc trong đó là những viên đá quý kết tinh thành chuỗi hạt trầm tích văn hóa của vùng đất, con người, của quốc gia, dân tộc…
Xén lên từng lát mỏng của trầm tích ấy, có thể khơi gợi cả một trường đoạn về giao thoa lịch sử, văn hóa giữa hai dân tộc Việt và Chàm: vừa đấu tranh vừa hòa hiếu, vừa tranh giành lãnh thổ bằng giáo mác gươm đao nhưng cũng sẻ chia đất đai bằng tình yêu, đạo lý… Trong từng lát cắt đó, ta hình dung một Cổ Cò chảy ngang hai miền di sản, như là biểu hiện một phần tính cách người Xứ Quảng ngang mà không ngược? Trong từng lát cắt đó, ta không minh định rõ đâu là cửa sông Cổ Cò đổ nước vào: Đại Chiêm hay cửa Hàn; nhưng ta có thể rõ lòng người Xứ Quảng: sẵn sàng sẻ chia, sống hòa hiếu và trọn nghĩa vẹn tình.
Xén lên từng lát trầm tích đó, từ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đằng đẵng gần 120 năm (1858-1975), đến hơn 45 năm sau ngày “đất nước trọn niềm vui”, hai vùng đất này lúc nhập lúc tách vì vai trò lịch sử, lúc thăng lúc trầm vì những chính sách chưa hợp thời hợp thế… Nhưng như dòng Cổ Cò lúc thông lúc tắc, hôm nay, hai vùng đất cùng làm nên một hình hài, diện mạo mới. Chảy giữa hai miền đất đang từng ngày bừng lên sức sống mới, không còn một Cổ Cò bị bồi lấp, ngắt quãng, mà bắt đầu sự khơi mở cho một dòng sông trong xanh soi bóng đôi bờ, từ Ngũ Hành Sơn nối liền phố cổ Hội An.
Trong tâm tưởng về một dòng sông hồi sinh, tôi từng mơ, không chỉ những du thuyền hiện đại ngược xuôi trên sông, mà sẽ thấp thoáng những hoạt cảnh về đoàn thuyền lộng lẫy của vua Chế Mân rước dâu Huyền Trân công chúa về đất Chămpa trong bảng lảng khói sương lãng mạn; hay lão tướng Trần Khắc Chung dũng mãnh vượt phong ba đưa Huyền Trân - lúc này đã là Vương hậu quả phụ Paramecvari - rời cung Chàm quay về cố xứ; cảnh hùng binh của vua Lê Thánh Tông cùng lưu dân chinh phạt Chămpa, mở rộng bờ cõi Đại Việt, hòa cùng cảnh tấp nập thuyền buôn Đông Tây đầy ắp hàng hóa nối đôi cảng Đại Chiêm, phố Hội với cửa Hàn, Đà Nẵng sôi động…
Tôi từng mơ, sông Cổ Cò sau khi được khơi thông, không thuần túy chỉ là một dòng thủy lưu, mà chính là sự khơi thông dòng chảy trầm tích, khơi thông miền di sản với những nét văn hóa đậm đà bản sắc của đất và người Xứ Quảng; để ngàn năm sau, qua biến thiên thời gian và lịch sử, sông vẫn một dòng xanh…
NGUYỄN THÀNH
(1) Địa hình thềm lục địa đồng bằng ven biển miền Trung nói chung và Đà Nẵng (Ngũ Hành Sơn) nói riêng mới chỉ được hình thành rất gần đây, vào thời Đệ Tứ, cách đây khoảng 1,8 triệu năm. (Theo Ngũ Hành Sơn, Nguyễn Trọng Hoàng, NXB Đà Nẵng - 1997).
(2) Sát-na là một khoảng thời gian rất ngắn, thậm chí ngắn hơn cả khoảng thời gian mà một ý niệm sinh khởi. Tuy nhiên, nó là khoảng thời gian cần thiết để cho các pháp vận hành (Theo Khái niệm thời gian trong Phật giáo, Thích Hạnh Tuấn Quảng Trí dịch, giacngo.vn). Theo tính toán, 1 sát-na tương đương 0,013-0,018 giây.