Cuộc thi viết "Đà Nẵng ngày mới"

Ấn tượng và đong đầy cảm xúc

Trong 7 tháng kể từ lúc phát động cuộc thi viết “Đà Nẵng ngày mới”, Ban tổ chức đã tiếp nhận tổng cộng 167 tác phẩm của 110 tác giả. Các tác phẩm đều có sắc thái riêng và đong đầy cảm xúc về những đổi thay của thành phố bên sông Hàn. 

1. Cuộc thi viết “Đà Nẵng ngày mới” do Báo Đà Nẵng tổ chức diễn ra từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 12 - 2021 nhân kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 – 1-1-2022). 25 năm là chặng đường dài để thành phố xây dựng và không ngừng phát triển. Trong 25 năm qua, thành phố bên dòng sông Hàn thơ mộng, hiền hòa đã trải qua biết bao đổi thay.

“Đà Nẵng ngày mới” bao hàm nhiều ý nghĩa. “Ngày mới” đánh dấu những đổi thay của thành phố, với dấu mốc sau ngày 1-1-1997. “Ngày mới” luôn mang đến niềm hy vọng về những điều tốt đẹp hơn nữa.

Một ngày mới thường mang đến nhiều năng lượng tích cực và sự hứng khởi. Một ngày mới cũng mang đến những nghĩ suy về những ngày đã qua, trân trọng những thành quả và cả những vui - buồn của ngày cũ để hướng đến một ngày mới tràn đầy ánh nắng, tiếng cười, niềm hạnh phúc.

"Hơn 160 bài dự thi của các tác giả từ mọi miền đất nước tham dự cuộc thi viết “Đà Nẵng ngày mới” đã chắt lọc yêu thương, kỷ niệm, khát vọng về Đà Nẵng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của mọi người dành cho vùng đất, con người, cùng những cống hiến trong công cuộc dựng xây Đà Nẵng - thành phố biển xinh đẹp, hiền hòa và thân thiện.

Cùng thời gian diễn ra cuộc thi, Đà Nẵng kiên cường vượt qua đại dịch Covid-19. Trong muôn vàn khó khăn ấy, hình dung mỗi bài dự thi như bông hoa thắm, là món quà tặng quý giá dành cho thành phố này; là những kỳ vọng lớn lao gửi gắm cho Đà Nẵng trong hành trình sắp tới”

Nhà báo Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi

Với đủ đầy ý nghĩa như thế, theo đó các tác phẩm dự thi thể loại tản văn, tùy bút, tạp bút phản ánh những đổi thay của Đà Nẵng trong 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; ca ngợi vẻ đẹp của đất và người Đà Nẵng - một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với sự hội tụ của sông, núi, biển và con người sống nghĩa tình, chân chất, lặng thầm đóng góp xây dựng thành phố; chia sẻ những tâm tư, tình cảm về một thành phố an bình, hấp dẫn, hài hòa, đáng sống trong đời thường và kiên cường, đoàn kết, nhân ái trong những lúc trải qua thiên tai, dịch bệnh; bày tỏ niềm tin và kỳ vọng về sự phát triển hơn nữa của thành phố…

Kể từ khi đăng bài dự thi đầu tiên trên báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 6-6-2021, Ban tổ chức liên tục tiếp nhận các tác phẩm. Trong vòng 7 tháng, tổng cộng 167 tác phẩm của 110 tác giả được gửi về dự giải, trong đó có những tác giả ở Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Nghệ An, Nha Trang, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Có một tác giả gửi 34 tác phẩm dự thi, có những tác giả gửi 2-3-4 tác phẩm; tác phẩm nào cũng chuyển tải tình cảm yêu mến và nhiều duyên nợ với thành phố bên sông Hàn.

Các tác giả tham dự cuộc thi đang công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có người là nhà văn, nhà báo, giáo viên; có người làm kế toán, nhân viên văn phòng; có người là cán bộ hưu trí. Có tác giả từng đoạt giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học “Vì tương lai đất nước”, cuộc thi “Văn học tuổi hai mươi”, có hàng chục đầu sách đã được xuất bản; có tác giả ở tuổi 70 vẫn gửi 2 tác phẩm dự giải…

2. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ: “Đà Nẵng với tôi nay đã thành quê hương. Chắc chắn tôi vẫn lạc đường lia lịa, luôn làm phiền những anh công an ở mỗi góc phố và tôi luôn nhận được những nụ cười đầy hiền hậu, cảm thông. Hẳn các anh nghĩ tôi là khách du lịch, bởi có ai đi lạc trong chính nhà mình đâu! Nhưng có hề gì khi mỗi lần lạc là mỗi lần thêm quen” (Đất lạ hóa quê hương).

"Có tác phẩm có cái tứ rất hay, đồng thời là một chỉnh thể chặt chẽ và nén, ngay từ tít bài. Điểm nhìn về thành phố sang trang mới sau 25 năm được tác giả chọn là nơi đầu biển cuối sông mà cảnh sắc, con người vốn rất lam lũ, tạo sự thuyết phục mạnh về chặng đường phát triển của thành phố không chỉ về không gian mà còn chính số phận con người. Có tác phẩm biết chọn đúng tâm điểm, điểm sáng nhất của Đà Nẵng, đó là lòng người, tình người, lòng nhân ái, đức hy sinh, sự chia sẻ. Đấy mới chính là điều lớn nhất tạo nên thương hiệu của Đà Nẵng. Tác phẩm có cái nhìn rất sâu, chi tiết và xúc động về tình người Đà Nẵng trong đại dịch Covid-19, điều mà rất nhiều bài báo viết về Đà Nẵng ít phát hiện ra”

Nhà báo Trần Tuấn, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tiền Phong tại miền Trung, thành viên Hội đồng Giám khảo

Từ Phú Thọ, tác giả Vũ Thị Huyền Trang viết:“Thời đại công nghệ số, việc tìm hiểu thông tin về một thành phố nào đó, dù mình chưa đặt chân đến, không phải là điều khó khăn. Tôi đã tìm hiểu về Đà Nẵng theo cách thức như thế, bằng tất cả những gì ghi nhận từ việc đọc, nghe, xem và cả chuyện trò trực tuyến với những bạn bè, người quen đang sống ở Đà Nẵng. Với tôi, Đà Nẵng thật quen thuộc, cứ như một nơi chốn đã ở trong tim mình từ lâu, chỉ cần ai nhắc đến hai tiếng nghe “nằng nặng” ấy là thấy nhớ, thấy thương...” (Nợ nhau cuộc hẹn).

Tác giả An Lê - một người con của Đà Nẵng hiện sống ở tỉnh Hưng Yên - nghĩ về thành phố với niềm tự hào: “Suốt 25 năm tôi đã được ngắm nhìn thành phố với những cung bậc cảm xúc, những góc nhìn khác nhau. 25 năm là câu chuyện đổi thay của bao mảnh đời. Kỳ tích Đà Nẵng không chỉ là câu chuyện xây những nhịp cầu nối đôi bờ sông Hàn, mang lại sự đổi thay kỳ diệu cho bờ đông, mà còn là câu chuyện xây nên những nhịp cầu nối ước mơ với niềm tin, nối thương yêu với bến bờ khát vọng” (25 năm nối nhịp bờ vui).

Đồ họa: MAI ANH
Đồ họa: MAI ANH

Tác giả Thái Mỹ (Đà Nẵng), với tác phẩm “Phước ở cuối sông” đã kể câu chuyện về vùng sình lầy của cửa sông Hàn một thời là “các bãi lầy, cồn cát chang chang, chỉ có những bụi xương rồng tua tủa gai mới đủ sức bền bỉ, dẻo dai cùng nắng gió, không một mái nhà, không lối đi, đêm ngày chỉ ì ầm sóng biển”. Một vùng đất cằn cỗi, “dưới vịnh nước đen đục cong cong hình lưỡi liềm lô nhô những căn nhà chồ tuềnh toàng, xơ xác cùng các chiếc ghe của hàng chục gia đình không có một tấc đất trên bờ nên quanh năm phải bồng bềnh trên mặt vịnh”, nhưng nay khoác chiếc áo hoa rực rỡ về kết cấu hạ tầng…

3. Điểm qua một vài đoạn trong các tác phẩm dự thi như thế để thấy rằng, Ban tổ chức cuộc thi và Hội đồng Giám khảo quả thật rất khó chấm chọn ngay từ vòng sơ khảo. Tác phẩm nào cũng có sắc thái riêng. Hơn nữa, thể loại tản văn, tùy bút, tạp bút yêu cầu về tính văn học và giàu cảm xúc; mà cảm xúc là phản ứng, sự rung động của con người trước tác động của yếu tố ngoại cảnh, nên khi cảm xúc được thể hiện bằng câu chữ thì mỗi người sẽ có cách viết khác nhau, mỗi người đọc cũng có cách cảm nhận khác nhau. Quan trọng là người viết cần biết điều tiết cảm xúc, có sự chắc tay, đặc biệt là biết tạo ra cái tứ, tạo ra câu chuyện với nhiều chi tiết độc và nén.

Có tác phẩm chuyển tải nội dung là một lát cắt về chặng đường xây dựng, phát triển của Đà Nẵng; về một Quảng Nam và Đà Nẵng dù chia, nhưng không cắt; về vấn đề quy hoạch, về sự thay đổi lối sống phù hợp, về văn hóa chung cư; về ước mong dòng sông lịch sử mang tên Cổ Cò “vẫn một dòng xanh” trước những dự án phát triển đô thị hiện nay...

Có tác phẩm là bức tranh tổng thể về những đổi thay để có bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại như ngày nay. Việc nối đôi bờ sông Hàn đã mang lại chiếc áo mới cho mảnh đất bên kia sông thuở nào; đã hết cảnh đất trống hoang vu với những “nhà không số, phố không tên”; bao phận người lấy ghe thay nhà đã bước lên bờ với các mái nhà ấm áp. Có tác phẩm thể hiện dung dị mà xúc động về tình cảm, tâm thế đặc biệt của người dân khi phải chia tay nơi ở cũ thân thương bao đời để chuyển đến những nơi ở mới theo chủ trương chỉnh trang đô thị, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”...

Hội đồng Giám khảo đã làm việc đầy tinh thần trách nhiệm để chọn ra các tác phẩm đoạt giải. Tất cả 27 tác phẩm vào vòng chung khảo đều xứng đáng được trao giải, bởi không xét về câu chữ, ý tứ, việc dành thời gian đầu tư hoàn thiện một tác phẩm dự thi với đong đầy tình cảm dành cho thành phố Đà Nẵng thân yêu đã là thành công rồi.

Ban tổ chức trân trọng cảm ơn các tác giả đã nhiệt tình hưởng ứng cuộc thi, cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc. Báo Đà Nẵng mong muốn đón nhận sự góp ý để những cuộc thi sau sẽ hoàn thiện, chất lượng và lan tỏa hơn nữa.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

;
;
.
.
.
.