Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cùng với công tác nhân sự, các cấp ủy Đảng trên toàn thành phố đều chú trọng việc xây dựng báo cáo chính trị. Trong đó, ngoài xác định những mục tiêu phát triển trong 5 năm tới ở địa phương, đơn vị, việc bám sát mục tiêu phát triển nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành tại Đại hội Đảng bộ Văn phòng Thành ủy, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: L.P |
Bám sát thực tiễn, yêu cầu phát triển
Tùy theo tình hình thực tế, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị chú trọng xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong báo cáo chính trị phù hợp với định hướng chung của thành phố cũng như nét đặc thù của từng nơi. Theo ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), báo cáo chính trị tại Đại hội chi bộ thôn Giàn Bí thể hiện khá rõ nét quyết tâm chính trị, tinh thần chủ động, quyết liệt của tập thể trong việc đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2022. Theo đó, thôn Giàn Bí thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa của người Cơ tu. Trong khi đó, với vị trí là phường thuộc quận trung tâm thành phố, Đảng bộ phường Thạch Thang (quận Hải Châu) xác định, nhiệm kỳ 2020-2025 cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, chuyên nghiệp, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính... Khi xây dựng báo cáo chính trị tại đại hội, Đảng ủy phường chú trọng một số nhiệm vụ mang tính chất đặc trưng của địa phương, chẳng hạn như việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu về văn hóa, văn minh đô thị theo định hướng chung của thành phố về xây dựng đô thị văn minh, hiện đại...
Đối với quận Thanh Khê, báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ quận xác định 3 nhiệm vụ mang tính đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025, gồm: đẩy mạnh phát triển ngành thương mại, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quận; hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu dân cư, từng bước xây dựng đô thị văn minh; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. “Có được định hướng phát triển nêu trên là cả một quá trình tập hợp trí tuệ của từng cán bộ, đảng viên, nhân sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân, của từng đại biểu dự đại hội để dự báo sát tình hình, xác định đúng tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh, sự khác biệt của quận Thanh Khê nhằm lựa chọn đúng nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá để bảo đảm phát triển toàn diện, bền vững trong nhiệm kỳ 2020- 2025”, Bí thư Quận ủy Thanh Khê Ngô Xuân Thắng cho biết.
Theo Bí thư Quận ủy Hải Châu Lương Nguyễn Minh Triết, báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Hải Châu khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, từ khi bắt đầu xây dựng đề cương, bản thảo đến khi tổ chức đại hội là khoảng 10 tháng. Trong đó, về phương hướng phát triển quận 5 năm đến, quận xác định 12 chỉ tiêu, 3 nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng, triển khai 7 chương trình, 12 đề án, 2 kế hoạch lớn trên tất cả các lĩnh vực. Điểm lớn đáng chú ý nhất mà tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới quyết tâm thực hiện để thay đổi diện mạo quận trong 5 năm đến rõ nhất là công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị, hoàn thiện hạ tầng đô thị, gắn với xây dựng “Quận thông minh”.
Đối với Đảng bộ thành phố, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Một là, xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững. Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Ba là, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Những nhiệm vụ trọng tâm này liên quan thiết thực đến mục tiêu phát triển thành phố hướng đến đô thị sinh thái, thông minh và hiện đại.
Phát huy trí tuệ tập thể
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang Lê Trung Thắng cho biết, liên quan đến công tác chuẩn bị văn kiện đại hội, đặc biệt là dự thảo báo cáo chính trị, bên cạnh việc tranh thủ ý kiến của các sở, ban, ngành ở thành phố, ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện Hòa Vang qua các thời kỳ, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Huyện ủy Hòa Vang còn tiếp cận theo 2 hướng: Về công tác xây dựng Đảng, Huyện ủy đã tham khảo ý kiến một số cán bộ ở Học viện Chính trị khu vực III để tiếp thu những định hướng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị phù hợp; đối với các lĩnh vực khác, Huyện ủy Hòa Vang đã làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng tiến hành đánh giá độc lập về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện để tham khảo xây dựng văn kiện sát với tình hình thực tế. “Đây là hướng đi mới vừa bảo đảm đúng quy trình vừa tìm ra những định hướng phát triển Hòa Vang theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW”, ông Lê Trung Thắng khẳng định.
Đối với quận Cẩm Lệ, những ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành thành phố, các cán bộ nguyên lãnh đạo thành phố và quận nghỉ hưu qua các thời kỳ giúp cho Quận ủy có thêm một kênh thông tin hữu ích để từ đó nghiên cứu tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận. “Có thể nói, văn kiện đại hội lần này chuẩn bị công phu, chu đáo từ khâu lấy ý kiến góp ý vào văn kiện được tổ chức thực hiện khá tốt nên đã tiếp thu được trí tuệ của tập thể cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ vào văn kiện”, ông Lê Quang Nam, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ cho biết. Bên cạnh những kênh góp ý trên, những ý kiến trao đổi, tham luận trực tiếp tại đại hội cũng góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện báo cáo chính trị. Ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu thông tin: “Tại Đại hội Đảng bộ quận, nhiều thảo luận tâm huyết, sâu sắc, trí tuệ, được chuẩn bị công phu, bổ sung những giải pháp thực hiện một số phương hướng, nhiệm vụ của báo cáo chính trị và chương trình hành động của Quận ủy trong nhiệm kỳ 2020-2025”.
Đối với báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, việc xây dựng được tiến hành qua 4 giai đoạn, trên cơ sở 3 báo cáo chuyên đề; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan, thảo luận trong Tiểu ban Văn kiện; tổ chức lấy ý kiến của các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó đã tổ chức ý kiến góp ý của Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố từ dự thảo báo cáo chính trị lần thứ 1 đến lần thứ 4 theo đúng kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, các cơ quan chủ trì lấy ý kiến được phân công đã thực hiện tốt kế hoạch lấy ý kiến đề ra; các đại biểu tham gia ý kiến đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và có những ý kiến góp ý xác đáng vào dự thảo báo cáo chính trị. Trong đó, có nhiều ý kiến có thể nghiên cứu tiếp thu bổ sung vào dự thảo báo cáo chính trị; có những ý kiến có thể nghiên cứu, bổ sung vào chương trình thực hiện nghị quyết.
Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ngày 22-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nội dung các văn kiện của Đà Nẵng đã bám sát những tư tưởng, quan điểm lớn nêu trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho nhiệm kỳ tới thể hiện tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng. “Công tác chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025 đã được thực hiện chu đáo, nghiêm túc, công phu, khoa học, bảo đảm đúng yêu cầu Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá. |
ĐẶNG NỞ - NHẬT HUY