Gian nan săn ảnh đẹp mùa pháo hoa

.

ĐNO - Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) cũng như bất kỳ sự kiện nào có trình diễn pháo hoa đều là dịp để những người đam mê nhiếp ảnh từ chuyên nghiệp đến không chuyên "săn lùng" ảnh đẹp. Có trực tiếp cầm máy ảnh, mới hiểu được chụp pháo hoa cũng lắm công phu. 

A
Màn trình diễn pháo hoa của đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam tại DIFF 2019.

 “Muôn hình vạn trạng” góc chụp

Những phóng viên, nhà báo, nhà nhiếp ảnh có thẻ tác nghiệp do ban tổ chức DIFF cấp thì sẽ rất thuận lợi với vị trí chụp khá thoáng đãng và trực diện ngay ở bờ sông, trước khu vực khán đài B2.

Theo anh Mai Văn Vinh (Phóng viên Báo Công an thành phố Đà Nẵng), bởi vì góc chụp này đẹp nên rất nhiều người lựa chọn để đặt máy. Tuy nhiên, diện tích không gian này có hạn, vì vậy nếu ai đến muộn thì xem như không có chỗ đứng chụp.

“Chính vì thế, nhất thiết phải đi sớm để tìm vị trí đặt máy hợp lý, canh góc rõ ràng. Điều mà tôi thấy vui là các đồng nghiệp nhiệt tình giúp đỡ, sẵn sàng hỗ trợ nhau để có một góc chụp đẹp khi có ai đó bất đắc dĩ đi trễ”, anh Vinh chia sẻ.

Không thuận lợi như những người đồng nghiệp trong khu vực khán đài, các nhiếp ảnh gia tác nghiệp ngoài khu vực khán đài có lúc phải “đỏ mắt” đi tìm một vị trí đẹp.

Anh Vương Khả Thịnh, một nhiếp ảnh gia gắn bó với nhiều mùa pháo hoa chia sẻ thêm: “Chụp được bức ảnh pháo hoa đẹp cũng “mệt, vì nó đòi hỏi sự mới lạ, thay đổi, đặc biệt là góc chụp. Bản thân tôi phải luôn đi tìm những góc chụp khác với những lần chụp trước để tránh bị trùng góc chụp, gây nhàm chán cho những bức ảnh”.

Có nhiều tòa nhà anh có thể xin lên tự do, một số khác phải bỏ tiền “mua view” theo hình thức vé ngắm pháo hoa từ các quán cà phê, khách sạn cao tầng.

Anh Trần Minh Trí, thành viên hội nhiếp ảnh Nikon Đà Nẵng chia sẻ: “Những khách sạn, nhà cao tầng cũng là nơi lý tưởng để chụp pháo hoa. Nếu muốn chụp góc nghiêng, lấy toàn cảnh pháo hoa và cả thành phố, bờ sông Hàn thì có thể lên những tòa nhà trên cao như Azura, Vinpearl ở đầu cầu Sông Hàn, xa hơn một chút có Mường Thanh Grand, Danang Riverside. Cận cảnh pháo hoa một chút thì có khách sạn Novotel."

Tuy nhiên, những vị trí có góc chụp đẹp cũng đồng nghĩa với giá tiền bỏ ra không hề rẻ. Trong mùa pháo hoa, giá vé ngắm pháo hoa tại các khách sạn, nhà cao tầng có thể dao động từ 200.000 đồng cho đến 2 triệu đồng tùy vào vị trí, độ cao tòa nhà hoặc mức độ ăn uống trọn gói kèm theo cho khách.

Một số tay máy khác chọn giải pháp tiết kiệm hơn khi lắp đặt máy ảnh tại khu vực bờ sông Hàn phía đường Trần Hưng Đạo, cầu Sông Hàn, sàn cầu Thuận Phước, bờ kè dưới chân cầu Thuận Phước… Những góc chụp này thường không chính diện, lệch với trục bắn chính của pháo hoa nhưng lại tạo nên hiệu ứng hình ảnh pháo rũ lạ mắt.

Theo anh Trần Thanh Quang, một tay máy đến từ Huế, góc máy này dễ khiến chân máy ảnh bị rung khi chụp, bởi đây cũng là những địa điểm có đông người dân đi xem, chỉ cần chen chúc một chút thì sự cố rung máy là điều không thể tránh khỏi.

Phóng viên Mai Vinh (Báo Công an thành phố Đà Nẵng,
Phóng viên Mai Văn Vinh (Báo Công an thành phố Đà Nẵng, áo xám) tác nghiệp tại DIFF 2019.

Cũng lắm công phu

Những “sự cố” trong khi tác nghiệp bao gồm cả chủ quan lẫn khách quan. Trong đêm khai mạc DIFF 2019 vừa qua, bản thân anh Trần Thanh Quang gặp một sự cố mà nhiều nhiếp ảnh gia lâu năm vẫn hay mắc phải, đó là... quên tấm đế chân máy ảnh. Tấm đế có tác dụng cố định máy ảnh vào chân máy, giúp máy ổn định hơn trong khi chụp. Nếu thiếu phụ kiện này, người chụp ảnh pháo hoa gần như "thất bại" trong buổi chụp.

Một số trường hợp khác là chuẩn bị gần như cơ bản mọi thứ: Chân máy, ống kính... nhưng lại quên... sạc pin máy ảnh hoặc quên lắp pin, quên mang thẻ nhớ...

"Tai nạn" mà không ai muốn gặp phải khi chụp pháo hoa chính là... khói. Khói sinh ra từ những màn bắn, từ những đợt pháo. Có đợt khói ít, có đợt khói nhiều. Khói được nhiều tay máy gọi bằng hai chữ "hên xui" như một sự cố dở khóc dở cười.

Anh Vương Khả Thịnh chia sẻ: "Khi chụp, đôi lúc phải canh hướng gió thổi, tìm hiểu hướng gió ra sao, coi thử gió có đẩy khói về chỗ mình đặt máy hay không. Bởi khói mà che lấp pháo thì coi như hỏng".

a
Một đợt pháo hoa bị "ám" khói.

Anh Mai Văn Vinh cho biết, khó khăn nữa trong việc chụp ảnh pháo hoa chính là việc “bắt” khoảnh khắc đẹp của pháo. Cùng một màn trình diễn nhưng mỗi người lại có những bức ảnh khác nhau, những khoảnh khắc khác nhau.

Để có ảnh đẹp thì cần kinh nghiệm và cả... may mắn. Có những người chọn cách chụp “lô-tô”, bấm liên tục kiểu chụp 10 chọn 1. Có nhiều người có kinh nghiệm hơn sẽ đoán trước được giai điệu và hiệu ứng pháo sắp được bắn lên, từ đó tính toán thời điểm nhấn nút chụp hợp lý.

Anh Thế Sơn (Phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, hội viên Hội Nhiếp ảnh thành phố Đà Nẵng) tâm sự: "Bên cạnh việc canh hướng để tránh khói nếu có thể, nên có một vài kỹ thuật chụp để bảo đảm đủ ánh sáng và thu đủ hình dạng pháo vào khung hình, nếu ảnh nhiều chi tiết pháo quá sẽ bị “loạn”, nhìn rối mắt. Chụp pháo hoa cũng ngại nhất là pháo màu trắng và đỏ bởi 2 màu này rất khó tạo nên khung hình đẹp”.

Công cụ chụp ảnh ngoài máy ảnh phải có một chân máy (tripod) đủ vững chắc, nhiều tay máy cẩn thận hơn còn treo balo có trọng lượng vừa đủ vào giữa chân máy để máy không bị rung.

Kỹ tính hơn chút, nhiều nhiếp ảnh gia mang theo dây bấm mềm hoặc điều khiển từ xa để tránh chạm vào máy trong khi chụp, giảm thiểu rung lắc, tăng tính sắc nét cho bức ảnh. Ống kính chụp pháo hoa thường là ống kính góc rộng, để ghi lại những màn trình diễn một cách đầy đủ.

Bên cạnh đó, người chụp phải nắm vững kiến thức nhiếp ảnh cơ bản với các thông số về tốc độ chụp, khẩu độ, tiêu cự, độ nhạy sáng...

Có thể kể đến kỹ thuật che ống kính bằng mũ hoặc mảnh bìa đen để tạo hiệu ứng "pháo chồng", "tháp pháo", hay kỹ thuật "nghịch ngợm" với ống kính bằng cách điều chỉnh tiêu cự của ống trong khi chụp nhằm tạo nên những bức ảnh pháo hoa với hình khối pháo lạ mắt. 

Sau mỗi màn trình diễn pháo hoa, mọi người cùng nhau chuyển ảnh vào máy tính với nhiều cảm xúc, người vui vẻ bởi chụp được bức hình như ý, người tiu nghỉu bởi bỏ lỡ một khoảnh khắc đẹp, người lại tiếc nuối khi màn trình diễn hơi nhiều khói và âm nhạc chưa bắt tai... Thế nhưng, trên tất cả, cảm giác nhìn ngắm những tác phẩm của mình vẫn là niềm vui, thú vui riêng của những người trót đam mê nhiếp ảnh nói chung, chụp pháo hoa nói riêng.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.