Năm 2016, từ ý tưởng của ông Nguyễn Văn Mỹ (nghệ danh Mỹ Dũng, Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) và được sự cho phép của UBND thành phố, quận Sơn Trà bắt tay vào nghiên cứu, khảo sát và triển khai bước đầu dự án “Đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống - Bảo tồn Làng biển xưa Đà Nẵng” với diện tích khoảng 5,2ha ở khu vực 2 làng chài An Tân và An Đồn thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, người dân kỳ vọng Đà Nẵng sẽ có thêm một điểm đến hấp dẫn và lý thú.
Giếng nước làng hàng trăm năm tuổi tại làng An Tân và những ngôi nhà cổ xưa vẫn được người dân địa phương gìn giữ đến ngày nay. Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo đề xuất của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, mục tiêu của dự án là tìm giải pháp hợp lý để giữ nguyên hiện trạng của hai ngôi làng An Tân và An Đồn - vốn là hai làng chài bên sông Hàn trước đây. Đến nay làng vẫn còn gần như nguyên vẹn với cấu trúc làng xóm theo văn hóa truyền thống địa phương lâu đời, có cây đa, đình làng, miếu xóm, giếng nước xưa, ngõ nhỏ, đường sá quanh co, cao thấp, có ngôi nhà tồn tại hàng trăm năm rất quý giá với những cụ cao niên mang trong mình các “tích xưa, chuyện cũ”... Tất cả cộng hưởng thành một ngôi làng “lạ” dưới góc nhìn mỹ thuật.
Cùng với tiêu chí giữ nguyên hiện trạng, không đập phá, tác giả đề xuất triển khai thiết kế quy hoạch tổng thể các hạng mục, phân khu của hai làng chài này; chỉnh trang giao thông, đặt tên ngõ nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc giao thông; bảo đảm vệ sinh môi trường, thoát nước; sáng tác mỹ thuật cho từng ngôi nhà, con đường, tường rào và ngõ hẻm; ứng dụng nghệ thuật sắp đặt với chủ đề mỹ thuật
rõ ràng và gắn với đặc trưng của địa phương.
Bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Sơn Trà cho biết: “Dự án sẽ chia làm 2 phân đoạn rõ ràng, trong đó bảo tồn những nét xưa cũ với lồng ghép vào nét hiện đại. Dự án này sẽ góp phần gìn giữ nét văn hóa của làng chài Đà Nẵng xưa, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố. Đây cũng là điều kiện để cải thiện hiện trạng nhếch nhác tại khu vực này, đồng thời góp phần cải thiện an sinh xã hội và nâng cao mức sống cho người dân tại hai ngôi làng”.
Đánh giá cao ý tưởng này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường cho rằng, dự án sẽ góp phần hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết nối 2 trục đường Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền để sau này hình thành cụm tuyến phố đi bộ kết nối với đường Bạch Đằng cho du khách. Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý, ý tưởng này nên được triển khai thí điểm với quy mô nhỏ lại và mức độ đầu tư theo đó cũng ít hơn nhằm bảo đảm tính khả thi.
Là một người dân sống ở khu vực đường An Đồn, bà Hoàng Thị Thể (60 tuổi) bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án Làng biển xưa của quận Sơn Trà. Tuy nhiên, bà Thể mong muốn dự án phải được triển khai thực hiện hiệu quả, không chỉ đem lại điểm du lịch hấp dẫn cho quận mà còn giúp người dân khai thác được tiềm năng trong phát triển kinh tế gia đình.
Để hiện thực hóa việc triển khai ý tưởng này, thời gian qua quận Sơn Trà phối hợp với tác giả và các ngành chức năng liên quan lên thiết kế ý tưởng, tiến hành khảo sát lại hạ tầng, nhà cửa, di tích còn lại tại đây nhằm xác định bản sắc, nếp sống của người dân tại hai làng chài, qua đó định hướng nên gìn giữ cái gì, phát huy yếu tố nào, định hướng phát triển ra sao... Trên cơ sở đó trưng cầu ý kiến của người dân trong khu vực, mời doanh nghiệp tham gia xã hội hóa và lên đề án cụ thể trình UBND thành phố xem xét, quyết định.
Là đơn vị chủ trì chính trong việc xây dựng đề án này, Phòng Văn hóa-Thông tin quận Sơn Trà cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, thống nhất ý tưởng với người dân ở khu vực An Tân, An Đồn. Ngoài ra, cơ sở vật chất, hạ tầng đã bảo đảm. Trong năm 2018, sẽ tiếp tục đầu tư thêm 800m/3.010m đường trong khu vực xây dựng dự án và kêu gọi nhà đầu tư để triển khai thực hiện trong năm 2018.
Đề án Bảo tồn Làng biển xưa Đà Nẵng được xây dựng, phục chế trên 61 con đường với tổng chiều dài 3.010m ở khu vực An Tân, An Đồn (phường An Hải Bắc), cắt giữa các trục đường chính như Ngô Quyền, Nguyễn Thế Lộc, Trần Hưng Đạo, An Đồn. |
MẪU ĐƠN