Kỳ vọng thu hút du khách đường thủy

.

Thành phố vừa khai trương tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo Đà Nẵng - Lý Sơn và công bố tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa từ bến thủy nội địa CT15 đi hòn Sụp - bãi Nam - bãi Đa. Đây là sản phẩm mới nhằm tạo sự hấp dẫn du khách trong giai đoạn mở cửa phục hồi du lịch.

Tàu du lịch đưa du khách tham quan trên sông Hàn. Ảnh: THÀNH LÂN
Tàu du lịch đưa du khách tham quan trên sông Hàn. Ảnh: THÀNH LÂN

Không chỉ dừng lại ở 2 tuyến du lịch trên, thành phố đang hướng đến nhiều tour, tuyến du lịch đường thủy như Đà Nẵng - Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam); tuyến đường thủy trên sông Cổ Cò... cũng như xúc tiến xây dựng cầu tàu và bến du thuyền để mở rộng sản phẩm du lịch này trở thành sản phẩm đặc trưng riêng của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch) chia sẻ, hiện tại trên địa bàn thành phố có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với 28 tàu hoạt động, tổng sức chứa hơn 2.000 chỗ. Trong khi đó, lượng khách chủ yếu là khách đi trên tuyến sông Hàn - Trần Thị Lý (chiếm 95%) và tuyến sông Hàn - Hòn Chảo (chiếm 5%). Các tuyến còn lại chưa có khách do chưa đủ điều kiện để khai thác khách theo quy định. Lượng khách du lịch chủ yếu là đi theo đoàn được doanh nghiệp lữ hành khai thác, khách quốc tế chiếm khoảng 70%.

Vì vậy, thời gian tới, thành phố cần đẩy mạnh khai thác các tuyến du lịch đường thủy và các cảng, bến thủy nội địa, bảo đảm phù hợp thực tế điều chỉnh quy hoạch chung thành phố; bổ sung quy định cho phép các tàu du lịch, du thuyền dưới 30 chỗ ngồi, thuyền buồm, tàu thủy lưu trú du lịch trên sông Hàn, vòng quanh bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng.

Trong đó, giai đoạn 2022-2023, thành phố đầu tư, phát triển 6 tuyến đường thủy là: sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà, sông Hàn - Hòn Chảo, Khu vực bán đảo Sơn Trà, sông Hàn - Ngũ Hành Sơn, sông Cu Đê - Trường Định, Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai và tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng 10 cảng, bến thủy nội địa là: sông Hàn - sông Vĩnh Điện; Đà Nẵng - Cù Lao Chàm và Đà Nẵng - Lý Sơn. Ngoài ra, hình thành tuyến sông Hàn - Hội An trên cơ sở tuyến sông Hàn - Ngũ Hành Sơn (sau khi hoàn thành khơi thông sông Cổ Cò)...

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít những khó khăn vướng mắc cho việc triển khai này, ví dụ: tuyến sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà và tuyến sông Hàn - Hòn Chảo còn thiếu điểm dừng chân.  Đối với tuyến khu vực bán đảo Sơn Trà, lộ trình từ bến CT15 - Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa còn khó khăn trong việc hình thành sản phẩm phục vụ khách và xây dựng bến đến trên tuyến. Ngoài ra, đối với các tuyến sông Hàn - Ngũ Hành Sơn; Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai; sông Cu Đê - Trường Định... còn gặp vướng mắc về thủ tục, thiếu hạng mục dịch vụ phụ trợ...

Ngày 29-3 vừa qua, Đà Nẵng đã khai trương tuyến du lịch đường thủy nội địa từ bờ ra đảo theo lộ trình từ cảng Sông Hàn (Đà Nẵng) đến cảng Lý Sơn (Quảng Ngãi) với chiều dài 70 hải lý, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đến Lý Sơn chỉ hơn 2 giờ.

Ông Trần Văn Trung, cổ đông sáng lập, thành viên HĐQT, Công ty CP tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express), đơn vị đang khai thác tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Đà Nẵng - Lý Sơn cho biết, việc đưa vào hoạt động khai thác du lịch đường thủy từ bờ ra đảo Đà Nẵng - Lý Sơn nhằm tạo thuận lợi cho du lịch đường thủy của 2 địa phương kết nối với nhau. Qua đó, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt hơn, tuyến vận tải thủy này sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành du lịch của hai địa phương. Bên cạnh đó, Phú Quốc Express mong muốn thời gian tới tiếp tục được đầu tư nhiều hơn nữa tại Đà Nẵng, mở thêm các hải trình mới từ bờ ra đảo như Đà Nẵng - Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), Đà Nẵng - Cồn Cỏ (Quảng Trị) và trong thời gian không xa có thể mở tuyến từ Đà Nẵng ra huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)…

Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, để sớm triển khai và đưa vào hoạt động các tuyến du lịch đường thủy, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục liên quan, triển khai đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng các cảng, bến cảng đã được phê duyệt thành cảng du lịch chuyên dụng, tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm khai thác hiệu quả các tuyến du lịch đường thủy chủ lực và khai thác các tuyến từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam, ưu tiên trước mắt là khai thác tuyến đi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

UBND quận Liên Chiểu sớm hoàn chỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và thủ tục liên quan để triển khai xây dựng các bến trong khu vực phía bắc cầu Nam Ô; bến Hầm Vàng; rà soát, bổ sung quy hoạch một số điểm dừng chân và triển khai đầu tư các điểm du lịch dọc sông Cu Đê. UBND quận Ngũ Hành Sơn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại khu vực Đồng Nò, thực hiện công bố tuyến đường thủy Sông Hàn -  Ngũ Hành Sơn. UBND huyện Hòa Vang cần sớm hoàn thành thủ tục công nhận bến Thái Lai và đề xuất bố trí bến mới thay thế bến Túy Loan... Hiện Sở Du lịch tiếp tục tham mưu UBND thành phố huy động nguồn lực các doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng dịch vụ tại các vị trí đã được quy hoạch trên các tuyến đường thủy nội địa.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.