Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Hoàn thành 100 nhiệm vụ trong 10 kế hoạch trọng tâm
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, Nghị quyết số 43-NQ/TW là văn kiện có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế phát triển thành phố trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo. Trên cơ sở Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, UBND thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai 10 chương trình thuộc nhiệm vụ của UBND thành phố, bao gồm 525 nhiệm vụ.
Qua hơn 3 năm thực hiện, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan cơ bản thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, 100 nhiệm vụ đến hạn đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 19%; chưa hoàn thành theo tiến độ 8 nhiệm vụ, tỷ lệ 1,5%; dừng triển khai 6 nhiệm vụ, tỷ lệ 1,1%; đang triển khai 411 nhiệm vụ, tỷ lệ 78,2% (trong đó có 200 nhiệm vụ thường xuyên hằng năm).
Nhiều nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành đúng tiến độ làm nền tảng cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW cho cả giai đoạn 2021-2030 như UBND thành phố khẩn trương, chủ động phối hợp các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương để triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW.
Trong đó, Thủ tướng Chính đã phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và giao các ban quản lý dự án, UBND huyện Hòa Vang tổ chức lập điều chỉnh phân khu; giao 4 sở và 3 ban quản lý dự án chủ trì thực hiện tổng cộng 9 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; giao Sở Xây dựng thực hiện điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị, lập khu vực phát triển đô thị trong các năm 2021-2022…
Kết quả nổi bật ở nhiều lĩnh vực
10 kế hoạch thực hiện ở nhiều lĩnh vực quan trọng đã được UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện quyết liệt. Điển hình như, chỉ đạo các sở chuyên ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các quy hoạch lớn, mang tính chiến lược.
Trong đó, UBND thành phố phê duyệt đề án xây dựng mô hình và dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030; tích hợp Hợp phần thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030 vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố; hoàn thành xây dựng phần mềm “Hệ thống quản lý giám sát các dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao”.
Nhiều đề án được ban hành như, Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng Quận thông minh tại quận Liên Chiểu, Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số thành phố giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch triển khai Đề án Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 trong giai đoạn 2022-2025.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, với sự quan tâm, đầu tư của thành phố, hiện nay, ngành công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao, dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Năm 2021, ngành đạt tăng trưởng 10,47% và đóng góp 8,27% GRDP thành phố. Năm 2022, tỷ lệ đóng góp ước khoảng 12,85% GRDP thành phố, vượt chỉ tiêu đến năm 2025; kinh tế số năm 2022 đóng góp hơn 17% GRDP thành phố; 6 tháng đầu năm 2023 GRDP ngành thông tin và truyền thông ước tăng 2,2% so với cùng kỳ 2022.
Đối với lĩnh vực du lịch, thành phố ban hành và chỉ đạo triển khai Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với nhiều đề án mang tính đột phá về du lịch khác. Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm chính sách thu hút khách du lịch MICE đến Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua và triển khai Đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời, tập trung truyền thông, quảng bá, xúc tiến các thị trường du lịch Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh - Đức - Hà Lan, Nhật Bản, Singapore...; khôi phục các đường bay quốc tế, tổ chức thành công Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022…
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong 10 kế hoạch, thành phố cần ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho các dự án tạo sản phẩm du lịch mới để khôi phục hoạt động du lịch; sớm hoàn thành các thủ tục triển khai đầu tư, thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, động lực phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, cần ưu tiên dành quỹ đất đầu tư hạ tầng xây dựng các trung tâm logistics, kho phân phối gần các điểm giao thông vận tải trọng yếu, đầu mối giao thông; tăng cường liên kết với các hiệp hội và doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Đà Nẵng với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới...
Nguồn vốn để phát triển theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh cần được quan tâm bố trí, trong đó ưu tiên tăng nguồn vốn đầu tư công đạt 5% tổng đầu tư cho nông nghiệp. Ngoài ra, thành phố kiên trì đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo thuận lợi cho thành phố được hưởng các cơ chế chính sách đặc thù, tạo thêm nguồn lực cho Đà Nẵng đầu tư phát triển..
TRƯỜNG SƠN