Đầu năm 2020, Công ty CP Công nghệ Thông minh và Sáng tạo (Sitech, địa chỉ tại quận Hải Châu) đã ra mắt sản phẩm phao quan trắc nước biển tự động được thiết kế hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư người Đà Nẵng, giá thành chỉ bằng khoảng 20% so với phao ngoại nhập có tính năng tương tự.
Hình ảnh phao quan trắc nước tự động của Công ty CP Công nghệ Thông minh và Sáng tạo. Ảnh: PHONG LAN |
Những người dân ở gần khu vực cảng Liên Chiểu từng ngạc nhiên khi thấy một dụng cụ màu vàng, đáy hình tròn, cao khoảng 4 mét được thả nổi trên mặt biển trong suốt vài tuần lễ. Đây chính là chiếc phao quan trắc nước biển do Công ty Sitech phát triển, có khả năng thu thập các thông số liên quan đến chất lượng môi trường nước biển và tự động gửi kết quả đo theo thời gian thực đến đơn vị quản lý. Đặc biệt, đây cũng là chiếc phao “made in Việt Nam” đầu tiên trên cả nước, do người Việt làm chủ công nghệ, quy trình lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Công ty Sitech cho biết, đội ngũ kỹ sư của công ty bắt tay vào việc nghiên cứu, thiết kế chiếc phao từ hơn 1 năm trước. Ông nói: “Từ trước đến nay, chúng ta thường đánh giá chất lượng nước biển bằng phương pháp lấy mẫu, được thực hiện 3-6 tháng/lần. Cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu nước biển thủ công bằng các thiết bị chuyên dụng, phân tích tại phòng thí nghiệm và vài ngày sau mới có kết quả. Cách làm này không giúp theo dõi chất lượng môi trường nước biển liên tục và theo thời gian thực, còn nếu đầu tư máy quan trắc tự động của nước ngoài phải bỏ chi phí lớn mà lại không chủ động về lắp đặt, bảo dưỡng”.
Sau hơn 1 năm, chiếc phao quan trắc nước biển tự động “made in Việt Nam” đầu tiên ra đời. Phao gồm bộ cảm biến, thiết bị làm sạch cảm biến tự động, bộ thu thập dữ liệu kết hợp vi xử lý đọc giá trị từ cảm biến, hệ thống pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho phao hoạt động, hệ thống cảnh báo chống trộm... Phao được thử nghiệm ở vùng nước cảng biển Liên Chiểu.
Mọi thông số phao ghi nhận được truyền về phần mềm quản lý thông qua kết nối 3G, 4G, GPRS hoặc SMS. Phần mềm được xây dựng dưới dạng trang web có thể hiển thị dữ liệu theo dạng bảng, biểu đồ, bản đồ hoặc xuất giá trị ra tập tin Excel. Phần mềm cũng có chức năng báo động khi một thông số vượt ngưỡng, tự động cảnh báo sớm về các sự cố môi trường...
Theo ông Sơn, thách thức lớn nhất trong quá trình thiết kế và xây dựng chiếc phao này là phải tính toán sao cho nó có thể nổi thẳng đứng trong điều kiện sóng biển liên tục. Ông Sơn chia sẻ: “Trong quá trình thử nghiệm, chiếc phao liên tục phải chịu những đợt sóng cao 3-4m.
Đội ngũ kỹ sư phải tính toán các yếu tố thủy động lực học, tạo sự cân bằng cơ học để phao không bị lật. Ngoài ra, phải làm sao để phao không bị nước biển ăn mòn. Đây là bài toán khó, song Sitech đã giải thành công”. Dự kiến giá thành của một chiếc phao (kể cả chi phí lắp đặt, tích hợp các chức năng) là khoảng 1 - 1,2 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 7 - 10 tỷ đồng của các phao ngoại nhập có chức năng tương tự. Bên cạnh đó, phao “made in Việt Nam” còn có lợi thế ở khả năng tùy biến, tích hợp vào hệ thống dễ dàng. Ngoài ra, có nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ vận hành, xử lý các sự cố kỹ thuật về lâu dài.
Đầu tháng 7, sản phẩm “Phao quan trắc nước tự động” của Công ty Sitech được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho Công ty Sitech. Hiện nay, Sitech đang triển khai thương mại hóa sản phẩm tại Đà Nẵng và một số địa phương như Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh.
PHONG LAN