Xu hướng báo chí phát triển trên nền tảng công nghệ số được các báo trong nước đề cập nhiều trong những năm gần đây. Nhưng để phát triển và tồn tại được trong xu hướng báo chí đa nền tảng như hiện nay, các cơ quan báo chí cần tiến một bước dài trên con đường làm mới chính mình.
Báo chí phát triển đa nền tảng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí. Ở Đà Nẵng, các tòa soạn, các cơ quan báo chí thường trú cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Mỗi nơi đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo, hỗ trợ để lực lượng phóng viên có thể phát huy hết khả năng tìm kiếm thông tin, ứng dụng công nghệ số sản xuất ra các sản phẩm báo chí, phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng.
Ảnh: ANH DUY |
Truyền thông số là xu hướng tất yếu
Trong suốt thời gian tác nghiệp phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tháng 5 vừa qua, nhóm phóng viên Báo Đà Nẵng bắt đầu tự quay và dựng những video clip ngắn về bầu cử. Những câu hướng dẫn cụ thể nhất được gửi lên nhóm, yêu cầu quay toàn cảnh, trung cảnh và cận cảnh. Những cảnh quay ngắn bằng điện thoại, chỉ từ 8-15 giây được một thành viên trong nhóm dựng thành một video dài chừng 2 phút.
Làm nhiều rồi quen, suốt hơn 2 tuần sau đó, chúng tôi vừa viết, vừa quay phim. Các cảnh quay cũng nhiều hơn, chỉn chu hơn, người dựng cũng thành thạo hơn. Chưa đo được sự phản hồi của công chúng, song chúng tôi cảm thấy phải tự học nhiều hơn, làm mới mình trong quá trình tác nghiệp, nếu không muốn tụt lại phía sau so với đồng nghiệp các báo khác.
Làm thế nào để tác phẩm của mình, của tòa soạn mình đến với đa dạng công chúng, có lẽ không phải là trăn trở của riêng một nhà báo yêu nghề, mà là các kế hoạch cần sớm triển khai của các cơ quan báo chí, nếu muốn tồn tại trong xu hướng phát triển hiện nay.
Phát thanh từng được đánh giá ngày càng thu hẹp khi internet phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam hơn 10 năm trước, nhưng bằng sự đổi thay trong cả quá trình tác nghiệp lẫn phong cách thể hiện, phát thanh trở nên gần gũi và được đông đảo khán giả tiếp cận.
Theo báo cáo về “Thị trường ứng dụng di động 2021” do Appota phát hành, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G. Đây chính là lợi thế để phát thanh tiếp cận khán giả. Qua nền tảng số, Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập các kênh VOV phát cả video, chương trình phát trực tiếp ngày càng nhiều hơn, phát qua nền tảng Podcast (là một series các tập tin âm thanh hoặc video số mà người dùng có thể tải về và nghe), được người sử dụng ô-tô ứng dụng nhiều nhất.
Năm 2019, Đài Truyền hình Việt Nam thiết lập hệ truyền hình trực tuyến VTVgo. Một năm sau đó, VTV8, chi nhánh miền Trung có kênh riêng trên VTVgo. Nhà báo Trương Duy Hòa, Trưởng phòng Thư ký biên tập, VTV8 chia sẻ, hiện nay các cơ quan báo chí không thể áp đặt được khán giả, chỉ có thể đi theo xu hướng, ở đây là xu hướng báo chí chạy trên nền tảng số. Vì vậy, các chương trình của VTV bắt đầu chạy trên các nền tảng Tiktok, Zalo. Trên Fanpage của Đài thực hiện việc quảng bá và phát sóng trực tiếp các chương trình quan trọng hoặc có tính tương tác (thay vì trước đây sử dụng đường dây nóng của chương trình).
Hiện nay, mỗi phóng viên đều có thể tác nghiệp đa phương tiện khi các cơ quan báo chí xây dựng nền tảng công nghệ số, tác phẩm báo chí chạy trên nhiều nền tảng khác nhau. Ảnh: XUÂN SƠN |
Đầu tư về con người và khoa học kỹ thuật
Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations) năm 2011 đã nói đến “Tương lai hay là chết” trong một báo cáo về phát thanh, truyền hình công. Qua trò chuyện với nhiều nhà báo về xu hướng phát triển của báo chí hiện nay, họ cũng nói về cụm từ này để nhắc nhớ việc phải luôn đổi mới, sáng tạo, dẫn dắt các xu hướng mới, làm mới mỗi bản tin, mỗi chương trình nếu muốn giữ chân công chúng. Và làm thế nào để tồn tại được trong điều kiện cạnh tranh thông tin như hiện nay.
Nhà báo Phạm Tấn Tư, Giám đốc Cơ quan thường trú VOV miền Trung chia sẻ, hiện nay khán giả không còn phải nghe đài qua đài bán dẫn, mà trên chiếc điện thoại cầm tay, có thể xem, đọc, nghe phát thanh và truyền hình được tích hợp trên tờ báo điện tử. Và với lợi thế là tính tương tác của phát thanh, cùng với đặc thù âm thanh, giọng nói, giai điệu, khán giả có thể đồng hành cùng tác giả và người thể hiện trong nhiều chương trình khác nhau. “Sử dụng internet và mạng xã hội làm “cổng ra” của báo chí chính thống, công nghệ di động và các thiết bị đầu cuối di động giúp tác phẩm đến với công chúng nhanh, mạnh mẽ hơn”, ông Phạm Tấn Tư nói.
Các phóng viên, biên tập viên VTV8 trong một lần tác nghiệp. Ảnh: MINH TÂY |
Có thể nói, mỗi nhà báo trong quá trình tác nghiệp của mình, cũng đa năng hơn, sử dụng thành thạo các thiết bị máy móc để có thể ghi âm, ghi hình; sau đó biết cách xử lý thông tin để đẩy lên các nền tảng số như Youtube, Tiktok, Zalo, Facebook, Twitter…
Đi đầu trong việc ứng dụng nền tảng số cho công nghệ báo chí, có vẻ như truyền hình có nhiều lợi thế. Song nhiều nhà báo thẳng thắn nhìn nhận, cơ hội chia đều cho mỗi loại hình báo chí, điều còn lại là ai biết nắm bắt cơ hội nhanh nhạy để đáp ứng nhu cầu thông tin, người đó sẽ thu hút công chúng; đồng nghĩa với việc có thể sống tốt trong điều kiện công chúng trả tiền cho sản phẩm báo chí đó.
Nhà báo Trương Duy Hòa chia sẻ, truyền hình ở phiên bản nền tảng số đi theo nguyên tắc 3 giây đầu tiên là hình ảnh ấn tượng nhất, rút ngắn còn dưới 5 phút và chuyển tải được nội dung cơ bản. Ở VTVgo là bản đầy đủ, thì với Tiktok chỉ đưa một đoạn ngắn và dẫn đường link qua nền tảng đầy đủ hơn. “Kỹ năng và tư duy của phóng viên phải thay đổi nếu muốn áp dụng nền tảng số, điều đó bắt buộc chúng tôi phải học rất nhiều. Từ lãnh đạo đến người làm trực tiếp đều phải học. Mỗi năm chúng tôi có 1-2 chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho phóng viên, biên tập viên. Hai năm nay ảnh hưởng dịch bệnh, chúng tôi đào tạo trực tuyến, giảng viên được mời là những nhà báo kỳ cựu của một số hãng thông tấn lớn trên thế giới. Ngoài ra, những buổi đào tạo kỹ năng thực hành về sản xuất và tổ chức sản xuất chương trình được mở thường xuyên để phóng viên học hỏi”, ông Hòa cho biết.
Làm thế nào để tác phẩm của mình, của tòa soạn mình đến với đa dạng công chúng, có lẽ không phải là trăn trở của riêng một nhà báo yêu nghề, mà là các kế hoạch cần sớm triển khai của các cơ quan báo chí, nếu muốn tồn tại trong xu hướng phát triển hiện nay. |
Đổi mới tư duy để tiếp tục tồn tại, điều này đặt ra thách thức đối với mỗi cơ quan báo chí, nhất là với những nơi phải tự nuôi sống bản thân. Với báo in, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí - Tuyên truyền cho rằng, việc in ấn làm báo in không thể nhanh như phát thanh, truyền hình, nên ngoài việc phát triển trên nền tảng số để đăng tải tin, bài, video, mỗi bài báo trên tờ báo in cần bảo đảm tính chuyên sâu, chính xác, phải mang tính bình luận sắc bén, chứ đưa thông tin như kiểu phản ánh sẽ không thể thu hút bạn đọc. Ngoài ra, với việc áp dụng thông tin đồ họa, làm bài theo kiểu cửa sổ thông tin sẽ đưa lại một món ăn mới mà báo in có thể làm được để thu hút độc giả.
Xu hướng số hóa giúp các tòa soạn báo đề ra cách thức thay đổi, ứng phó phù hợp nếu không sẽ bị tụt hậu, đi sau mạng xã hội. Trong kỷ nguyên số, mỗi tòa soạn vẫn có thể tồn tại một cách vững vàng nếu biết thay đổi phù hợp, ứng dụng công nghệ số trên thế mạnh chất lượng thông tin, muốn thực hiện được điều đó cần có chiến lược đầu tư cả về con người lẫn khoa học kỹ thuật. Lời giải cho yêu cầu với mỗi tòa soạn: phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại.
HOÀNG NHUNG