Truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ buộc các cơ quan báo chí phải đầu tư những nền tảng mới, nhiều tòa soạn báo thay đổi cấu trúc vận hành... Báo in vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của công chúng.
Bạn đọc vẫn dành tình yêu đặc biệt cho báo in. TRONG ẢNH: Các cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 29 Sơn Trà đọc một ấn phấm của Báo Đà Nẵng. Ảnh: THANH TÌNH |
Nhiều người làm báo cũng như độc giả cho rằng, dù có sự cạnh tranh, vượt trội của báo điện tử và mạng xã hội nhưng công chúng vẫn quan tâm báo in vì độc giả luôn cần thông tin chính xác, tin cậy, thuyết phục, nhân văn.
Yêu thích báo in
Là người đọc báo in từ những năm còn là học sinh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật, Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước - nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm cho biết, hồi đó ông mê báo in đến nỗi cuối tuần nào cũng ngóng đợi các anh chị đi làm mang về cho ông một tờ báo. Rồi từ thích đọc báo, ông Khiêm nghiền ngẫm và tập tành làm thơ, viết truyện ngắn cộng tác với các báo. Lúc lớn lên, đi làm, tuy công việc bận rộn nhưng ngày nào ông Khiêm cũng dành ít nhất 30 phút mỗi sáng để đọc báo, nghe đài, xem tivi, lướt web.
Hiện nay, các phương tiện truyền thông bùng nổ và phát triển mạnh mẽ hơn trước, hỗ trợ rất nhiều cho việc đọc báo của bạn đọc nhưng đối với ông Khiêm, báo in vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu. “Thể loại báo chí nào cũng có một giá trị riêng. Nhiều lúc bận bịu quá, tôi đọc báo điện tử để nắm bắt thông tin; khi rảnh rỗi hơn, tôi đọc báo in. Ở báo in, tôi rất thích đọc những bài viết có chiều sâu, có câu chuyện, các bài phóng sự, tùy bút… ”, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm chia sẻ.
Là độc giả trẻ “mê” báo in, chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng chia sẻ, chị thích đọc báo từ lúc còn nhỏ do cả gia đình đều đam mê đọc sách, báo. “Tôi nghĩ nếp sinh hoạt gia đình đóng vai trò quan trọng và quyết định việc người trẻ có thích đọc báo hay không. Gia đình tôi thường quây quần cùng đọc báo, trao đổi thông tin, bình luận, tranh luận về các sự kiện trên báo mỗi ngày. Khi đọc một bài viết trên báo in, tôi vẫn thích hơn là lăn chuột để đọc trên máy vi tính hay đọc lướt trên điện thoại. Hồi đi học, tôi cũng tập tành viết bài gửi cộng tác cho các báo. Tuy bài của tôi không được đăng nhưng khi đọc báo thấy mục “Cảm ơn bạn đọc đã gửi bài” có tên mình, với tôi đó là một cảm giác rất thú vị”, chị Thảo bộc bạch.
Báo in không chỉ hấp dẫn đối với bạn đọc mà ngay cả những người làm báo vẫn mong muốn mỗi sáng thức dậy được cầm trên tay tờ báo in. Phóng viên Báo Tiền Phong Lê Giang Thanh (Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng) có gần 6 năm làm báo cho biết: “Tôi có thói quen đọc báo từ nhỏ do mẹ thường mang về các tờ báo Nhân Dân, Nông nghiệp Việt Nam... Lớn hơn một chút, tôi chọn đọc các báo dành cho lứa tuổi học sinh, sinh viên như Báo Nhi đồng, Mực tím, Hoa học trò, Sinh viên Việt Nam. Niềm yêu thích báo in của tôi có lẽ được nhen nhóm từ tình yêu đối với việc đọc và văn hóa đọc. Vì vậy, tôi đã chọn thi ngành báo in bởi tôi biết thế mạnh của mình là viết, diễn đạt và tư duy logic”.
Chị Giang Thanh cũng cho biết, trong xu thế hiện đại, để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, nhiều cơ quan báo chí chú trọng song hành cả báo in lẫn báo điện tử. Là phóng viên, khi làm song song hai loại hình báo chí này, chị Giang Thanh cảm thấy rất áp lực, nhưng phóng viên thời 4.0 phải làm báo đa phương tiện, đa nền tảng; cùng một sự kiện, một vấn đề nhưng phải biết cách tác nghiệp cho báo điện tử khác báo in như thế nào. Chị Giang Thanh dẫn chứng như đợt Covid-19 lần thứ hai xảy ra tại Đà Nẵng hồi tháng 7-2020, mỗi phóng viên đều sống trong dòng chảy thời sự, có những ngày phóng viên phải làm việc từ sáng sớm đến tận nửa đêm, mỗi ngày sản xuất cả chục tin, bài, chùm ảnh, video cho điện tử, nhưng vẫn bảo đảm cập nhật đủ thông tin cho báo in trước 17, 18 giờ hằng ngày.
Thay đổi để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc
Thực tế, truyền thông đa phương tiện và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đang tác động mạnh mẽ đến báo in. Thói quen đọc, nghe, xem của con người cũng thay đổi với sự xuất hiện của những thiết bị di động như smartphone, iPad... Một loạt tờ báo nổi tiếng trên thế giới tuyên bố “Going digital!” (chuyển sang số hóa), tức dừng xuất bản báo in để chuyển sang báo điện tử, trong đó có tờ Newsweek, tờ tuần báo lớn thứ hai của Mỹ (sau tờ Time).
Trong bài viết “Phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay” (Báo chí truyền thông - Những vấn đề trọng yếu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020), PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, dẫn chứng về sự thành công của tờ The New York Times (Mỹ) khi thay đổi mô hình kinh doanh báo in: tích hợp công nghệ số làm nền tảng, tập trung thế mạnh truyền thống là chất lượng thông tin. Chiến lược của The New York Times là cung cấp những câu chuyện đa chiều và đủ mạnh để thu hút hàng triệu người sẵn sàng trả tiền để được đọc. Năm 2019, New York Times đạt trên 4,5 triệu người trả tiền (cả báo in lẫn phiên bản kỹ thuật số). Thành công của The New York Times là điển hình cho thấy, trong kỷ nguyên số, báo in vẫn tồn tại vững vàng nếu biết thay đổi phù hợp.
Báo in cần thay đổi để phù hợp hơn với thị hiếu của công chúng. Ảnh: THANH TÌNH |
Ở Việt Nam, báo in cũng đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều cơ quan báo chí đã chuyển đổi mô hình tòa soạn từ truyền thống (báo in thuần túy hoặc báo in có phiên bản điện tử) sang mô hình tòa soạn hội tụ (converged newsroom) và từng bước thay đổi cách làm báo ngày càng hiện đại hơn. Các tòa soạn báo đã phải tổ chức lại bộ máy và quy trình tác nghiệp. Thực tế cho thấy, trên báo in ngày nay không còn dày đặc chữ và ít hình ảnh như trước đây; thay vào đó, nhiều tờ báo đã tận dụng tối đa thế mạnh của báo chí dữ liệu, sử dụng hiệu quả tranh, ảnh, biểu đồ, đồ họa để biểu đạt thông tin.
Là độc giả trung thành với báo in, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm cho rằng, báo in cần thay đổi từ hình thức đến nội dung, chẳng hạn không dùng khổ A2 mà nên dùng khổ A3 thông thường, cỡ chữ to hơn; nội dung cần tinh tế hơn, ưu tiên thông tin, hình ảnh, đồ họa hơn chữ... Còn chị Nguyễn Thị Anh Thảo mong muốn ngoài các bài viết về những vấn đề thời sự, báo in cần tăng thêm các góc thông tin về kỹ năng sống hay tản văn, những bài bình luận, những câu chuyện nhân văn, phóng sự/ký sự nhân vật về những con người đang âm thầm làm đẹp cho đời, qua đó khơi gợi tính nhân văn, hướng thiện...
Phóng viên Giang Thanh nhìn nhận, khi thế mạnh nhanh, nóng đã không còn thuộc về báo in, nhiều báo đã đi sâu vào chất lượng nội dung để tạo lợi thế cạnh tranh. Các chuyên đề, phân tích, bình luận được các báo in triển khai nhiều hơn, cung cấp đến độc giả những thông tin sâu, đa chiều, toàn diện khiến độc giả vẫn muốn chọn báo in để đọc. Theo đó, nhà báo/phóng viên không chỉ cần kỹ năng tác nghiệp, mà còn cần tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy phân tích chiều sâu.
Về sự thay đổi của báo in thời 4.0, ông Hoàng Khánh Hưng, Trưởng phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho rằng, truyền thông xã hội phát triển kéo theo báo chí công dân xuất hiện, góp phần tạo ra một không gian công chúng toàn cầu (global public sphere), không chỉ báo in giảm số lượng phát hành mà lượt người đọc trên báo điện tử của một số báo cũng giảm mạnh. Báo in tất nhiên vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả. Nhưng điều mà báo in cần làm có lẽ là hướng đến những bài viết có thông tin dày dặn, có chiều sâu, thậm chí có những tin độc quyền để níu chân độc giả.
THANH TÌNH