Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm có hướng dẫn quy trình ứng cứu, xử lý sự cố tấn công mạng cho các cơ quan báo chí tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Những ngày gần đây, các cơ quan truyền thông, báo chí đã phản ánh tình trạng một số báo điện tử tại Việt Nam bị hacker tấn công có chủ đích, gây gián đoạn truy cập.
Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, qua phân tích, đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 cơ quan báo chí trên lần lượt bị tấn công vào trưa ngày 12-6 và trưa ngày 15-6. Như vậy, hiện tại chưa có dấu hiệu cho thấy đang có chiến dịch tấn công mạng ồ ạt vào các cơ quan báo chí.
Với sự hỗ trợ sớm của các cơ quan chuyên trách về an toàn thông tin, các nhà mạng và sự chủ động tăng cường các giải pháp bảo mật, nhân lực kỹ thuật ứng trực của đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng, ngay sau đó, các trang báo điện tử đều đã hoạt động trở lại bình thường.
Trên thực tế, hiện nay bên cạnh các cơ quan báo chí nhận thức rõ tầm quan trọng và đã quan tâm đến vấn đề an toàn, an ninh mạng, vẫn có những cơ quan báo chí còn chưa quan tâm.
Đây cũng chính là lý do lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục An toàn thông tin làm đầu mối chủ trì hỗ trợ các cơ quan báo chí báo trong việc xử lý, khắc phục sự cố mất an toàn thông tin.
Cục An toàn thông tin hiện đã có đủ hành lang pháp lý để triển khai hoạt động điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó, với khâu ứng cứu, xử lý để đưa hệ thống hoạt động trở lại bình thường, hiện nhiệm vụ đầu mối điều phối do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) đảm trách. Các quy định về quy trình ứng cứu, xử lý sự cố an toàn thông tin cho các hệ thống ở mức thường, mức quan trọng đều đã có.
Việc Cục An toàn thông tin đang tập trung làm là hướng dẫn cụ thể hơn quy trình ứng cứu, xử lý sự cố dùng chung trong Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia để có quy trình dành riêng cho hơn 800 cơ quan báo chí.
Quy trình ứng cứu, xử lý sự cố cho các cơ quan báo chí này dự kiến sẽ thiết lập kênh giao tiếp để phối hợp thời gian thực giữa Cục và đầu mối chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin của các cơ quan báo chí. Các báo cũng sẽ được hướng dẫn những loại thông tin gì cần được chia sẻ liên tục để Cục có thể hỗ trợ ứng cứu, xử lý sự cố một cách sớm nhất.
“Quy trình ứng cứu, xử lý sự cố cho các cơ quan báo chí đang được Cục tập trung xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và trình Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, ban hành trong tuần sau,” đại diện Cục An toàn thông tin cho biết.
Trong thời gian chưa ra quy trình ứng cứu, xử lý riêng cho các cơ quan báo chí, khi nghi ngờ bị tấn công mạng, các báo có thể liên hệ tới đường dây nóng của Cục An toàn thông tin 0339035656 hoặc địa chỉ thư điện tử ais@mic.gov.vn.
Thậm chí, các phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí khi nhận được các tin nhắn đe dọa, bị vu khống… có thể liên hệ với Cục An toàn thông tin để được hỗ trợ.
Theo Vietnam+