Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

.

Thời gian gần đây, khái niệm chuyển đổi số trong nông nghiệp liên tục được nhắc đến bởi ảnh hưởng của Covid-19 khiến xuất khẩu nông sản ùn ứ do không tìm được đầu ra. Đã đến lúc, người nông dân phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp và chuyển đổi số chính là chìa khóa giúp tạo ra nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng giá thành cao.

Nông dân Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm chăm vườn rau tại trang trại. Ảnh: QUỲNH TRANG
Nông dân Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm chăm vườn rau tại trang trại. Ảnh: QUỲNH TRANG

Phát triển nền nông nghiệp thông minh

Giá cả sản phẩm nói chung, nông sản nói riêng phần lớn do quy luật điều tiết của thị trường; tức là phụ thuộc vào nguồn cung, cầu và phụ thuộc vào năng lực, công nghệ sản xuất, mùa vụ sản xuất. Bên cạnh việc đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Câu chuyện chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.

Ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm cho hay, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số. Cụ thể, ngành đã tham mưu thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất như Nghị quyết số 329/2020/NQ- HĐND về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Đà Nẵng; một số đề án như: sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ… Trên cơ sở đó, góp phần chuyển đổi dần tư duy sản xuất của nông dân (thông qua mô hình khuyến nông, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về sản xuất và thị trường cho nông dân…), đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), trước đây, nông dân sản xuất theo kinh nghiệm, ai biết việc của người nấy nhưng ở thời đại số-dữ liệu số, càng chia sẻ thì càng có giá trị, nhiều người dùng thì dữ liệu sẽ lớn hơn và hình thành một hệ sinh thái. Đã đến lúc nông dân huyện Hòa Vang cần liên kết lại và tuân thủ sản xuất theo một quy trình quy chuẩn phù hợp nhất (có thể do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, hay Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang chủ trì) để tạo thành chuỗi liên kết có uy tín.

“Chuyển đổi số còn cho phép so sánh giá ở nhiều nơi, làm được việc này sẽ không còn ép giá. Chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý”, ông Phương nói.

Ông Đặng Văn Hồng cho biết thêm: “Thời gian đến, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai các đề án thành phố đã phê duyệt; đồng thời tăng cường triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin dự báo thị trường, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp của thành phố thông qua giao dịch mua bán sản phẩm nông nghiệp bằng các ứng dụng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, hội chợ, phiên chợ nông sản…”.

Tăng tốc ứng dụng chuyển đổi số

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QÐ-TTG về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã đạt những kết quả khả quan song còn đối mặt với một số thách thức: cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; phần lớn nông, ngư dân hiện nay còn hạn chế về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và khả năng tiếp cận dịch vụ CNTT của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; do đó gây khó khăn trong việc triển khai các ứng dụng, phần mềm cũng như việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết: “Chuyển đổi số trong nông nghiêp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong cơ cấu ngành”.

Theo đó, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số...; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.

Mục tiêu cụ thể của ngành nông nghiệp trong thời gian đến là 50% nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng; 50% tỷ lệ doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh;100% sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của ngành nông nghiệp được kinh doanh qua mạng.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là cần thiết, vì vậy các ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm, có phương án hỗ trợ, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp… để giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất theo xu hướng xây dựng nền nông nghiệp thông minh, thành phố thông minh.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.