Chợ 4.0 là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua, bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ truyền thống.
Chỉ với thao tác quét mã VietQR đơn giản, người đi chợ dễ dàng thanh toán khi mua hàng tại chợ. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Mới đây, Sở Công Thương phối hợp Tập đoàn Viễn thông quân đội - Viettel tổ chức ra mắt mô hình chợ 4.0 tại chợ Cồn. Với mô hình này, người dân và du khách đi chợ chỉ cần quét mã VietQR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money để thanh toán khi mua hàng. Khách hàng chỉ cần quét mã VietQR trên E-banking của ngân hàng mình sử dụng, nhập số tiền cần thanh toán và hoàn thành giao dịch mua bán.
Tiện lợi, dễ sử dụng
Tại quầy hàng gia vị khô, thực phẩm chay của bà Lê Thị Quỳnh Châu (chợ Cồn), sau khi mua lỉnh kỉnh đồ đạc, nhóm du khách bắt đầu tính tiền, mất nhiều thời gian. Thấy vậy, bà Châu góp lời: “Nếu không đủ tiền mặt thì mọi người có thể quét mã QR qua ứng dụng này…”. Như vậy, với các thao tác đơn giản trên điện thoại di động, khách hàng chỉ mất 2 phút để hoàn thiện thanh toán. “Việc quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money rất tiện, nhất là khi mua bán với khách du lịch, vì thường du khách rất ngại khi phải mang theo nhiều tiền đến nơi đông đúc như chợ. Người mua chuyển tiền vào tài khoản mình, mình thanh toán tiền hàng qua ứng dụng luôn nên rất nhanh”, bà Châu nói.
Tương tự, tại quầy hàng giò chả bà Khuyên (chợ Cồn), khách hàng thích thú thử ứng dụng mới và việc thanh toán diễn ra rất nhanh. Bà Khuyên cho hay, trước đây, mỗi ngày đi bán, bà phải mang theo nhiều tiền lẻ để thối lại cho khách, chưa kể sau mỗi ngày bán, một vài tờ tiền giấy bị rách, khách thì không thích nhận lại tiền cũ, tiền rách nên hao hụt nhiều. Hiện, những cô bác lớn tuổi chưa thạo với máy móc nên chưa sử dụng ứng dụng này nhiều. Tuy nhiên, đây là cách thanh toán mà khách du lịch thường xuyên sử dụng, cứ 10 du khách thì có đến 7, 8 người quét mã khi mua hàng.
Nhân rộng mô hình
Hiện nay, Viettel Đà Nẵng đã xây dựng các điểm nạp/rút tiền trong chợ và xung quanh chợ; trang bị mã VietQR cho hơn 1.000 tiểu thương tại chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa; kết nối với 37 ngân hàng và các ví điện tử tại tài khoản Viettel Money để hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng mọi lúc, mọi nơi.
Mô hình này khá thuận tiện bởi người dùng có thể tự cài đặt, chưa kể ứng dụng này liên kết được với tất cả các ngân hàng trên toàn quốc sử dụng nguồn tiền đó. Được biết, chỉ trong 2 tháng đầu tiên, hơn 1.000 tiểu thương tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa đã đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money và số người đăng ký gia tăng từng ngày.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết: “Sau Covid-19, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng đáng kể bởi mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Trước xu thế đó, nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ trực thuộc Sở Công Thương quản lý, sở phối hợp Viettel Đà Nẵng triển khai mô hình chợ 4.0. Toàn bộ tiểu thương, người dân có thể mua bán nhiều mặt hàng tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua ứng dụng Viettel Money”.
Thời gian đến, Sở Công Thương cùng Viettel Đà Nẵng tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này tại một số chợ trên địa bàn nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân đi chợ quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời thực hiện một số hoạt động hỗ trợ tiểu thương đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử VOSO nhằm thúc đẩy hoạt động bán hàng trên các nền tảng xã hội, thương mại điện tử; tạo một điểm Bưu chính Viettel tại chợ để hỗ trợ tiểu thương hay khách hàng thuận lợi và nhanh chóng trong việc gửi và nhận hàng hóa. “Chúng tôi hy vọng các chương trình sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng, tạo hiệu ứng lan tỏa; đồng thời cũng mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tiểu thương, khách hàng để chương trình đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra”, ông Hạnh cho biết.
QUỲNH TRANG
Ngày 26-10-2021, Tập đoàn Viettel ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025 với UBND thành phố Đà Nẵng, mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Đà Nẵng và Tập đoàn Viettel. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, Viettel chủ động phát triển hệ sinh thái số cho ngành thương mại với các giải pháp triển lãm ảo giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chợ thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ giới thiệu, bán hàng trên sàn thương mại điện tử VOSO… Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tiêu dùng thông minh của thành phố Đà Nẵng; nhất là trong giai đoạn diễn biến phức tạp của Covid-19 đã thay đổi toàn bộ hành vi của người tiêu dùng chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng đáng kể khi mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. |