Con chỉ mong đến ngày thứ bảy...

.

Đều đặn suốt 4 năm nay, cứ đến ngày thứ bảy hằng tuần, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Sống độc lập lại về Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố (số 64 Đống Đa) để sinh hoạt. Đây không chỉ là ngôi nhà chung của những đứa trẻ bị khuyết tật trí tuệ mà còn là nơi gửi gắm niềm hy vọng của các phụ huynh.

Một thành viên mới của CLB Sống độc lập đang được trị liệu tâm lý.
Một thành viên mới của CLB Sống độc lập đang được trị liệu tâm lý.

Vừa tròn 18 tuổi, em B. có ngoại hình xinh xắn, trắng trẻo nhưng lại bị bệnh lý về trí nhớ. B. cho biết: “Mẹ nói con bị bệnh không nhớ được. Học lớp 1 con phải học hai năm nhưng cũng không được lên lớp nên con phải xin vào Trường chuyên biệt Tương Lai. 4 năm nay con được ba mẹ đưa vào sinh hoạt tại CLB Sống độc lập nên con rất vui.

Ở đây con được mấy cô chú dạy vẽ tranh, xé giấy dán tranh, tô màu, rồi đưa đi chợ mua thức ăn nữa”. Thấy chúng tôi trò chuyện vui vẻ, bé K., một trẻ bị bệnh tăng động giảm tập trung cũng tham gia câu chuyện bằng việc chìa một tờ giấy rồi khoe: “Tranh con tô đó, đẹp không chú!”.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng (nhà ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu), một phụ huynh có con sinh hoạt tại đây chia sẻ: “Trong 2 năm đầu đời, đứa con thứ 3 của tôi phát triển bình thường, nhưng sau đó lại bộc lộ khuyết tật trí tuệ. Cháu không thể tập trung và khi không vừa lòng việc gì là đập phá, la hét. Tôi đã phải nghỉ làm để đưa con điều trị khắp nơi nhưng vẫn chưa giảm được bao nhiêu. Rất may có người quen giới thiệu cháu đến đây. Hiện tại, cháu đang trong quá trình trị liệu tâm lý, sau đó mới sinh hoạt chung CLB, nhưng cháu đã tiến bộ rất nhiều, thậm chí cứ đến sáng thứ bảy là cháu giục tôi đưa cháu đi sinh hoạt”.

Chị Trần Như Ngọc, phụ trách CLB cho hay: “10 thành viên của CLB đều chung tình trạng là khuyết tật trí tuệ, với các loại bệnh phổ biến: down, tăng động, tự kỷ, mất tập trung... Thời gian đầu vào đây, các em “quậy” rất nhiều nên chúng tôi đã dành quỹ thời gian một vài tháng để trị liệu tâm lý, với chế độ một thầy kèm một trò.

Đến khi các em tạm ổn mới đưa vào sinh hoạt chung. Đây là giai đoạn khổ cực nhất, vì có khi cả tháng trị liệu tâm lý các em chỉ có la, khóc và đập phá. Tuy nhiên, với tình yêu thương cùng sự kiên trì và tiếp cận có phương pháp của đội ngũ nhân viên, hầu hết các em đã khá lên”.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố cho biết thêm, những ai có con bị khuyết tật trí tuệ mới thấu hiểu sự nhọc nhằn trong việc nuôi dạy con. Chỉ cần việc yêu cầu các con ngồi yên để ba mẹ cho ăn cũng là điều cực kỳ vất vả.

Chính vì vậy, khi các bậc phụ huynh nhìn con mình say sưa tô tranh, xé giấy dán tranh, thậm chí quét nhà, sắp xếp bàn ghế đều cảm nhận niềm vui vô cùng lớn. Tuy nhiên, do làm thí điểm nên hiện tại Trung tâm hạn chế tiếp nhận thành viên mới mà chủ yếu tập trung hoàn thiện mô hình, sau đó nhân rộng ra địa phương khác.

Đến nay, đã có thêm quận Ngũ Hành Sơn vừa thành lập CLB Sống độc lập với 6 thành viên. Tiến tới mô hình được nhân rộng ra khắp các quận, huyện và có thể xuống xã, phường, vì với hơn 1.000 trẻ em khuyết tật trí tuệ, việc CLB chỉ dừng lại ở cấp quận, huyện là không đáp ứng nhu cầu thực tế.   

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.