Cơm thơm nồng ấm nghĩa tình

.

ĐNO - Định kỳ 2 lần/tháng, Sumi&Suki – Gạo Cỏ Thơm (trụ sở tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) tổ chức chương trình "Suất ăn trợ giá 5.000 đồng/hộp" với mong muốn chia sẻ đến người lao động, người thu nhập thấp những bữa cơm chất lượng, an toàn.

Quầy bán cơm trợ giá vừa được dựng lên liền nhận được sự quan tâm của các bạn sinh viên, những người lao động ở gần đó.  Ảnh: MAI HIỀN
Quầy bán cơm trợ giá vừa dựng lên đã thu hút sự sự quan tâm của các bạn sinh viên, những người lao động ở gần đó. 

Khoảng tầm hơn 10 giờ, ngày 6-4, dưới trời hanh nắng, quầy bán cơm trợ giá được dựng lên ngay trước khu vực cổng Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên (quận Liên Chiểu). Các nhân viên của Sumi & Suki mỗi người một việc: người xới cơm, người cho cơm vào hộp, người lấy thức ăn, người cho hộp cơm vào túi nylon rồi đưa cho khách, người thu tiền mỗi khi có khách ghé đến quầy mua cơm.

Anh Lê Văn Châu (sinh năm 1969, ngụ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), đang làm bảo vệ ở một cửa hàng thiết bị điện tử gần đó ghé quầy mua cơm.

Anh Châu chia sẻ: "Chỗ tôi làm ngay bên kia đường nên khi thấy tấm biến "Suất cơm trợ giá 5.000 đồng/hộp" tôi tranh thủ ghé mua để ăn trưa. Ngày thường, một phần cơm của tôi ăn có giá 15.000 đồng nên nay mua được phần cơm rẻ hơn đến 10.000 đồng, tôi mừng lắm. Đây là lần đầu tiên tôi mua cơm của chương trình nên không biết ngon dở ra sao nhưng nhìn qua thì khá bắt mắt. Phần cơm của tôi có cá kho, thịt kho, rau muống xào và canh bí đao nấu tép".

Vừa lúc tan học, anh Đặng Ph. (sinh viên năm 4, khoa Quản lý Dự án, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã nhìn thấy ngay dòng chữ “Suất ăn trợ giá 5.000 đồng/hộp” nên cũng vội ghé đến mua cơm.

“So với phần cơm tôi ăn bình thường có giá 15.000 đồng thì suất cơm 5.000 đồng này vẫn đầy đủ món kho, món xào và canh, tiết kiệm được 10.000 đồng. Với sinh viên chúng tôi, giảm được đồng nào hay đồng đó”, anh Ph. cho hay. 

Một nhân viên của công ty đưa cơm cho một bạn sinh viên ghé mua. Ảnh: MAI HIỀN
Một nhân viên của công ty đưa cơm cho một bạn sinh viên. 

Anh Lê Văn Đông, Tổng Giám đốc Sumi&Suki – Gạo Cỏ Thơm, cũng chính là người đưa ra ý tưởng về chương trình, tâm sự: “Suất ăn trợ giá 5.000 đồng/hộp nằm trong chuyên đề “Nhận diện thương hiệu - Chia sẻ cộng đồng” của công ty. Tính đến nay, chúng tôi đã thực hiện chương trình này 2 lần. Lần 1 tổ chức tại hành lang Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Địa điểm tổ chức sẽ thay đổi liên tục để có thể chia sẻ đến nhiều người hơn. Chương trình “Suất ăn trợ giá” chính là muốn chia sẻ nên thay vì phát cơm miễn phí, chúng tôi quyết định bán cơm trợ giá. Chúng tôi tin rằng, việc chỉ bỏ ra 5.000 đồng để có thể mua một phần cơm sẽ khiến người mua cảm thấy thoải mái, vui vẻ và tự tin hơn khi ghé mua cơm”.

Thực tế, một phần cơm trợ giá này có giá thực đến 20.000 đồng/hộp. Việc nấu cơm và đồ ăn do chị Ngô Thị Hồng Thôi, Phó Giám đốc công ty làm đầu bếp chính cùng với sự giúp sức của các nhân viên trong công ty.

Đồng thời, công ty có kinh doanh về mảng thực phẩm an toàn nên bên cạnh ý nghĩa chia sẻ, công ty còn muốn đem đến cho người lao động, người thu nhập thấp bữa cơm không chỉ ngon mà lành. Từ gạo cho đến các loại thực phẩm chế biến món ăn đều được sử dụng từ nguồn thực phẩm của “Siêu thị lương thực – thực phẩm an toàn Sumi&Suki”.

Các nhân viên trong công ty cùng nhau chuẩn bị cơm, thức ăn.  Ảnh: Công ty TNHH Thực phẩm Sumi&Suki
Các nhân viên trong công ty cùng nhau chuẩn bị cơm, thức ăn. Ảnh: Công ty TNHH Thực phẩm Sumi&Suki

Đặc biệt, trong lần bán cơm trợ giá thứ 2 này, sau khi biết được thông tin chương trình qua Fanpage Gạo Cỏ Thơm (Fanpage của công ty), một bạn có tên facebook là Gốm Mỹ Nghệ đã ủng hộ 2kg cá nục để công ty chế biến thức ăn.

“Nhà ở Hội An nhưng bạn ấy đã tự chạy xe máy, chở cá đem đến tận công ty cho chúng tôi”, anh Đông chia sẻ. Và đây cũng chính là mong muốn của anh Đông.

Tuy không kêu gọi sự ủng hộ, đồng hành nhưng anh Đông luôn mong muốn, chương trình sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn, ngày càng có nhiều mạnh thường quân đồng hành cùng chương trình.

Sau khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, chương trình bán được130 suất cơm thì phải kết thúc vì hết thức ăn trong khi dự định ban đầu sẽ bán 150 suất.

Trước đó, chương trình lần đầu tổ chức bán cũng chỉ bán được 100 suất cơm. “Chúng tôi định lượng thức ăn cho mỗi suất vẫn chưa đều nên cả hai lần tổ chức đều bán được ít hơn so với dự kiến. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm cho những lần sau”, anh Đông nói.

Bài và ảnh: MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.