ĐNO - Vượt qua những con đường lầy lội, trơn trượt do ảnh hưởng của mưa bão, tháng 11 vừa qua, Bệnh viện C Đà Nẵng đã tổ chức hai chuyến thiện nguyện, mang yêu thương đến với bà con xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) và xã Phước Kim (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức thành công chương trình "Hành trình kết nối yêu thương" tại xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) vào ngày 6-11. Ảnh: Bệnh viện C Đà Nẵng |
1. Bệnh viện C về với bà con xã Trà Giác trong những ngày áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 10 gây mưa lớn, đường bị ngập, có những đoạn trơn trượt, sạt lở nguy hiểm mà đoàn tưởng chừng như phải quay đầu trở về. Trước đó, ảnh hưởng từ cơn bão số 9 cùng mưa to liên tục, toàn xã có hàng chục ngôi nhà bị sập hoàn toàn, nhiều ngôi nhà bị tốc mái, nghiêng, siêu vẹo và may mắn không có thiệt hại về người. Đặc biệt, thiên tai đã ảnh hưởng rất lớn đến hoa màu, rừng trồng của bà con. Keo, cao su cùng một số cây trồng khác bị gãy đổ hoàn toàn.
Đường đi khó khăn, trắc trở, nguy hiểm nhưng với quyết tâm phải đến bằng được với người dân, 300 suất quà trị giá hơn 500.000 đồng/suất, gồm lương thực – thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, bút vở, quần áo cũ và mới đã được đoàn trao tận tay bà con xã Trà Giác.
Chị Nguyễn Thị Phương, (SN 1987, dân tộc Ca Dong), một người dân ở xã Trà Giác vui mừng: “Cả hai vợ chồng tôi đều làm nông, thu nhập bấp bênh. Mấy nay bị ảnh hưởng của mưa bão, hoa màu hư hại nhiều, cuộc sống lại thêm khó khăn hơn. Tôi rất mừng và hạnh phúc khi nhận được phần quà từ Bệnh viện C Đà Nẵng”.
Bệnh viện C Đà Nẵng tặng quà cho bà con ở xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) trong chương trình thiện nguyện "Hành trình kết nối yêu thương" vào ngày 6-11. Ảnh: Bệnh viện C Đà Nẵng |
Ông Hồ Ngọc Ân, Chủ tịch UBND xã Trà Giác bày tỏ: “Lãnh đạo địa phương cảm ơn Bệnh viện C Đà Nẵng không quản ngại đường xá, thời tiết bất lợi vẫn đến tặng quà cho bà con. Những món quà ấy thực sự ấm lòng bà con nơi đây. Không chỉ tặng quà, bệnh viện còn cấp phát thuốc miễn phí để bà con sử dụng khi ốm đau trong thời gian bị cô lập”.
Ông Ân cũng cho hay, hiện toàn xã có 760 hộ/3101 nhân khẩu, trên 95% là dân tộc Ca Dong. Bà con ở xã chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng rừng. Một số hộ có thanh niên dưới 35 tuổi được xã vận động, tạo điều kiện đi học nghề, đi làm ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng chia sẻ: “Trong thời gian các tỉnh miền Trung phải hứng chịu thiên tai bão lũ liên miên, bệnh viện đã có kế hoạch sẵn sàng lên đường chi viện và hỗ trợ y tế cho các đơn vị. Ngay sau chuyến công tác cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đến thăm các địa phương bị thiệt hại tại huyện Bắc Trà My ngày 2-11, tôi nhận thấy có rất nhiều điểm cần được hỗ trợ, cần được tiếp sức. Do đó, chúng tôi chọn xã Trà Giác, cũng là một địa điểm bị cô lập trong thời gian dài của huyện Bắc Trà My với mong muốn có thể chia sẻ, tiếp sức để bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.
Trong hành trình kết nối yêu thương với bà con ở xã Trà Giác hôm ấy, bên cạnh 300 suất quà, đoàn còn dành tặng 1.000 quyển vở, 300 bút viết kèm một số dụng cụ học tập, 200 áo ấm cho các em học sinh tại các điểm trường. Ngoài ra, để chia sẻ với các đồng nghiệp tại các cơ sở y tế địa phương, đoàn đã trao tặng Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My, Trung tâm y tế huyện Nam Trà My, Trạm y tế xã Trà Giác mỗi điểm một phần quà bao gồm sữa dinh dưỡng, khẩu trang y tế và nước sát khuẩn tay nhanh. Tổng giá trị quà tặng ước tính hơn 160 triệu đồng.
2. Là đơn vị được Bộ Y tế tin tưởng giao nhiệm vụ hỗ trợ cho các cơ sở y tế trong và ngoài địa bàn thành phố Đà Nẵng khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, ngày 21-11, Bệnh viện C Đà Nẵng đã thực hiện sứ mệnh của mình tại xã Phước Kim ngay sau khi nhận được lời yêu cầu của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn. Tại đây, Bệnh viện C Đà Nẵng đã tổ chức đoàn gồm 30 cán bộ y tế khám kiểm tra, tầm soát một số bệnh lý sau bão lũ mà bà con có nguy cơ mắc phải; tư vấn, giáo dục về cách nhận biết các dấu hiệu và biện pháp vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày để phòng tránh các loại dịch bệnh; cấp phát thuốc miễn phí cho hàng trăm người dân. Ngoài ra, đoàn còn dành tặng 100 suất quà bao gồm cặp sách, vở và dụng cụ học tập kèm áo ấm cho 100 em nhỏ tại xã. Ước tính chi phí cho chuyến đi lần này khoảng gần 100 triệu đồng.
Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức khám, tầm soát bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con ở xã Phước Kim (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) vào ngày 20-11. Ảnh: Bệnh viện C Đà Nẵng |
Ngày đoàn đến với xã Phước Kim, thời tiết nắng ráo, các điểm nút giao thông tắc nghẽn do các điểm sạt lở trên các tuyến đường vừa mới được thông, tuy vậy đoạn đường đến xã vẫn còn rất nhiều điểm lầy lội, sụt lún đang được khắc phục; mạng lưới điện cũng mới được khôi phục; nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại; các điểm trường, trạm y tế bị hư hỏng nặng. Cuộc sống của người dân bị xáo trộn hoàn toàn do bị cô lập trong thời gian dài, sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần của bà con đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đời sống người dân xã vốn dĩ nghèo khó, nay lại chồng chất vô vàn những nỗi lo phía trước.
Đại diện Trạm Y tế xã Phước Kim chia sẻ: “Bà con ở đây phần lớn là dân tộc Giẻ -Triêng, chủ yếu làm nông, cuộc sống còn rất khó khăn. Khi được Bệnh viện C về khám, cấp phát thuốc miễn phí rồi còn tặng quà, bà con ai cũng vui mừng”.
Ngoài ra, tháng 11 vừa qua, Hội Cựu chiến binh Bệnh viện C Đà Nẵng phối hợp Đoàn Thanh niên Bệnh viện tổ chức khám, tầm soát bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho khoảng 100 đối tượng chính sách ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang); Đoàn Thanh niên Bệnh viện phối hợp Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực miền Trung (VOV miền Trung), Agribank miền Trung tổ chức khám, tầm soát bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho bà con ở xã A Xan (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).
Ông Thiện cho hay: “Trong thời gian đến, Bệnh viện C Đà Nẵng tiếp tục công tác thiện nguyện đến với những khu vực đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng bằng các hình thức như khám, phát thuốc hoặc tặng quà, tặng nhu yếu phẩm cho bà con. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng đưa công tác thiện nguyện đi sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu thực sự của người dân như tăng cường công tác tầm soát bệnh và tư vấn bệnh, tư vấn các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa bệnh; đồng thời tìm hiểu những thiếu thốn bức thiết nhất của bà con để có thể cân đối và hỗ trợ đúng những gì mà bà con đang thật sự thiếu”.
MAI HIỀN