ĐNO - Hơn 4 năm qua, Quỹ Hỗ trợ học đường “Lê Quý Đôn - Nối vòng tay lớn” do một số cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sáng lập đều đặn hỗ trợ tiền hằng tháng, thắp lửa nghị lực cho các em học sinh khó khăn đang theo học tại trường từ nguồn đóng góp của các cựu học sinh.
Chị Quỳnh Hương (ngoài cùng bên trái) đang hỏi thăm, động viên các em học sinh hiện đang được quỹ Lê Quý Đôn - Nối vòng tay lớn hỗ trợ hằng tháng. Ảnh: MAI HIỀN |
1. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), em K. (lớp 11) vốn đã quen với cuộc sống khó khăn và đó cũng chính là động lực để em luôn cố gắng đạt kết quả tốt trong học tập cũng như rèn luyện.
Sau khi tốt nghiệp THCS, với ước mơ trở thành bác sĩ, K. thi đậu vào lớp chuyên Sinh của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Những tưởng cuộc sống xa gia đình sẽ muôn vàn khó khăn với nỗi lo tiền ăn, tiền học nhưng rồi gánh nặng ấy cũng dần vơi đi phần nào khi K. được Ban giám hiệu nhà trường kết nối với quỹ Lê Quý Đôn -Nối vòng tay lớn. Theo đó, hằng tháng, K. được quỹ hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Số tiền này được K. dùng để trả học phí học thêm tiếng Anh.
K. chia sẻ: “Hằng tuần, bố mẹ cho em khoảng 300.000 đồng làm sinh hoạt phí. Tuần nào tiết kiệm lắm thì cũng dôi ra được chút ít, em dùng để lo học phí học thêm Toán. Còn tiền em được quỹ Lê Quý Đôn - Nối vòng tay lớn hỗ trợ hằng tháng thì đủ trả học phí học thêm tiếng Anh. Em cảm ơn các anh, chị cựu học sinh đã quan tâm đến những học sinh khó khăn như em. Bố mẹ em vẫn hay bảo rằng, sau này thành đạt nhớ cùng các anh, chị giúp đỡ các em khóa dưới”.
Ở một câu chuyện khác, em T. (lớp 11) cũng được Quỹ Học đường Lê Quý Đôn đồng hành từ năm học lớp 10 đến nay. Từ mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, năm nay, cuộc sống của gia đình em T. khó khăn hơn nên quỹ Lê Quý Đôn - Nối vòng tay lớn nâng mức hỗ trợ lên 1 triệu đồng/tháng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình bốn người gồm T., chị gái, bố mẹ hiện đang sống trong một căn chung cư chật chội, cũ kỹ ở quận Sơn Trà. Mẹ T. bị liệt nửa người. Bố T. trước đây làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng năm ngoái phải bỏ hẳn việc, về Đà Nẵng làm việc tự do để tiện chăm sóc vợ. Cuộc sống của gia đình bốn người chỉ biết dựa vào khoảng tiền 3-4 triệu đồng/tháng mà bố T. kiếm được, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Quỹ Lê Quý Đôn - Nối vòng tay lớn trao tiền hỗ trợ cho các em học sinh khó khăn, hiện đang theo học tại Trường THPT chuyên Lê quý Đôn vào ngày 4-1. Ảnh: Quỹ Lê Quý Đôn - Nối vòng tay lớn cung cấp. |
2. Nhớ về 4 năm trước, chị Phan Quỳnh Hương, một trong những thành viên sáng lập Quỹ Lê Quý Đôn - Nối vòng tay lớn (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (khóa 1992-1995), hiện là Giám đốc Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng) trải lòng, năm 2016, nhà trường chia sẻ với chị Quỳnh Hương về 4 trường hợp học sinh khó khăn với mong muốn chị cùng nhà trường kêu gọi, vận động mạnh thường quân tiếp sức cho các em yên tâm đến trường.
Trong số bốn trường hợp nhà trường giới thiệu, chị đã trực tiếp ghé thăm nhà M. Cả bố và mẹ M. đều bị tâm thần. Cả nhà chỉ biết sống dựa vào tiền trợ cấp vợ liệt sĩ của bà ngoại M. và tiền hỗ trợ thỉnh thoảng của hàng xóm, các nhà hảo tâm. Sau lần gặp đó, chị Quỳnh Hương kêu gọi liên kết bạn bè chung khóa, đóng góp tiền trên tinh thần tự nguyện để giúp đỡ M. cũng như các em học sinh khó khăn khác.
4 năm trôi qua, quỹ Lê Quý Đôn - Nối vòng tay lớn có khoảng 100 thành viên. Tuy nhiên, số thành viên đóng góp thường xuyên chỉ khoảng 20 người. Chị Quỳnh Hương bộc bạch: “Nhiều bạn bảo, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn giờ làm gì có ai nghèo. Có lẽ đây là lý do lớn nhất khiến nhiều bạn cựu học sinh còn chưa tham gia quỹ. Nhưng Ban Quản lý quỹ gồm 10 người, trong đó có tôi, lăn xả mấy năm qua, năm nào cũng gặp nhiều hoàn cảnh thương tâm đến nhói lòng”.
Mỗi năm quỹ nhận trung bình khoảng 15-20 đề nghị hỗ trợ của các em và Ban Quản lý quỹ đều chia nhau đến từng nhà thăm hỏi, xem xét chi tiết hoàn cảnh từng em, từ đó, lọc ra những em thật sự cần được hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu...
"Tôi mong muốn cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê quý Đôn liên kết chặt chẽ hơn, nhiều bạn cựu học sinh tham gia quỹ hơn để cùng chúng tôi phát triển quỹ thêm lớn mạnh. Có như vậy, các em học sinh khó khăn sẽ được quỹ hỗ trợ nhiều hơn và quỹ sẽ giúp được nhiều em hơn”, chị Quỳnh Hương bày tỏ.
MAI HIỀN