ĐNO - Hơn 1 năm nay, bất kể ngày nắng hay mưa, anh Đoàn Vương Phú Lộc (28 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) luôn duy trì việc đạp xe tập thể dục, kết hợp nhặt ve chai vào mỗi buổi sáng. Đặc biệt, tất cả số tiền thu được từ việc bán ve chai đều được dùng vào mục đích thiện nguyện.
Khu vực ta-luy âm dọc bán đảo Sơn Trà tập trung nhiều rác thải. Ảnh: T.N |
Từ tờ mờ sáng, anh Lộc đã thức dậy, sửa soạn đồ đạc để bắt đầu buổi đạp xe kết hợp nhặt ve chai. Anh Lộc xuất phát là nhà riêng trên đường Âu Cơ, đi dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành lên bán đảo Sơn Trà. Mỗi chuyến đi, ngoài “bạn đồng hành” là chiếc xe đạp, anh còn theo bao tời lớn để đựng rác.
Chia sẻ về ý tưởng tập thể dục kết hợp nhặt rác, anh Lộc kể: “Từ năm 2018, tôi bắt đầu chạy bộ trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành vào mỗi buổi sáng. Trong quá trình chạy bộ, tôi phát hiện trên vỉa hè dọc có rất nhiều rác thải, nhất là rác thải nhựa. Từ đó, tôi bắt đầu tập thể dục kết hợp nhặt rác làm sạch môi trường”.
Đến tháng 3-2020, anh Lộc chuyển sang tập thể dục bằng hình thức đi xe đạp. Từ đó, đoạn đường di chuyển dài hơn và lượng rác nhặt được cũng nhiều hơn. Mỗi ngày, anh dành khoảng 3 tiếng vừa đạp xe, vừa nhặt rác. Dọc đường đi, hễ thấy chai nhựa, vỏ lon, anh Lộc dừng lại nhặt, cho vào bao đựng rồi đi tiếp. Nhìn cách anh cố len lỏi vào bụi rậm, nhoài người ra ta-luy âm nhặt sạch vỏ chai, vỏ lon mới thấy hết sự tử tế của anh dành cho môi trường.
Anh Lộc cho biết, loại rác phổ biến nhất là các loại chai nhựa đựng nước, vỏ lon nước ngọt, lon bia, thùng các-tông do những người dân, du khách thiếu ý thức vứt bỏ dọc đường, trong bụi rậm, hốc đá. “Tôi nghĩ, đây hầu hết là rác tài nguyên, có thể tái chế. Nếu không được thu gom sẽ vừa lãng phí, vừa mất mỹ quan, lại gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài vì các loại rác này rất khó phân hủy”, anh Lộc chia sẻ.
Trung bình mỗi buổi sáng, anh Lộc nhặt được khoảng 2- 3 ký rác tài nguyên. Tất cả số vỏ lon, chai nhựa được anh gom lại và gửi tặng Câu lạc bộ Tình thương An Lạc để bán gây quỹ thực hiện các hoạt động thiện nguyện.
Đỗ Văn Thịnh (20 tuổi, trú quận Liên Chiểu), Trưởng câu lạc bộ Tình Thương An Lạc cho biết: “Mỗi tuần một lần, anh Lộc mang một lượng lớn ve chai đến gửi tặng câu lạc bộ bán gây quỹ. Số tiền thu được từ việc này khoảng 500.000 đồng/ tháng, được dùng vào các hoạt động thiện nguyện của câu lạc bộ như: hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học, bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, tặng các suất ăn miễn phí cho người lao động nghèo”.
Qua việc đạp xe kết hợp nhặt rác, anh Lộc mong muốn góp một phần công sức để giữ gìn môi trường trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: T.N |
Ông Lưu Văn Trước (44 tuổi, nhân viên bảo vệ trạm gác Sơn Trà) cho biết: “Hằng ngày, xe thu gom rác vẫn lên đều đặn. Tuy nhiên, do lượng rác thải ra quá nhiều nên nhân viên môi trường không thể thu gom triệt để. Cá biệt, nhiều người vô ý thức mang thức ăn, nước uống lên tổ chức ăn uống rồi thản nhiên ra về không thu dọn, lâu dần gây ô nhiễm môi trường”.
Cũng theo ông Trước, thời gian gần đây, nhờ có những đội, nhóm, cá nhân như anh Lộc thường xuyên tổ chức thu gom, dọn rác tại bán đảo Sơn Trà nên cảnh quan môi trường nơi đây luôn bảo đảm.
Bên cạnh đạp xe nhặt rác hằng ngày, vào ngày cuối tuần, anh Lộc còn cùng các thành viên trong nhóm “Biệt đội Sơn Trà” tổ chức đạp xe dọc bán đảo Sơn Trà và thu gom rác thải. Anh Lộc luôn tâm niệm, chỉ cần mỗi người đóng góp một tay thì sẽ bớt đi một phần rác thải, góp phần bảo vệ bán đảo Sơn Trà nói riêng và môi trường nói chung.
TRUNG NGHĨA