Nữ biệt động 'thép': Ngày ấy - bây giờ

.

ĐNO - Tháng 7, tháng tri ân những anh hùng liệt sĩ, những người đã bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường, dâng trọn tuổi xuân cho quê hương, đất nước. Dịp này, chúng tôi gặp nữ biệt động "thép" Trần Thị Kim Cúc trong ngôi nhà vừa được địa phương hỗ trợ sửa chữa khang trang hơn.

Bà Trần Thị Kim Cúc đang xem lại những kỷ vật. Ảnh: HỒNG QUANG
Bà Trần Thị Kim Cúc đang xem lại những kỷ vật. Ảnh: DOÃN QUANG

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, mới 14 tuổi, chứng kiến cảnh đất nước lầm than, bà đã xung phong làm giao liên cho Huyện ủy Hòa Vang. Nhờ sự dũng cảm và mưu trí, bà đã tham gia nhiều trận đánh và bị địch bắt tra tấn dã man. Chúng đóng đinh vào đầu bà gây chấn thương não và di chứng động kinh kéo dài cho đến ngày nay. Dẫu bị tra tấn nhiều lần, bà vẫn kiên cường không khai nửa lời.

Trong cuộc đời tham gia cách mạng, bà Trần Thị Kim Cúc cho chúng tôi biết, hạnh phúc nhất của bà là những lần được gặp Bác Hồ. Bà nhớ nhất là lần gặp Bác vào năm 1966. Khi đó bà và đồng đội được đưa ra Bắc chữa bệnh sau khi bị thương nặng do đòn roi của giặc và được Bác Hồ đến thăm. Bác mặc bộ đồ giản dị, ân cần hỏi thăm sức khỏe, nhất là vết thương của bà đã đỡ đau chưa, dặn bà phải giữ ấm khi mùa đông và luôn đội mũ để bảo vệ đầu, không để ảnh hưởng đến vết thương.

Sau đó, bà Trần Thị Kim Cúc học văn hóa tại Trường phổ thông Lao động Trung ương và học rất giỏi, được tuyên dương về thành tích học tập. Biết chuyện, Bác Hồ bảo đồng chí Vũ Kỳ đến trường đón bà, lần đó bà được Bác Hồ khen vì nỗ lực trong học tập và đó cũng là lần cuối cùng bà được gặp Bác Hồ.

Sau đó bà thi đỗ vào Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, học đến năm thứ tư thì vết thương tái phát, đôi mắt không nhìn được, bà được Đảng và Nhà nước đưa ra nước ngoài chữa trị đến khi nước nhà giải phóng hoàn toàn thì bà trở về quê hương.

Sau ngày giải phóng, bà trở về thành phố Đà Nẵng. Mặc dù sức khỏe yếu do mang thương tật nhiều trong người (thương binh 1/4) nhưng bà vẫn hăng hái tham gia công tác phụ nữ. Bà luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác, nắm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung chỉ đạo của Hội cấp trên, để triển khai đến các hội viên, phụ nữ.

Bà đã tìm hiểu, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là hộ nghèo, khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật để có cách giúp đỡ kịp thời. Đồng thời thường xuyên sâu sát, gần gũi chị em, tìm nguồn giúp phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Chồng bà, ông Huỳnh Thanh Trà công tác tại Cục chính trị Quân khu 5. Do tính chất công việc nên ông thường xuyên công tác vắng nhà. Công việc nội trợ, lo toan trong gia đình đều do một tay bà lo liệu. Dẫu vậy, bà luôn làm tròn hai vai, vừa là cán bộ phụ nữ nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, được chị em thương yêu, quý mến, đồng thời là người mẹ đảm đang, hết mực thương yêu con cháu.

Hiện nay, bà  Trần Thị Kim Cúc sống trong căn nhà nhỏ ở đường Thanh Long, phường Thanh Bình, quận Hải Châu. Các con bà đều đã trưởng thành, trong số đó có 2 người con trai đang công tác trong lực lượng vũ trang. Bà khoe vừa được hỗ trợ 30 triệu đồng sửa lại nhà để đỡ thấm dột vào mùa mưa.

“Chính quyền địa phương rất quan tâm đến các gia đình chính sách như tôi. Các cấp, ngành, đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời cho gia đình tôi. Tôi cảm thấy vui lắm”, bà Cúc bộc bạch.

Bà vẫn thường kể cho con, cháu nghe những kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ, về những trận chiến đấu mà bà cùng đồng đội đã tham gia để bảo vệ quê hương. Bà bảo, Bác Hồ là người đã tạo thêm nghị lực sống, giúp bà vượt qua bệnh tật và những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống.

DOÃN QUANG

;
;
.
.
.
.
.