ĐNO - Với nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền - Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Đà Nẵng, chụp ảnh là niềm đam mê ngấm vào máu thịt. Anh mong muốn những bức ảnh sẽ lưu giữ những khoảnh khắc kỳ diệu của cuộc sống.
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền. Ảnh: MỸ VÂN |
Ít ai biết rằng, trước đây Huỳnh Văn Truyền làm công việc kinh doanh và nghề này cũng mang lại cho anh một khoản thu nhập kha khá. Dẫu vậy, niềm đam mê nhiếp ảnh vẫn luôn âm ỉ trong anh. Tranh thủ thời gian rảnh, anh vẫn xách máy đi chụp chỉ để thoả mãn niềm đam mê. Rồi dần dần anh nhận ra, nhiếp ảnh mới chính là lẽ sống của mình. Vậy là anh bỏ luôn nghề kinh doanh để vác máy rong ruổi khắp nơi và chụp ảnh. Ban đầu vợ anh phản đối nhưng sau này chị hiểu và ủng hộ sở thích của chồng.
Huỳnh Văn Truyền cho biết anh thích tập trung vào chụp ảnh đời thường. Những khung cảnh đời thường có sự hấp dẫn đặc biệt đối với anh bởi nó phản ánh chân thật hình ảnh lao động của những người thợ, người công nhân, những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống... Đặc biệt, anh đã chụp được hơn 20 bộ ảnh trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp tại thành phố Đà Nẵng và qua đó đã ghi lại khá đầy đủ những hoạt động trong công tác phòng chống dịch của chính quyền, người dân cũng như các lực lượng y tế, quân đội.
Đơn cử như bộ ảnh “Phút giải lao”. “Phút giải lao” khắc họa những phút giây nghỉ ngơi quý giá của các nhân viên y tế quận Sơn Trà trong đợt lấy mẫu xét nghiệm cho hàng ngàn người nước ngoài đang cư trú cũng như mắc kẹt tại Đà Nẵng do dịch bệnh. Bộ ảnh thể hiện những vất vả, nhọc nhằn của các thầy thuốc áo trắng, đồng thời nói lên sự căng thẳng của dịch bệnh, cùng sự nỗ lực, làm việc không ngơi nghỉ của các y, bác sĩ. Sau đó, “Phút giải lao” đã đoạt Giải Nhì cuộc thi ảnh “Đà Nẵng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19” và Huy chương vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ - Tây Nguyên lần thứ 26 - năm 2021.
Vào đợt Covid-19 năm vừa rồi, tại Chốt biên giới tại Axan - Quảng Nam, anh đã cùng đoàn bộ đội vượt rừng cao núi sâu để vào tận các chốt biên giới, cùng ăn cùng ở với bộ đội để thấu hiểu những khó khăn mà các anh đang trải qua. Và sau đó, tại triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương” do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức, bộ ảnh “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng, chống dịch Covid-19” của anh xuất sắc đoạt Huy chương Vàng.
Mới đây, bộ ảnh “Tiếp cận vụ cháy cầu cảng chữ T – âu thuyền và cảng cá Thọ Quang” của anh đã đoạt giải Nhất Cuộc thi ảnh và tác phẩm báo chí chủ đề “Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Bộ ảnh đã ghi lại sự tàn phá khốc liệt của “giặc lửa” và lột tả được sự quả cảm, quyết liệt của các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Đà Nẵng khi lao vào dập tắt đám cháy, cứu ngư dân vào Mồng 3 Tết tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Ở đâu có điểm nóng, cháy nổ, dịch bệnh… là ở đó có bước chân anh. Anh bảo, khi có thông tin, như có gì đó thôi thúc, anh phải lao vào điểm nóng, ghi lại những thời khắc quý giá để kịp thời chuyển đến độc giả những hình ảnh chân thực, đẹp nhất. Với Huỳnh Văn Truyền, chụp ảnh không chỉ đơn thuần là chụp lại hình ảnh mà mỗi bức ảnh còn chứa đựng một câu chuyện riêng gửi đến độc giả.
Với vai trò là Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố, anh cùng các anh em trong Ban Chấp hành CLB đã tổ chức nhiều chuyến sáng tác ảnh, nhiều buổi tọa đàm chia sẻ về nhiếp ảnh cơ bản và nâng cao, tổ chức nhiều cuộc thi ảnh và sáng tác thực tế cho hội viên, góp phần giữ lửa niềm đam mê nhiếp ảnh.
Có nhiều tác phẩm triển lãm tại các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực và quốc gia và đoạt gần 100 giải thưởng của các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước nhưng đó không phải là mục tiêu của anh. Với anh, nhiếp ảnh chính là ý nghĩa của cuộc sống, mang đến niềm vui, hạnh phúc khi lưu lại được những khoảnh khắc “vàng” mà anh luôn mong muốn.
MỸ VÂN