ĐNO - Để biến những hòn đá vô tri trở thành tác phẩm nghệ thuật, các nghệ nhân làng đá phải khổ luyện rất vất vả. Ấy vậy mà cái nghề tưởng như chỉ dành cho nam giới này lại khiến chị Lê Thị Hòa Bình (trú tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước đam mê theo đuổi hơn 20 năm nay.
Chị Lê Thị Hòa Bình bên cạnh tác phẩm nghệ thuật vừa hoàn thành. Ảnh: HỒNG QUANG |
Chị Bình vốn làm nghề may, đôi bàn tay nhỏ nhắn, khéo léo của chị chỉ quen cầm kim chỉ. Khi kết hôn với anh Lê Văn Thắng làm nghề điêu khắc đá ở làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), ngoài công việc may vá, thời gian rảnh, chị phụ chồng đánh bóng những pho tượng rồi “mê” nghề tạc tượng lúc nào không hay. Thấy công việc vất vả, chồng chị muốn chị làm nghề khác nhưng chị Bình nhất quyết theo đuổi nghề tạc tượng.
Những ngày đầu mới vào nghề, có lúc bàn tay chị bị thương do sơ ý để máy hay đục chạm vào tay, có lúc phải thức cả trưa, cả đêm để hoàn thiện cho xong tác phẩm nhưng chị vẫn luôn nỗ lực vì đam mê những bức tượng. Bởi phải ngồi, đứng liên tục hàng giờ đồng hồ mài, đục, chị Bình cũng như những thợ đá khác phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh đau lưng, bệnh về đường hô hấp...
Công việc tạc tượng khá vất vả và không hề dễ dàng. Để hoàn thành một bức tượng, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn và tốn rất nhiều thời gian, có khi phải mất vài tháng. Chị bảo, điều quan trọng là phải thổi “hồn” được vào cho tác phẩm. Vì vậy, người thợ phải thật cẩn thận, tỉ mỉ để bức tượng chuyển tải được nội dung mà mình mong muốn. Chỉ cần một chi tiết không hài hòa cũng ảnh hưởng đến toàn bộ bức tượng.
Không chỉ cần sự cẩn thận, đôi bàn tay khéo léo, người thợ phải không ngừng học hỏi để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Chị Bình đã tự mày mò, tìm hiểu các kiến thức chuyên sâu về cơ thể con người nhằm tạo ra bức tượng có nhiều tư thế khác nhau sao cho sống động.
Mỗi khi hoàn thiện xong một tác phẩm, chị Bình vui lắm. Ngắm nhìn tác phẩm nghệ thuật của mình, chị quên hết những chuỗi ngày vất vả. Đó là những bức tượng Phật mang vẻ đẹp tâm linh thuần khiết, tượng vũ nữ Apsara buồn xa xăm, chân dung của những người nổi tiếng... Tất cả đều được chị chạm trổ rất tỉ mỉ công phu.
Nhờ tạo dựng được uy tín, xưởng của chị nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách ở trong và ngoài nước. Những bức tượng chị tạc được khách hàng rất ưa chuộng bởi nó chứa đựng cả tình cảm, cảm xúc ở bên trong. Bây giờ, chị có thể tạc bất cứ sản phẩm nào dù khó nhất theo yêu cầu của khách.
Để có được những nét uốn lượn đẹp và sinh động trên phiến đá, chị Bình phải ghì máy bào thật chắc, tì mạnh vào đá cứng, liên tục trong nhiều giờ, trong nhiều ngày khiến đôi tay sần sùi, thô ráp. Nhưng chị không lấy đó làm buồn, chị bảo chính nhờ đôi tay ấy mà chị cùng chồng đã nuôi các con trưởng thành. Mỗi ngày, chị Bình và nhiều thế hệ thợ đá ở làng đá mỹ nghệ Non Nước vẫn cố gắng miệt mài với công việc nhằm gìn giữ nghề truyền thống mà cha ông đã truyền lại.
HỒNG QUANG