Mong ngày mai... như ngày hôm nay

.

Con đường bước tiếp không hề bằng phẳng và cứ hẹp dần nhưng những bệnh nhân chạy thận chưa bao giờ có ý định buông bỏ, bởi đằng sau là cả niềm thương nỗi nhớ quê nhà không dứt…

Những người bệnh suy thận vẫn nương tựa vào nhau, cho nhau nụ cười san sẻ.
Những người bệnh suy thận vẫn nương tựa vào nhau, cho nhau nụ cười san sẻ.

Nằm lẩn khuất bên trong khuôn viên Bệnh viện Đà Nẵng có một khu nhà hết sức đặc biệt. Đó là nơi lưu trú của những bệnh nhân bị suy thận nặng. Họ ở đây đợi đến giờ đi lọc máu để được duy trì sự sống. Trung bình mỗi người đều đặn chạy thận 3 lần/tuần.

Những giấc ngủ… ngồi

Bữa cơm trưa của những bệnh nhân phòng số 3 diễn ra lúc 11 giờ, sớm hơn mọi ngày. Năm người bệnh quây quần trên nền gạch ngay phía trước lối đi. Bữa cơm nấu vội có đậu phụng rang, canh bí và đĩa cá phèn kho nhạt.

“Hôm nay ăn sớm để Quang đi chạy thận được thuận lợi”, vừa xới cơm, bà Nguyễn Thị Nam (67 tuổi, trú xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vừa nói.

Nghe nhắc tên mình, anh Lê Anh Quang (36 tuổi, trú huyện Duy Xuyên) đáp trả: “Yên tâm đi, tôi còn khỏe lắm. Cứ làm như đi luôn không trở lại ấy”. Mọi người phá lên cười, trong lúc anh Quang đang ho sù sụ sau khi nói không chịu ngắt quãng.

36 tuổi, anh Quang bị suy thận mạn, mắt mờ, suy tim và suy hô hấp. 7 năm nay, bệnh viện là chốn đi về sớm tối, những bệnh nhân bệnh thận cùng phòng trọ là người kề vai sát cánh với anh trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Chức năng thận đã hỏng hoàn toàn, anh sống phụ thuộc vào chiếc máy chạy thận gắn vào người.

Từ khi khu nhà trọ cho bệnh nhân chạy thận được đưa vào hoạt động bên trong khuôn viên Bệnh viện Đà Nẵng, những bệnh nhân bị suy thận như trút bỏ được một phần âu lo và gánh nặng về kinh tế.

Mỗi bệnh nhân được trang bị một chiếc giường tầng. Tầng 1 để nghỉ ngơi, tầng 2 và bên dưới gầm giường là nơi cất giữ đồ gia dụng. Căn bệnh suy thận đã khiến hệ bài tiết không hoạt động, nước trong cơ thể không thể thoát ra ngoài, ứ đọng theo thời gian.

Mỗi khi nằm xuống, người suy thận sẽ bị nước trong cơ thể tràn lên ép phổi gây khó thở. Những giấc ngủ chỉ còn vật vờ ở góc giường, bất kể ngày hay đêm.

“Đồ đạc có thể thiếu nhưng gối và chăn thì nhất định phải có. Phải kê thật cao phía đầu giường, ở đây ai cũng phải ngủ ngồi hết”, bà Phan Thị Kính (trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), người chăm nuôi con gái cho biết.

Ở tuổi 78, bà Kính chỉ mong mình không ngã bệnh để dùng chút sức lực tuổi già chăm lo cho con gái. Sau 6 năm bị suy thận, đôi mắt của con gái bà, chị Võ Thị Hiền (46 tuổi) đã mờ hẳn.

Cũng chừng ấy thời gian, bà Kính là đôi mắt, là bàn tay của con gái trong từng bữa ăn, mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ. Cứ thứ ba, thứ năm và thứ bảy hằng tuần, bà lọm khọm dẫn con lên Khoa Thận nhân tạo để các bác sĩ tiến hành lọc máu.

“Chị Hiền như vậy vẫn còn sướng nhất, có người chăm lo tận nơi, có người kể chuyện mỗi ngày. Như em đây, còn trai trẻ, chưa vợ, mắt mờ, nhưng chẳng sao cả vì em vẫn tin sẽ có ngày mình nhìn thấy và cưới một người phụ nữ đẹp làm vợ”, anh Lê Anh Quang lại chen vào vài câu đùa, khiến cả căn phòng cười vang, tạm quên đi những mệt nhọc trong cơ thể.

Sau hơn 20 năm, anh Hồ Lựu mới có dịp nấu cơm chăm sóc mẹ.
Sau hơn 20 năm, anh Hồ Lựu mới có dịp nấu cơm chăm sóc mẹ.

Nơi để nhớ về

Mọi người ở đây vẫn thường đùa với nhau rằng, suy thận chính là căn bệnh… làm biếng khi họ hầu như không còn sức lực để vận động. Có khi đang cười đùa vui vẻ, huyết áp tăng lên, hoặc tụt xuống bất ngờ phải được khiêng vội lên chiếc xe lăn đưa vào cấp cứu.

Cũng có khi họ bất chợt rơi vào hôn mê, rồi không bao giờ… tỉnh lại nữa. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Anh (55 tuổi, trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), khoảng cách sự sống mong manh nhưng thực tế vẫn bền bỉ, mãnh liệt vô cùng.

“Điều đáng nhớ và có ý nghĩa nhất trong 8 năm chạy thận với tôi đó là khuôn mặt ngây thơ của con khi lần đầu nó nhìn thấy tôi trong bộ dạng hốc hác”, chị Anh kể.

Đột ngột bị suy thận, chị Anh sút gần 20 ký trong vòng ba tháng khiến nhiều người không kịp nhận ra. Nguyễn Đức Tâm, con trai chị thời điểm đó chỉ mới 6 tuổi nhưng đã đến ôm chầm lấy mẹ, hôn lấy hôn để lên khuôn mặt chỉ nổi hai gò má, rồi thoa nhẹ lên cánh tay còn chi chít những vết bầm của kim tiêm.

“Trong lúc tuyệt vọng nhất mà con không bỏ mình thì giờ đây dù thế nào cũng phải cố gắng hết sức để sống. Mình sống để con còn có mẹ, chứng kiến con trưởng thành mỗi ngày là niềm hạnh phúc không gì thay được”, chị kể.

Đếm từng ngày tuổi của con cũng là điều chị Huỳnh Thị Liên (42 tuổi, trú huyện Quế Sơn) vẫn làm đều đặn 9 năm qua. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, khi người chồng đã bỏ chị đi tìm cuộc sống mới. “Đứa con gái duy nhất giờ vừa vào lớp 10, hiện ở nhà với ông ngoại năm nay đã 75 tuổi. Nó bảo sẽ học thật giỏi để sau này nuôi mẹ, tui thì chẳng mong điều đó, chỉ cần nó tự lo được cho bản thân là mừng lắm rồi”, chị Liên chia sẻ.

Chiều thứ bảy hằng tuần, sau khoảng 4 giờ đồng hồ lọc máu, chị vội chen chân lên chiếc xe buýt chật ních, ì ạch qua từng cung đường để về thăm con. Trước đó, chị đã chủ động xin bác sĩ cho ở nhà trọn một ngày chủ nhật hằng tuần với con gái.

Bệnh tật, ốm yếu không thể làm được việc gì nhưng “liều thuốc” hiệu quả của chị Liên là được thoát hoàn toàn những thiết bị máy móc ở bệnh viện để được nhìn thấy con cười nói.

Những phận đời khốn khó tại khu nhà trọ này vẫn nương tựa vào nhau và tự tìm cho mình những niềm vui riêng có. Bao lâu nay, người ta vẫn cố gán ghép chuyện đôi lứa cho chị Liên với anh Hồ Lựu (42 tuổi, trú xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) đã sống trong bệnh viện 12 năm qua.

Những lúc nhắc đến, anh Lựu chỉ cười và đáp: “Liên thông cảm, anh còn phải nuôi mẹ”! Năm 20 tuổi, anh Lựu đã bị phù thận, không thể làm được việc. Quãng thời gian 10 năm tiếp theo anh sống vật vờ ở quê, cho đến một ngày gia đình chuyển anh ra Bệnh viện Đà Nẵng để lọc máu hằng tuần do chức năng của thận đã hư hỏng hoàn toàn.

12 năm trong bệnh viện, anh sống chủ yếu nhờ vào sự cưu mang của các mạnh thường quân. Gần 1 năm nay, mẹ anh - cụ Nguyễn Thị Hòa (81 tuổi) bị u não phải điều trị ở khoa Ngoại Thần kinh. Đứa con trai bệnh tật chưa từng làm được một việc gì trong suốt hơn 20 năm qua giờ phải gồng mình lo cơm nước cho mẹ. Một phần cũng bởi cuộc sống của anh em ở quê nhà quá khó khăn, lại xa xôi cách trở.

“Ngày trước không làm gì cả nhưng giờ phải nấu cơm cho mẹ ăn, lo cho sức khỏe của mẹ. Mệt thì mệt đấy nhưng tuyệt đối không được gục ngã trong lúc này”, anh quả quyết. Nói thì nói vậy, nhưng ở khu nhà trọ này ai chẳng biết anh Lựu vừa mổ thay ống thông nối động-tĩnh mạch ở cổ tay. Chỉ biết nguyện cầu cụ Hòa, mẹ anh vẫn được ăn cơm với canh do anh nấu mỗi ngày…

Bệnh tật là điều không ai mong muốn, dù bằng cách nào người bệnh cũng có được chữa trị, khỏe mạnh hoàn toàn nhưng với những bệnh nhân đang ngày đêm chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng, họ chỉ mong ngày mai sẽ là một ngày như hôm nay.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.