Phú Túc chuyển mình

.

Lâu lắm mới trở lại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), tôi quá đỗi ngạc nhiên khi vùng đất này khoác chiếc áo mới. Và trong đó, có sự chuyển mình cùng những trăn trở của người Cơ tu trước đổi thay chung.

Ông Lê Văn Nghĩa và kho rượu cần của gia đình.
Ông Lê Văn Nghĩa và kho rượu cần của gia đình.

Quốc lộ 14G hôm nay thẳng tắp như dải lụa ven rừng. Mấy năm trước, mỗi lần về Hòa Phú, tôi lại lo lắng vì con đường này xuống cấp, ổ trâu, ổ gà quá nhiều. Con đường được đưa vào sử dụng trước Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 làm lòng người Hòa Phú rộn vui. Đường mở rộng thêm mỗi bên 1,5m; rộng, sạch; hai bên đường rợp bóng cây.

Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc cho hay, có đường lớn liên tỉnh, du khách qua lại nhiều nên cũng chẳng thấy xa thành phố là mấy. Chưa kể, chạy xe máy xuống phố chưa tới một giờ đồng hồ, mà đường thì êm ru.

Nhiều mô hình kinh tế mới

Về Phú Túc phải nhắc đến sản phẩm rượu cần. Nghề nấu rượu cần đã trở lại với người dân sau mấy chục năm “ngủ quên”. Năm 2013, có 9 người được Nhà nước cử đi học nấu rượu cần ở Tây Nguyên. Sau khi “tốt nghiệp”, họ trở về thành lập hợp tác xã nấu rượu cần Phú Túc.

Nhưng rượu nấu ra không bán được, những người này tạm “gác nghề” để làm việc khác kiếm sống. Chỉ duy nhất một người không có tên trong danh sách 9 người được đào tạo bài bản nhưng đã học hỏi lại từ những người này, kết hợp kinh nghiệm sẵn có nên duy trì nấu rượu cần từ năm 2014 đến nay, sản lượng tiêu thụ hằng năm đều tăng gấp đôi.

Đó chính là ông Lê Văn Nghĩa. Ông bảo, ngày trước nấu rượu cần nguyên liệu bằng sắn, ché đựng rượu cũng do đồng bào mình làm thủ công. Rượu cần làm ra chỉ dùng trong gia đình, các dịp Tết, lễ, hội hè...

Nhưng rồi ông học hỏi từ những người được đào tạo nói trên và nấu thử, sau đó rút kinh nghiệm cũng như lắng nghe những người sử dụng đánh giá chất lượng, hương vị. Từ đó, thay vì dùng sắn, ông dùng nguyên liệu nếp rẫy mua từ các huyện Tây Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) để nấu rượu.

Ché được đặt hàng từ lò gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội). “Rượu mình nấu hoàn toàn bằng thủ công, không pha tạp hay có hóa chất nào cả. Uống là ưng cái bụng ngay. Rượu của mình được Viện Chất lượng Việt Nam công nhận danh hiệu, trao cúp vàng thương hiệu chất lượng cao năm 2016, nhưng để ra thị trường như ao ước bấy lâu thì khó lắm!”, ông Nghĩa - người “giữ lửa” rượu cần Phú Túc bày tỏ.  

Bên cạnh “lò” rượu cần của gia đình ông Nghĩa, người Phú Túc hôm nay phát triển các mô hình kinh tế, mang lại thu nhập cao. Đó là mô hình chăn nuôi heo đen, đến nay có 6 hộ triển khai. Đáng kể, có hộ mỗi năm xuất 40-50 con heo đen, thu về hàng trăm triệu đồng.

Các mô hình nuôi gà, trồng cây ăn quả, chăn thả bò đều cho nguồn thu ổn định, giúp người dân Phú Túc không chỉ có việc làm, có thu nhập mà còn dần vươn lên làm giàu.

“Người Phú Túc không còn phụ thuộc vào rừng, vào thiên nhiên như trước đây với lối sống du canh du cư. Người trẻ hiện làm việc ở các khu du lịch trong thôn (Ngầm Đôi, Hòa Phú Thành, Suối Hoa, suối khoáng nóng Núi Thần Tài).

Người trung niên đi khai thác keo cho chủ rừng. Người lớn tuổi kinh doanh dịch vụ, bán tạp hóa, hàng ăn uống. Nhiều người đã biết mang trái cây ra bán dọc đường. Đây là sự vươn tầm, một cuộc cách mạng trong tư duy đối với người Cơ tu mình đấy”, ông Nghĩa hồ hởi khoe.

Toàn thôn Phú Túc có 153 hộ, trong đó có 126 hộ đồng bào Cơ tu; 150 học sinh theo học các cấp, 5 sinh viên tốt nghiệp đại học; nhiều sinh viên đang theo học các trường cao đẳng, trung cấp, trường nghề… Có người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, tằn tiện mang tiền về góp vốn, giúp gia đình làm giàu. Cả thôn Phú Túc hiện chỉ còn 13 hộ nghèo.

Con đường mới mở ra cho người Cơ tu ở Phú Túc cơ hội phát triển.
Con đường mới mở ra cho người Cơ tu ở Phú Túc cơ hội phát triển.

Còn đó những trăn trở

Người Cơ tu ở thôn Phú Túc vốn dĩ “đóng đô” ở chốn này từ lâu đời nhưng sau di dời lên vùng Sông Côn (tỉnh Quảng Nam). Sau năm 1975, cùng với người Cơ tu ở Ô Rây (khu vực hồ Đồng Xanh, Đồng Nghệ), người Phú Túc đã kéo về chốn cũ để lập lại làng, xây dựng cuộc sống mới.

Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm về an cư nơi chốn cũ, ông Nghĩa thấy hạnh phúc vì những đổi thay tích cực từ cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân.

Bây giờ, làng đã đổi thay, đã có của ăn của để. Song, vẫn còn đó những trăn trở để người Cơ tu ở Phú Túc thực sự giàu lên và nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách gần xa. “Như mô hình rượu cần thực sự mới chỉ mang tính tự phát, chứ chưa phổ biến và thậm chí dễ “xóa sổ” nếu mình thiếu kiên nhẫn.

Dù chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ rất nhiều để đưa sản phẩm rượu cần đến với người dùng nhưng chưa thực sự mang lại nguồn thu lớn vì chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Cơ bản là mình yêu nghề truyền thống và muốn xây dựng làng rượu cần ở Phú Túc cho cả làng cùng làm, cùng hưởng. Phải xây dựng làng du lịch văn hóa Cơ tu, trong đó rượu cần là một sản phẩm ẩm thực nổi bật…

Các mô hình khác cũng gặp nhiều cái khó, một phần do sự rụt rè và tư duy “tự cung, tự túc là chính” của người Cơ tu nên chưa kết hợp cùng nhau để cung cấp thị trường chuỗi sản phẩm phong phú và ổn định. Chẳng hạn, ở Phú Túc có lợi thế trồng cây ăn quả, nhưng chỉ mỗi cây mít chủ đạo. Phải mỗi hộ trồng một loại cây chủ đạo thì cả làng sẽ có làng cây ăn quả đa dạng, phong phú. Thế mới bảo đảm “đầu ra” cho thị trường…”, ông Nghĩa tâm sự.

Một băn khoăn khác của ông Nghĩa là lớp trẻ bây giờ bên cạnh mặt tích cực tiếp cận xu thế mới, công nghệ hiện đại thì cũng dần xa rời các giá trị văn hóa truyền thống. Làm sao để gìn giữ, phát huy và làm giàu từ những giá trị văn hóa truyền thống trong khi ở thôn có rất nhiều khu du lịch…

Ông Nghĩa vốn là công nhân Công ty Quản lý Cầu đường Đà Nẵng. Năm 2014, ông nghỉ hưu, làm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Sự đi lên, mở mang của thôn đều có sự chứng kiến và đồng hành của ông. Vì vậy, ông có rất nhiều trăn trở về sự phát triển bền vững của vùng đất này mặc dù đời sống của đồng bào nơi đây không ngừng cải thiện…

Tôi trở lại phố, vi vu trên con đường mới từ Phú Túc xuôi về, thấy vui với niềm vui và sự đổi thay của người Cơ tu ở Phú Túc. Người Phú Túc bây giờ sống tốt rồi, kinh tế khấm khá rồi.

Như ông Nguyễn Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú nhìn nhận, với lợi thế hiện có, người Cơ tu sẽ còn vượt lên nữa, nhưng dĩ nhiên ngoài nỗ lực của chính họ, còn cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan chức năng.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.