Nghề và nghiệp nơi ngã ba sông…

.

Hơn mười năm nay, nơi ngã ba sông Vĩnh Điện-Cẩm Lệ-sông Hàn xuất hiện một “làng chài” nhỏ với khoảng 10 ghe. Họ là những ngư dân đến từ các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc... (tỉnh Quảng Nam) bám đoạn sông này quăng lưới đánh bắt tôm cá mưu sinh và còn gánh thêm cái “nghiệp” thầm lặng là cứu người tự tử hoặc vớt xác những người xấu số chọn dòng sông Hàn để kết thúc cuộc đời vì cùng quẫn.

Một góc “làng chài” ở ngã ba sông.
Một góc “làng chài” ở ngã ba sông.

Sông lành ghe đậu

Sinh ra trong gia đình bao đời sống bằng nghề sông nước trên sông Trường Giang (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), dù rất cần cù chịu khó nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám riết gia đình như một nghiệp chướng; thế rồi có người quen chỉ đến đoạn sông này để làm nghề, vợ chồng anh Phạm Lực chuyển “nhà” về đây sinh sống đến nay đã tròn 7 năm.

Anh Lực tâm sự: “Con sông Trường Giang quê tôi bị ô nhiễm, cá tôm không còn nhiều để đánh bắt, ra đây mọi việc dễ hơn. Nếu thời tiết thuận lợi thì với nghề lưới ban đêm, thả rập ban ngày, gia đình tôi cũng kiếm được gần 500.000 đồng/ngày.

Nhờ vậy, cuộc sống ở quê cũng đỡ vất vả, hai đứa con lớn được đi học, riêng đứa nhỏ đang được gửi học mẫu giáo tại phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn). Vợ chồng tôi ở đây quen rồi, bây giờ chỉ ngày Tết hay có đám tiệc gì mới về quê”.

Nói đến những cư dân đầu tiên ở “làng chài” này phải nhắc đến anh Phan Văn Thu (ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên). Anh Thu cho biết: “Ở quê, ngoài nghề nông, vợ chồng tôi còn có nghề đánh bắt cá trên sông Thạch Bàn, nhưng con sông này ngày càng ít tôm cá. Thậm chí có hôm đi sáng đêm nhưng chỉ kiếm được vài con cá nhỏ. Sau những chuyến đi xa kéo dài từ sông Vĩnh Điện, tôi đi dần ra đến ngã ba sông này lúc nào không rõ. Ban đầu, sau mỗi đêm đánh cá xong là về ngay để còn kịp bán chợ quê buổi sáng, nhưng rồi sau đó chúng tôi ở lại luôn để bán cá cho những người đi tập thể dục buổi sáng trên đường Chương Dương sát đoạn sông này. Cũng đã hơn 10 năm gia đình tôi sống và đánh bắt tôm, cá ở đây, chỉ khi nào có việc giỗ kỵ ở quê mới về”.

Chị Nguyễn Thị Xuân (ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) cũng đến “định cư” ở “làng chài” này từ rất sớm, vui vẻ khoe: “Ở quê dù có cố mấy cũng không đủ ăn, nhờ ra đoạn sông này mà vài năm trước tôi đã xây được nhà, mấy đứa con đều được đi học, chỉ có hai vợ chồng là vất vả thôi”.

Mỗi người một hoàn cảnh, một lý do mưu sinh và gặp nhau, trở thành hàng xóm ở “làng chài” nhỏ ngay ngã ba sông này. Hầu hết phụ nữ của “làng chài” đều cho biết, cuộc sống ở đây chỉ quanh quẩn việc chờ con nước thuận lợi để cùng chồng thả lưới, cào hến đến tầm 9, 10 giờ lại ra vỉa hè đường Chương Dương bán những thứ vừa đánh bắt được.

Bữa nào may mắn bán hết sớm thì có ít thời gian nghỉ ngơi, còn không, phải cố ngồi cho đến tận tối mịt mới về ghe ngả lưng. Chị T. (ở huyện Thăng Bình) thật thà tâm sự: “Niềm vui của tụi tôi là cuối ngày lên ghe… đếm tiền coi kiếm được bao nhiêu.

Công việc cực khổ, chỗ ăn ở tạm bợ nên vợ chồng tôi lâu nay phải nói dối con rằng ba mẹ ra Đà Nẵng để đi bạn cho các chủ tàu, hết chuyến thì về nhà thuê ở cũng đầy đủ mọi thứ”. Còn ông Nguyễn Văn An (ở Đại Hòa, huyện Đại Lộc), người mới gia nhập “làng chài” khoảng hai năm gần đây trải lòng:

“Chỉ biết cố làm nuôi con, chứ cuộc sống của mình coi như “bên lề” mọi thứ rồi. Cách “làng chài” chỉ hơn cây số là phố xá, tàu du lịch sáng choang, còn mình chỉ le lói đèn điện từ chiếc bình ác quy, nhưng cũng sử dụng lúc chạng vạng rồi lo đi ngủ để sáng mai còn dậy sớm xuống sông...”.

Chị Nguyễn Thị Xuân, ngư dân “làng chài” ngã ba sông đang bán cua do chồng vừa đánh bắt được. Với chị, việc giải trí mỗi ngày bây giờ là điện thoại về hỏi thăm con ở Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam.
Chị Nguyễn Thị Xuân, ngư dân “làng chài” ngã ba sông đang bán cua do chồng vừa đánh bắt được. Với chị, việc giải trí mỗi ngày bây giờ là điện thoại về hỏi thăm con ở Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam.

Cái “nghiệp” cứu người

Ở tuổi 50 và với 35 năm nghề sông nước, nhưng đến bây giờ anh Phạm Lực vẫn còn ớn lạnh khi nhớ lại lần đầu nhìn thấy xác trôi trên sông Hàn. Đó là buổi sáng tháng 9-2016, hôm ấy trời lất phất mưa, khi đang chèo thuyền để thả câu, anh bất ngờ phát hiện một xác người nổi dập dềnh trên mặt nước đoạn gần chợ Hàn.

“Linh tính báo điều chẳng lành, tôi bơi xuồng lại gần thì hóa ra đó là xác một người đàn ông tầm 40 tuổi đã bắt đầu phân hủy. Sợ quá tôi định bỏ đi nhưng nghĩ tội cho người xấu số nên vợ chồng tôi quay lại cố lấy dây thừng buộc vào cổ tay người đó để kéo vào bờ.

Do xác đã trương phình nên việc móc quần tìm điện thoại của nạn nhân để lấy sim gọi cho người thân đã khiến tôi phải nôn đến mấy lần. Sau bữa đó cả hai vợ chồng đều bỏ cơm…”, anh Lực chậm rãi kể.

“Sau 7 năm sinh sống trên đoạn sông này, tôi đã vớt được 4 xác người và cứu sống được 3 trường hợp tự tử”, anh Lực chia sẻ thêm. Đến nay, anh vẫn còn nhớ trường hợp một người đàn ông tầm 30 tuổi, đang uống rượu ở phía tây cầu Tiên Sơn thì không hiểu sao người này lại lao xuống sông.

“Nghe người trên cầu la, tôi liền chèo thuyền đến, sau một hồi vật lộn, cuối cùng tôi cũng kéo anh ta được lên thuyền chở vào bờ. Và thật bất ngờ, trong lúc tôi đang gọi điện thoại cho xe cấp cứu đến thì anh ta tỉnh dậy và đòi tiếp tục... nhậu!”, anh Lực nhớ lại câu chuyện dở khóc dở cười.

Anh Phan Văn Thu cũng từng 4 lần vớt xác người và 2 lần cứu người tự tử. Anh kể một kỷ niệm đáng nhớ: “Hôm đó là 8 giờ sáng một ngày tháng 8-2016, khi vợ chồng tôi chèo ghe đến gần cầu Rồng thì nghe người trên cầu la hét vì phát hiện một thanh niên nhảy cầu tự tử. Vợ chồng tôi chèo ghe đến ngay nhưng tìm mãi không thấy, đến khi định bỏ đi thì xác thanh niên lại nổi ngay trước mũi ghe”.

Còn có một trường hợp khá đặc biệt khi cả “làng chài” cùng hợp sức cứu sống. Đó là vào khoảng tháng 2-2015, một phụ nữ tầm 40 tuổi, nhà ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, giận gia đình nên 12 giờ đêm chạy xe đến giữa cầu Tiên Sơn và nhảy xuống sông tự tử.

Thế nhưng, lúc đang chới với giữa sự sống và cái chết thì chị lại tóm được một chiếc phao và bám cho trôi đến cầu Trần Thị Lý. Mãi đến 4 giờ sáng, vợ chồng anh Thu phát hiện được đã vội gọi những người làm nghề xung quanh đến đưa chị vào bờ.

Tính ra hơn 10 năm qua, “làng chài” nơi ngã ba sông này đã cứu được nhiều người tự tử và vớt khoảng 15 xác chết. Nói về “nghiệp” này, chị Trần Thị Lý (quê ở xã Duy Phước) - người phụ nữ hiếm hoi đủ tự tin tham gia vớt xác chia sẻ, đây là việc làm trái với quan niệm của người sống bằng nghề sông nước trước đây.

Bởi theo quan niệm cũ, người sống bằng nghề sông nước ít dám vớt người tự tử dưới sông khi họ chưa chết, vì như vậy có nghĩa mình phải thế mạng. “Nhưng đó là quan niệm cũ và sai, giờ đây chúng tôi chịu ơn dòng sông này đã giúp mình có miếng cơm để ăn hằng ngày, nên khi phát hiện có người tự tử hoặc phát hiện xác chết trôi sông thì bằng mọi giá phải cứu hoặc vớt được xác mới yên lòng”, chị Lý nói.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.