Vẫn mái tóc xoăn bềnh bồng, đôi mắt sáng và giọng nói sang sảng... Mấy mươi năm rồi mới gặp lại, thầy giáo Nguyễn Hoàng Thọ vẫn thế, dường như bất di bất dịch với thời gian. Nếu chỉ khác chăng là mái tóc lãng tử ngày nào giờ đã nhuốm trắng màu thời gian tựa mây ngàn cổ tự.
Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế Nguyễn Hoàng Thọ phát biểu tại lễ viếng anh Nguyễn Minh Đặng, người tự thiêu cầu nguyện hòa bình năm 1971. (Ảnh tư liệu) |
Khi biết đứa học trò ngày nào theo nghiệp văn chương đến thăm, sau mấy câu xã giao ban đầu, thầy lại say sưa đàm đạo chuyện đời, chuyện thơ như thể cố nhân lâu ngày gặp lại. Dường như nhiệt huyết của người sinh viên tranh đấu ngày nào vẫn cháy trong huyết quản của người thầy giáo mà cả một đời không toan tính, thị phi...
Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử*
Hồi còn đi học tại Trường cấp 3 Hòa Vang, cứ đến giờ giải lao là cả lớp chúng tôi quây lấy thầy vòi vĩnh kể chuyện. Đó là chuyện sinh viên, học sinh xuống đường tranh đấu đòi hòa bình, tự do, dân sinh, dân chủ vào cuối những năm 60 thế kỷ trước. Và Nguyễn Hoàng Thọ, chàng trai từ mảnh đất Câu Lâu, Duy Xuyên, Quảng Nam ra kinh thành học Trường Đại học Sư phạm Huế là nhân vật chính trong câu chuyện đậm màu sắc sử thi của thời cuộc.
Tham gia tích cực phong trào sinh viên tranh đấu, năm 1971, chàng trai Quảng Nam Nguyễn Hoàng Thọ liên tục giữ trọng trách là Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế, đồng Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng sinh viên Huế, Chủ tịch Ủy ban Sinh viên Thanh niên - Học sinh đòi quyền sống.
Cũng năm 1971, với tư cách Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế, anh về Đà Nẵng dự và phát biểu tại lễ viếng anh Nguyễn Minh Đặng, người tự thiêu cầu nguyện hòa bình tại ngã ba Cai Lang.
Thầy lấy trên giá xuống cuốn “Lịch sử Phong trào Đô thị Huế 1954-1975” của NXB Trẻ, giở đến phần phản ánh phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống áp bức cường quyền của học sinh sinh viên Huế, trong đó có đoạn nói về thầy.
Theo lời thầy kể, dấu ấn của thế hệ thanh niên vào thập niên 60-70 là những ngày mít-tinh, tuyệt thực, bãi khóa, xuống đường đốt xe Mỹ... trên đường phố Huế. Đó là những đêm thức trắng “hát cho đồng bào tôi nghe” ở các tụ điểm nơi công cộng như Giảng đường C, Giảng đường Karate (Trường Đại học Sư phạm) các trường trung học, chợ Đông Ba, khu dân cư...
Và đó còn là những tháng năm ngục tù tại nhà giam Gia Long, lao Thừa Phủ, Chí Hòa, Côn Đảo… Ngày ấy, chúng tôi không thể nào hình dung được cảnh thầy bị cảnh sát chế độ cũ còng tay dẫn độ tới phòng thi để dự kỳ thi tốt nghiệp đại học vào năm 1972. Sau tiếng trống hết giờ, cảnh sát lại còng tay giải về trại giam chờ đến mai thi tiếp...
Hôm chúng tôi đến thăm thầy, thầy vui lắm, nói chuyện mãi không thôi. Những tấm hình về một thời đấu tranh được thầy cẩn thận lồng vào khung kính treo trên tường. Những bản thảo thơ viết trên giấy học trò đã úa màu vẫn hừng hực khí thế xuống đường được tác giả lưu giữ như một kỷ niệm lộng lẫy. Có lẽ vì đã từng sống trọn vẹn trong những ngày sục sôi của đất nước nên thầy đã viết lên vần thơ đầy mơ ước:
Mai đây ngày Việt Nam mới
Xin nhớ về dạy trường làng
Để thấy trong tim
Hồng lên dòng lịch sử.
(Huế, 8-1970)
Phù sa rưng rưng*
Đó là những năm sau giải phóng, chúng tôi trở lại trường học trong tâm trạng ngơ ngác, lo âu của một thế hệ thanh niên miền Nam đối với nền giáo dục cách mạng. Rồi thầy đến..., tóc bồng bềnh lãng tử, giọng đọc thơ đầy tráng khí.
Những giờ văn từ đó dường như được chắp thêm hồn phách. Chúng tôi đã học Từ ấy, Mẹ Tơm (Tố Hữu), Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên)... trong niềm mê say không tưởng. Chừng như không phải thầy mà là chàng sinh viên ngày nào giờ đứng trên bục giảng, ánh mắt hừng hực lửa đấu tranh và giọng nói âm vang nhiệt huyết của một thời.
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ (thứ ba, từ phải) và các bạn thơ trong buổi ra mắt tập thơ Phù sa rưng rưng. |
Thầy hỏi tôi còn nhớ những ngày đùm cơm trong mo cau đi học lớp bồi dưỡng Văn mà thầy phụ trách. Lúc đó thầy thường nói đùa: “Chúng ta là những người ăn sắn khoai mà bàn luận văn chương. Vì cái đẹp phải được nuôi dưỡng bằng tình yêu, niềm say đắm chứ không phải bằng vật chất tầm thường...”.
Năm 1980, thầy trò dắt díu nhau đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh tại Trường cấp 3 Điện Bàn, nay là Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu. Thầy ngồi chờ ngoài cổng trường, mua từng ổ bánh mì, đùm chè ấn vào tay từng đứa: “Ăn cho no lấy sức mà làm bài”.
Bọn chúng tôi nghịch ngợm lấy câu nói kinh điển của thầy ra trêu: “Cái đẹp phải được nuôi dưỡng bằng tình yêu... chứ không phải bằng bánh mì và chè mô thầy ơi!”.
Trở lại chuyện xưa, thầy kể, ra trường năm 1972, thầy về dạy tại Trường Trung học Hiếu Đức, một ngôi trường nhỏ ở vùng quê Túy Loan hiền hòa, nay là Trường THPT Ông Ích Khiêm. Sau ngày thống nhất đất nước, những người có lý lịch “đỏ” như thầy rất hiếm.
Nhưng thầy không chọn những trường lớn ở thành phố mà về làm Trưởng ban Điều hành Trường Hòa Nam, sau đổi thành Trường THCS Hòa Phước, nay là Trường THCS Nguyễn Văn Linh. Hai năm sau thầy lại được phân công về dạy môn Ngữ văn tại Trường cấp 3 Hòa Vang. Và ngôi trường cuối cùng thầy gắn bó trước khi về hưu là THPT Nguyễn Trãi thuộc quận Liên Chiểu với cương vị Hiệu phó chuyên môn.
Nếu làm một phép tính giản đơn về số học trò mà thầy giảng dạy qua từng ấy năm thì có lẽ sẽ lên đến hơn chục nghìn người chứ chẳng chơi. Dù đã lâu lắm rồi nhưng thầy vẫn còn nhớ rõ họ tên một vài nhân vật “nổi cộm” thời đi học. Học trò nay đã có người lên lão, có người làm tướng, địa vị cao sang nhưng chẳng ai quên được bài học thầy dạy làm người.
Thầy bảo, mấy hôm trước trò S. ở Hà Nội có gọi điện thăm thầy. (trò S. mà thầy nhắc trong câu chuyện hiện đang làm việc Trung ương với hàm cấp tướng). Trò S. hỏi, thầy muốn em làm chi cho thầy không? Thầy đã nói với trò S. rằng: “Em hãy làm một ngưới lính chân chính. Và thầy sẽ luôn mong em luôn khỏe mạnh, bình yên”.
Người ta có thể nói về người thầy với nhiều mỹ từ cao quý. Riêng chúng tôi, những đứa học trò nhà quê luôn ví thầy như một dòng sông. Nước sông có khi vơi khi cạn. Thầy cũng mang những ái ố hỉ nộ của đời thường nhưng chưa bao giờ nguôi quên ước mơ “về dạy trường làng” như một cách mang phù sa kiến thức để bồi đắp những thế hệ tương lai. Âu đó cũng là cách trả nợ mảnh đất quê đã nuôi thầy lớn khôn.
Vọng âm*...
Từ hồi thầy về hưu, tôi ít được gặp thầy trong những lần sinh hoạt chuyên môn của ngành giáo dục thành phố. Thỉnh thoảng đọc thơ thầy đăng trên Báo Đà Nẵng, Thanh Niên, Tạp chí Non Nước, Sông Hương... mà thấy lòng rưng rưng muốn khóc. Thầy vẫn thế, lãng tử, tài hoa và đầy khắc khoải, ưu tư với cuộc đời…
Không phải bây giờ thầy mới làm thơ, mà hầu như thầy đã dành cuộc đời cho thơ ca. Thơ của thầy như một vọng âm của một tâm hồn yêu lý tưởng, yêu cái đẹp. Cho đến bây giờ, khi có dịp trò chuyện với thầy thì hai từ “cái đẹp” luôn được thầy nhắc đến như một vùng đất thiêng liêng mà thầy là một khách hành hương đầy khát khao tìm về đất thánh.
Cầm tập thơ “Phù sa rưng rưng” trên tay, tác phẩm đoạt giải nhất của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng năm 2014, do đích thân thầy ký tặng, tôi có cảm giác như vừa nhận được một gia tài. Không hiểu sao tôi vẫn thích cách so sánh tập thơ một dòng sông chắt chiu từng hạt phù sa óng ánh bồi đắp đôi bờ.
Con sông thơ ấy chảy qua một thời trai trẻ mang khát vọng hòa bình tự do mà thượng nguồn hào sảng đậm chất tráng ca, chở những khắc khoải ưu tư chậm rãi chảy qua miền bình nguyên rộng lớn của cuộc đời và cũng đầy lưu luyến vấn vương trước khi về biển cả. Nhiều bài thơ tâm đắc của thầy đã được đăng ở các tập thơ lớn như: Ngày quật khởi (in chung), Chưa mưa đã thấm (Tuyển thơ Quảng Nam), Đà Nẵng yêu thương (Thơ Đà Nẵng)...
Có thể nói, từ ngày rời bục giảng đến nay, thầy đã có đủ thời gian để sống hết mình với thi ca. Mấy năm nay thầy tham gia CLB Thơ Liên Chiểu với cương vị chủ nhiệm. Mỗi năm CLB cho ra hai ấn phẩm mang tên Khúc giao mùa và Tin xuân.
Với tên tuổi nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ, thầy đã mời được nhiều cây bút có tiếng trong và ngoài thành phố tham gia viết bài. Không những vậy, nhiều mạnh thường quân là học trò cũ của thầy ở khắp nơi đều ủng hộ vật chất đã góp phần làm nên chất lượng của ấn phẩm. Nếu không nói quá thì khắp các quận, huyện ở Đà Nẵng, chưa có CLB thơ nào hoạt động mạnh và tạo nên thương hiệu như CLB Thơ Liên Chiểu.
Có lần thầy tâm sự, cái duyên cái nợ với nghề giáo vận vào thầy từ những năm thầy học bậc trung học. Cứ mỗi hè về quê, hồi ấy thầy trọ học tại Đà Nẵng, thầy lại mở lớp dạy hè cho trẻ con ở quê ngoại Đại Lộc để lấy tiền trang trải cho năm học mới. Trưởng thành trong phong trào sinh viên đấu tranh thập niên 60-70.
Rồi ra trường đi dạy ở các vùng quê như mong ước. Thầy thú nhận rằng, chính học trò đã khơi nguồn sáng tạo cho mình trong việc dạy học và làm thơ... Những thế hệ học sinh nối tiếp nhau trưởng thành là chất liệu để những bài thơ đau đáu tình người của thầy mãi vang vọng những triều âm thánh thót.
Dường như thầy đã cố ý chọn cho mình một nhánh sông riêng để mải miết chảy trong cõi đời vô tận...
Ghi chép của NHƯ HẠNH
..................................................................................................
* Tên các bài thơ in trong tập thơ Phù sa rưng rưng của nhà giáo Nguyễn Hoàng Thọ.