Không có công sinh nhưng có công dưỡng, chỉ cần đối đãi với nhau bằng ân tình, người dưng bỗng hóa người thương, cùng nhau xây nên những tổ ấm thực sự.
Vợ chồng ông Liên, bà Bốn. |
Khi “bánh đúc có xương”
Mối quan hệ mẹ kế - con chồng trước đến nay vốn xảy ra nhiều chuyện bất đồng. Thế nhưng, cuộc sống vẫn có không ít những “dì ghẻ” với trái tim đầy yêu thương, dành cả đời để nuôi nấng những đứa con không phải do mình rứt ruột sinh ra. Và cũng không phải đứa con chồng nào cũng ruồng rẫy người “mẹ” không sinh ra mình.
Đã dăm bảy lần chạy xe bon bon trên những tuyến đường thênh thang lộng gió thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, neo đậu trong lòng tôi không phải là những khu đô thị mới, dự án giao thông liên tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp rộng rãi, khang trang mà ở vùng đất anh hùng đó, tôi đã chứng kiến một tổ ấm thực sự. Nơi đó có người phụ nữ dành cả cuộc đời để chăm bẵm đứa trẻ bị chất độc da cam không phải do mình “mang nặng đẻ đau” mà là con riêng của chồng với người vợ trước. Trong căn nhà số 3, đường Lương Thúc Kỳ ấy, nỗi đau chiến tranh vẫn còn hiện hữu, nơi khuôn mặt của cô gái đã 37 tuổi nhưng trí óc vẫn là trẻ lên ba. Cô gái có cái tên thật đẹp - Trương Thị Ngọc Lan, là con gái của ông Trương Ngọc Liên (sinh năm 1954) và bà Nguyễn Thị Bốn (1952). Cô không nói được nhiều, chỉ chắp vá vài chữ. Chỉ mình mẹ Bốn là hiểu thứ ngôn ngữ đó. Hơn 20 năm làm vợ ông Liên là cũng chừng ấy năm bà ngủ cùng con.
Cô gái nằm bất động nhưng cảm nhận được tình yêu thương của mẹ. “Nó sẽ không chịu đi ngủ nếu vợ tôi không vào gãi lưng, hát ru nó”, ông Liên nói.
Bà Bốn kể, bà và ông Liên đến với nhau khá muộn mằn. Khi đó bà đã gần 40 tuổi, còn ông thì vợ mất, một mình nuôi 3 đứa con, đứa út đã 12 tuổi, lại bệnh tật. Cả gia đình, dòng họ nhà bà đều phản đối, vì sợ bà không thể chịu nổi những khó khăn, vất vả phải đối mặt mà ai cũng có thể lường trước được.
Hồi đó cũng có nhiều người đến với ông Liên nhưng khi biết ông có một đứa con bị nhiễm dioxin, họ vội quay lưng. “Tôi vốn là đồng chí, đồng đội của ông ấy, cũng từng công tác trên vùng rừng núi Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang). Đến với ông ấy, chúng tôi cũng có một đứa con chung nhưng tiếc là, đứa bé đã không giữ được. Từ đó, tôi không sinh nở nữa, nguyện xem Lan là con ruột. Tôi không còn khả năng sinh nở nhưng bản năng làm mẹ của người phụ nữ thì luôn thường trực. Có lẽ, bởi sự khao khát hơi ấm của một sinh linh bé bỏng nên cứ nghe Ngọc Lan gọi “mẹ” dù không tròn chữ, tôi cảm thấy hạnh phúc vô vàn. Chưa bao giờ tôi mảy may suy nghĩ đứa con này là con riêng của chồng, nó là con của tôi”, bà Bốn bày tỏ.
Nhìn cô gái nằm trên giường bệnh hơn 30 năm nhưng căn phòng không hề có mùi ẩm mốc, hôi thối, ngược lại, rất sạch sẽ và thoáng mát, đủ hiểu sự yêu thương của mẹ Bốn không chỉ biểu thị bằng lời nói. Chỉ chớm thấy những cơn gió giao mùa, bà đã lục tục lo giữ ấm cổ, lau rửa bằng nước ấm cho con. Những ngày ấy, Ngọc Lan sẽ cực kỳ cáu gắt, khó chịu. Hàng trăm đêm mất ngủ theo con không đong đếm được tình mẹ.
Ông Liên kể, khi những chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi đất nước Việt Nam cách đây hơn 40 năm, là cũng chừng ấy thời gian, kẻ thù ngừng dội bom, súng ngừng bắn nhưng di chứng chiến tranh thì chưa ngày nào ngừng hành hạ những người lính cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… bị nhiễm chất độc da cam trở về. Bản thân ông từ ngày tham gia vào cuộc chiến đã biết bao nhiêu bận tưởng chết tới nơi mà vẫn sống được. Bao nhiêu khổ cực ông vượt qua được, vậy mà “chạy trời cũng không khỏi nắng”. Những ngày ông cùng đồng đội tạm trú trên vùng rừng núi thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), chỉ một đêm thức dậy, cả tiểu đội đã bàng hoàng chứng kiến một vùng rừng núi rộng lớn phủ một màu xám xịt. Đó là lần đầu tiên ông biết đến “rừng trắng” là như thế nào. Có những cây chò cao 40-50 mét, vòng tay 2 người ôm không xuể cũng trụi lá.
Dẫu biết địch đã rải chất độc dioxin lên khắp vùng rừng núi này nhưng tiểu đội của ông không còn cách nào khác vẫn phải ăn rau rừng, uống nước suối ấy. Mớ rau dại, búp măng rừng, vốc nước suối độc hại đã ngày ngày ngấm vào cơ thể ông. Người vợ đầu của ông - cũng là một người đồng chí, đồng đội đã qua đời vì ung thư dạ dày khi đứa con gái út bệnh tật mới 12 tuổi. “Hồi tôi và Bốn đến với nhau, ai cũng nói “thôi, rổ rá cạp lại”. Chỉ chúng tôi biết, gia đình mình thực sự là tổ ấm. Chẳng có khái niệm mẹ kế, con chồng. Chỉ có ba, mẹ, con. Bả còn nói, chính Lan là sợi dây liên kết mối lương duyên vợ chồng của tôi với bả. Thực sự, tôi rất biết ơn người phụ nữ này”, ông Liên bộc bạch.
Tình yêu của bà Bốn dành cho người con chồng tật nguyền khó có thể tìm thấy ở cả những câu chuyện cổ. Khi bóng chiều đổ dài trên các ngả đường, trong căn nhà ấy, chẳng cần đợi đến ngày bánh đúc có xương, mà vẫn tồn tại người dì ghẻ thương yêu con chồng.
Trái tim lớn của người cha
Mỗi khi đặt bút xuống ghi những dòng chữ lý lịch, tôi thường dành một vài phút để nghĩ về quê quán, dòng tộc mình. Sự dính líu với nhau từ cái họ, tên đệm của những người thân trong gia đình khiến tôi thấy ấm áp và có điểm tựa. Thế nhưng, có phải ai cũng may mắn có cội nguồn để nghĩ về không? Tôi biết về câu chuyện của cha con anh Lê Văn B. (sinh năm 1984, trú đường Chu Huy Mân, quận Sơn Trà) qua một người bạn. Bạn kể, nhà bạn và nhà anh B. là hàng xóm với nhau cả mấy chục năm. Chơi với nhau từ thuở nhỏ nhưng phải đến lớn, bạn mới biết, anh B. không phải là con ruột của bác Lập. Cũng bởi hai cha con B. rất quấn quýt, gần gũi nhau. Đến giờ, khi B. đã có gia đình, bác Lập cũng là người đón đưa, chăm bẵm cháu nội.
Bà Bốn (ngồi) bảo, cô con gái tật nguyền chính là sợi dây liên kết bền chặt cho mối lương duyên của bà và ông Liên. Ảnh: Q.T |
Theo lời B., cha ruột đã chối bỏ mẹ anh khi anh chỉ là bào thai trong bụng. Anh lên 3 tuổi thì mẹ tái giá với ba Lập. Tiếc rằng, hai người đến với nhau mà không có đứa con chung. Đó cũng là điều khiến anh ray rứt, đau lòng nhất mỗi khi nghĩ về ông. Cả cuộc đời tảo tần vất vả sớm hôm cùng mẹ anh nuôi nấng anh trưởng thành. Đến giờ, ở tuổi 60, ông vẫn dậy từ 3 giờ sáng để phụ mẹ, đặng kiếm thêm ít đồng cho cháu nội đóng học phí. “Ba làm việc nhiều, gầy lắm, chỉ tầm 50-55 kg thôi. Có lẽ số phận đã đưa đẩy chúng tôi gặp nhau, trở thành người một nhà. Tôi chỉ có ông là cha và ông cũng chỉ có duy nhất tôi là con mà thôi”, anh B. nói.
Thông thường, chuyện cha ruột, cha dượng chỉ khúc mắc về mặt tình cảm. Nếu đã gỡ được nút thắt ấy, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Thế nhưng với B., ít nhiều nó ảnh hưởng đến công việc của anh. Trong lần ghi lý lịch để xin việc, ở mục họ và tên cha, anh đã lưỡng lự không biết nên ghi tên cha ruột hay ba Lập. Giấy khai sinh của anh vẫn mang họ Lê của người cha có công sinh. Nếu anh tiếp tục ghi tên ba ruột thì mọi chuyện quá đơn giản. Nhưng trong đầu anh khi ấy chỉ hiện lên những kỷ niệm ấu thơ êm đềm bên ba Lập. Những lần hai cha con cùng đi biển, những cười đùa không dứt trong các bữa cơm, những ngày ba tất tả chạy tới chạy lui chăm anh đau ốm.
Rõ ràng nhất là kỷ niệm những ngày anh đi bộ đội. Địa điểm đóng quân cách nhà cả trăm cây số, bà con ruột thịt bận bịu mưu sinh chẳng ai nhớ đến anh, chỉ có ba là đều đặn ra vô thăm nom… Đến đâu cũng giới thiệu: “Tui là ba thằng Tý”. Ân tình của ông cả đời này anh cũng không trả được… Nghĩ đến đó, anh cắm cúi ghi họ tên cha: Ngô Văn Lập. Chính sự khác nhau về tên cha đã khiến lý lịch của anh vướng mắc đủ chỗ mỗi khi làm giấy tờ/xin việc… “Ba Lập đã dành cả cuộc đời cho tôi, cho mẹ tôi, không lẽ, chỉ việc để tên ông trang trọng ở vị trí cha mình mà tôi cũng không cho ông được thì tôi có xứng đáng làm người không?”, anh B. bộc bạch.
Trong khi đó, với ông Lập cũng như bà Bốn đều coi những đứa con riêng của vợ chồng mình là món quà ông trời sắp đặt cho họ. Và vì là những “món quà” nên họ sẵn lòng đón nhận và nâng niu những đưa con ấy như sinh mệnh của mình với tình thương, sự bao dung chân thành, giản dị mà không giờ tự nghĩ rằng, họ đã làm nên những điều kỳ diệu, đẹp đẽ giữa đời thường.
Q.T