Kỷ niệm ngày Thương binh – liệt sĩ năm nay có lẽ là thời gian khó quên nhất của vợ chồng cựu chiến binh (CCB) Trần Thanh Hạ và Nguyễn Thị Bích Diệp, hiện ở số 26 đường Bàu Trắng 2, phường Thanh Khê Tây (Thanh Khê). Đó là công trình bia tưởng niệm liệt sĩ mà họ và đồng đội dày công xây dựng sắp đến ngày hoàn thành.
Vợ chồng cựu chiến binh Trần Thanh Hạ viết giấy mời gửi các đại biểu dự khánh thành nhà bia tưởng niệm. Ảnh: T. T. H |
Ngọn đồi đỏ lửa
54 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về ngọn đồi đau thương vẫn hằn sâu trong trái tim những người còn sống. Một buổi sáng ngày 2-8-1966 kinh hoàng. Tại xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức, Quảng Nam (Sơn Tân, Quế Sơn trước đây), 52, cán bộ, bác sĩ, y sĩ, thương binh Bệnh xá C33 đã hy sinh trong trận ném bom của Mỹ vào nơi trú ẩn. Theo các CCB, tiền thân của C33 là Đội điều trị 6 từ Hà Nội vào Quân khu 5 và tăng cường cho Sư đoàn 2.
Sau khi phục vụ các trận đánh ở Quảng Ngãi, C33 được bổ sung lực lượng và đứng chân ở thôn Tân Thuận, nhận thương binh ở các chiến trường về điều trị. Ban chỉ huy và bác sĩ, y sĩ chủ yếu từ miền Bắc vào. Bệnh xá đứng chân trên một ngọn đồi hẻo lánh, cây cối um tùm, lán trại lợp bằng lá tranh săn. Tuy dã chiến nhưng C33 khá quy củ, có sức chứa cả trăm người. Bác sĩ Nguyễn Công Vị làm đội trưởng. Đồng chí Huỳnh Văn Được làm chính trị viên. Vài tháng sau khi đưa vào hoạt động thì một biến cố xảy ra.
CCB Đà Nẵng Nguyễn Thị Ngọc Dậu, nguyên nhân viên dược của Bệnh xá C33 kể: “Sáng 2-8-1966, chúng tôi có buổi tập huấn. Tầm 8 giờ, mọi người tập trung tại hội trường nghe Ban chỉ huy lên lớp. Tôi đáng lẽ cũng đã vào trong và biết đâu đã hy sinh nhưng anh Quyền gọi giật lại phía nhà bếp: “Mày vô đây, anh cho vài miếng cơm cháy”.
Đúng lúc đó, mấy chiếc máy bay của Mỹ vút qua. Ông Được hô to: “Các đồng chí chú ý, phản lực lên!”. Vừa dứt lời, thì loạt bom B57 ầm ầm đổ xuống. Im tiếng nổ, tôi chạy vào thì thấy cảnh đau thương kinh hoàng trước mắt. Chính trị viên Được bị đứt ngang đùi. Bác sĩ Châu gục trên ghế, mảnh đạn găm vào tim. Đội trưởng Vị bị thương nặng (nay đã mất), Anh Đức đứt ruột, 5 cô bạn y tá của tôi nằm bất động.
Thương binh cũng sập hầm, dính bom. 52 người hy sinh tại chỗ, nhiều nhất là cán bộ, quân y của bệnh xá…”. CCB Khiếu Tiến, quê Thái Bình, hiện trong Ban liên lạc Cựu Quân y Sư đoàn 2 cánh Bắc kể: “Tôi làm tài vụ của Bệnh xá, hôm ấy ở vòng ngoài đón tiếp anh chị em nên vì thế mà sống sót. Địch đánh hơi bằng cách nào mà sáng hôm ấy oanh tạc dữ dội, gây thiệt hại lớn cho đơn vị. Chúng tôi chôn liệt sĩ trên đồi, dựng tấm bia bằng gỗ, một số ghi tên bỏ vào trong lọ penixilin, hoặc khắc lên các hòn đá. Sau giải phóng, khu mộ được đưa vào nghĩa trang, tên tuổi vẫn còn. Nhưng khi xã dời hài cốt một lần nữa, đưa vào nghĩa trang lớn, thì gần như mất hết danh tính. Số liệt sĩ có tên còn rất ít, may mắn có anh Được, sau này gia đình đã đưa về quê hương”.
Cũng theo các CCB Nguyễn Thị Ngọc Dậu, Khiếu Tiến, 10 năm qua, cứ hai năm một lần, Ban liên lạc lại tổ chức lần gặp mặt ngoài Bắc hoặc trong Nam. Mỗi lần như vậy họ lại tìm và bổ sung thông tin đồng đội đã ngã xuống ở Tân Thuận. 31 liệt sĩ đã được xác định có tên và quê quán.
Không chỉ các cựu quân nhân mà bà con địa phương đều mong có một bia tưởng niệm và ghi danh liệt sĩ ở Hiệp Thuận, tuy nhiên do điều kiện chung mà nguyện ước ấy chưa thực hiện được.
Không còn vô danh
CCB Trần Thanh Hạ, Trưởng ban liên lạc Cựu Quân y Sư đoàn 2 là người đau đáu với đồng đội đã hy sinh ngày 2-8-1966, dù thời điểm ấy, ông không có mặt. 8 năm làm bí thư chi bộ, vừa nghỉ, thì trọng trách mới lại giục giã ông. Nói chuyện làm bia tưởng niệm với đồng đội, mọi người đều bảo: “Hạ phải trực tiếp ra tay thôi, không ai khác đâu”.
Bà Nguyễn Thị Bích Diệp, vợ ông, CCB Cục Hậu cậu Quân khu 5, động viên chồng: “Thôi thì ông làm đi, chứ vài năm nữa, sức yếu, có muốn cũng khó, tôi sẽ hỗ trợ ông”. Vậy là với sự trợ giúp đắc lực của vợ, ông Hạ bắt tay vào hành trình xây bia tưởng niệm liệt sĩ từ giữa năm 2019.
Công trình bia tưởng niệm đang được xây dựng. Ảnh: T. T. H |
Ông cùng Ban liên lạc viết thư ngỏ gửi cho hơn 80 đơn vị và cá nhân ở khắp các miền Tổ quốc. Nơi xa qua buu điện, nơi gần gửi trực tiếp. Tuổi 77, mắt đã kém, vậy mà lúc xe máy, khi lái ô-tô, ông Hạ rong ruổi khắp nơi, có ngày đi hàng trăm cây số.
Vợ chồng ông cũng đi khảo sát mô hình các nhà bia, có khi nhờ bạn bè từ các tỉnh phía Nam gửi ra. Việc đặt nguyên vật liệu, vận chuyển, giao người thiết kế, phối cảnh sao cho trang trọng, ông bà cũng trực tiếp chọn lựa. Cả hai sử dụng Zalo, làm việc, liên hệ qua internet với các ngành chức năng khi cần.
Tin vui tới tấp ùa về. Nhiều cựu quân nhân sẵn sàng đóng góp cả chục triệu đồng như ông Phạm Minh Tạo, bà Trương Thị Một... CCB Nguyễn Khắc Diên, lương hưu chỉ 2 triệu đồng/tháng vẫn bỏ thêm vào để ủng hộ 2,5 triệu đồng. Với Bộ tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Hiệp Đức, Ban Liên lạc có nhiều buổi làm việc và nhận sự phối hợp chặt chẽ từ hỗ trợ kinh phí đến thủ tục pháp lý.
Tổng số tiền các địa phương, đơn vị và cựu quân nhân Sư đoàn 2 ủng hộ xây dựng bia đã lên đến 400 triệu đồng. Hội CCB Hiệp Thuận coi việc của Sư đoàn 2 như việc của mình. Ông Đặng Đông, người của xã tự nguyện hiến đất, chặt hết vườn keo gia đình rộng 300m2 (ngay dưới chân đồi năm xưa) để xây bia tưởng niệm.
Dự định tiến hành sớm nhưng rồi Covid-19 xảy ra làm ngưng trệ trong khi ruột gan ông bà như lửa đốt. Ngày 16-5, thắp nén hương cho các liệt sĩ trong lễ khởi công mà ông bà và các CCB không thể ngăn dòng nước mắt. Từ đó đến nay, hai vợ chồng ông Hạ đã có 7 chuyến đi đôn đốc, coi ngó việc xây dựng.
Cũng chính thường xuyên lên thực địa mà họ phát hiện 14 hòn đá ghi tên tuổi liệt sĩ đã bị thất lạc trong lúc di dời mộ trước đây. Ngày 26-7 năm nay, Ban Liên lạc Cựu Quân y Sư đoàn 2 dự định sẽ hoàn thành công trình ý nghĩa này với khoảng 150 khách mời. Nơi đây sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ xã miền núi Hiệp Thuận giàu truyền thống cách mạng.
Tháng 7 lại về, các anh dù đã ra đi nhưng vẫn còn sống mãi trong trái tim những người ở lại.
HỒNG VÂN