Tình yêu mà cô giáo Bùi Thị Trường (70 tuổi), nguyên giáo viên Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) cùng chồng dành cho con mình rất khác biệt. Để rồi “trái ngọt” mà họ có được hôm nay là những cống hiến không biết mệt mỏi của con trai - người đang tiên phong trong việc tìm kiếm những hoạt chất mới, giúp chống bệnh ung thư.
Tiến sĩ Phạm Trường Sơn (phải) cùng bố mẹ trong một lần qua Hungary thăm con. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Người con trai Phạm Trường Sơn (sinh 1980) là tiến sĩ hóa dược người Việt hiếm hoi đang làm việc tại Viện Hàn lâm Hungary. Anh nổi tiếng qua nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm thảo dược giúp tăng sinh tế bào gốc trong hỗ trợ điều trị ung thư.
Từ năm 2007, khi còn là nghiên cứu sinh, anh được thế giới biết đến khi vượt qua 148 ứng viên là các giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng để giành giải thưởng đặc biệt cuộc thi nghiên cứu khoa học toàn Hungary. Nghiên cứu của anh là đề tài trong lĩnh vực Hóa học, điều chế loại đồng phân quang học duy nhất của hóa chất afma-amino-phosphonates, 2 dược chất quan trọng có tác dụng hạ huyết áp và làm thuốc kháng sinh. Chỉ 3 năm sau khi đứng lên bục vinh quanh, anh được mời vào làm việc chính thức tại Viện Hàn lâm Hungary cho đến bây giờ.
Cậu bé “không có điểm 10”
Trong căn nhà nhỏ nép mình bên Trường THCS Tây Sơn, cô Bùi Thị Trường nhớ như in những tháng năm cả gia đình cùng vượt qua khó khăn để duy trì cuộc sống. Vốn là giáo viên dạy Hóa, những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống của giáo viên còn chật vật hơn những nghề lao động phổ thông khác. Chồng cô, ông Phạm Quốc Long, vốn phục vụ trong quân đội, sau đó được tổ chức cử đi học kinh tế nên thời gian đi công tác, bôn ba ngược xuôi Nam Bắc nhiều hơn ở nhà. Một mình cô Trường đảm trách công việc đứng lớp, thay chồng chăm sóc, dạy dỗ con nên người.
“Mình có lợi thế, đó chính là làm giáo viên nên nhìn thấy khả năng của con. Và việc cần làm ngay lúc đó là cố gắng giúp con phát huy khả năng đó”, cô Trường nhớ lại.
Do có năng khiếu về môn Hóa học nên khi lên học cấp 2 tại Trường THCS Tây Sơn, anh Sơn được chọn vào lớp chuyên Hóa do chính mẹ mình phụ trách. Để con chuyên tâm vào việc học tập, phấn đấu, cô Trường cũng giấu tiệt với nhà trường, các giáo viên dạy bộ môn khác về mối quan hệ mẹ con này. “Ưu thế” có mẹ dạy môn chính mà anh Sơn nhận được cũng rất khác biệt:
“Mọi bài thi, bài kiểm tra của nó cô đều chấm kỹ lưỡng, khắt khe. Chỉ cần một lỗi nhỏ là bị trừ điểm ngay. Trong những năm học môn Hóa do chính mẹ dạy, Sơn chưa bao giờ được điểm 10. Có lần nó còn tìm gặp cô giáo chủ nhiệm, đề nghị kiện cô giáo dạy môn Hóa vì lý do bài làm giống y đúc như các bạn mà sao luôn thấp điểm, trong khi các bạn lại 10 điểm”, cô Trường nhớ lại.
Sự khắt khe của người mẹ khiến cậu học trò có niềm đam mê mãnh liệt với môn Hóa học càng cố gắng lấn sâu tìm kiếm trong kho tàng tri thức. Vốn được đào tạo trong môi trường quân đội, dù nghiêm nghị, khó tính nhưng ông Phạm Quốc Long cũng phải thừa nhận về con mình: “Ai đó có thể nói nó thông minh, giỏi giang nhưng người làm bố, làm mẹ chúng tôi thấy, yếu tố nền tảng của Sơn không phải nằm ở đó mà chính là sự khiêm tốn, cần cù, chịu khó và không hề biết nản chí”.
Là cậu học trò yếu ớt, nói cà lăm nên không tự tin trước đám đông, Sơn từng bị bạn bè trêu chọc, chặn đánh mỗi khi tan trường. Những lúc ấy, ông Long lại lặng lẽ tìm đến nhà các bạn, khuyên răn, nhắc nhở như một cách bảo vệ và giúp con hòa đồng với thế giới học trò.
Có lẽ vì những hy sinh lặng thầm, bền bỉ bên con từ những điều nhỏ nhất mà họ nhận thấy, con mình không chỉ có nghị lực, quyết tâm mà còn có một tâm hồn lương thiện, sống tình cảm và biết lo cho người khác. Sau khi học hết THCS, anh Sơn vào lớp chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, học Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và sau đó nhận được học bổng du học tại Hungary.
Ra đi để trở về
Cuối tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã tổ chức vinh danh, trao giải thưởng “Huy chương vàng vì sức khỏe cộng đồng” cho 8 sản phẩm do anh Sơn trực tiếp nghiên cứu, chiết xuất 100% từ thảo dược thiên nhiên bảo đảm tiêu chuẩn châu Âu theo tiêu chí “Phòng và chữa bệnh từ gốc”. Tuy nhiên, đây không phải là những sản phẩm đầu tiên mà anh Sơn cùng các cộng sự nghiên cứu, đem về phục vụ quê hương. Trước đó, anh cùng hai bạn thân cũng là đồng nghiệp là tiến sĩ Toth Szilard và tiến sĩ Zajta Erik làm việc tại Viện Hàn lâm Hungary đã mang công trình “tăng sinh tế bào gốc” và “Flavonoids giải pháp chống nhờn hóa trị trong điều trị ung thư” về giúp người bệnh ung thư tại quê nhà.
Anh Sơn cho biết, hiện nay trên thế giới, để làm chậm lão hóa, phòng và chữa trị các bệnh hiểm nghèo, người ta sử dụng phương pháp y học tái sinh, còn được gọi là tế bào gốc. Nhưng phương pháp này khá đắt đỏ, có nguy cơ biến chứng. Từ thực tế đó, anh và các đồng nghiệp tập trung nghiên cứu theo hướng kích thích tăng sinh tế bào gốc trong chính cơ thể bằng sử dụng chiết xuất thảo dược mà không cần nuôi cấy ghép. Phương pháp này vừa kinh tế, vừa an toàn cho người bệnh.
Những hình ảnh, kỷ vật của con thuở nhỏ vẫn được vợ chồng cô giáo Bùi Thị Trường lưu giữ cẩn thận. Ảnh: PHAN CHUNG |
Theo nghiên cứu của anh Sơn, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ ung thư thuộc vào loại cao trên thế giới. Người bệnh chỉ được phát hiện khi các biểu hiện, biến chứng bộc lộ ra ngoài. Khi đó, việc điều trị dường như đã muộn và rất tốn kém.
“Ung thư là cả một quá trình mà chủ yếu nhất là do ăn uống, lối sống và môi trường ô nhiễm gây ra. Vì vậy từ khi còn rất trẻ chúng ta cần phải ý thức và có kiến thức để bảo vệ sức khỏe. Mong ước của mình là thế hệ trẻ hãy xem việc tập luyện và bảo vệ sức khỏe quan trọng như việc học tập mỗi ngày. Có như vậy chúng ta mới có được một nền tảng sức khỏe tốt để chống lại bệnh tật”, anh Sơn cho biết.
Ở tuổi 40, anh vẫn đang miệt mài với các công trình khoa học ở mức độ vĩ mô. Việc nghiên cứu, tìm kiếm các hoạt chất mới có tác dụng chống lại các loại bệnh tật, đặc biệt là ung thư đang được anh và đồng nghiệp nghiên cứu ngày đêm.
Chia sẻ về quá trình học tập, phấn đấu, anh không ngần ngại tự hào về bố mẹ mình: “Từ nhỏ mẹ luôn khuyến khích và luôn tin tưởng dù có những lúc mình không thành công hay gặp thất bại trong học tập cũng như công việc. Còn bố mình, là người khó và kỹ tính nhưng lại rất yêu thương con, dù ít khi thể hiện. Có những giai đoạn kinh tế gia đình khó khăn, bố mất việc làm nhưng vẫn luôn nỗ lực, cố gắng để lo cho con. Thậm chí, mình vô tư theo đuổi việc học đến mức không hề biết là bố mẹ đã bán cái đồng hồ kỷ vật ngày cưới để mình đủ tiền đi thi đại học trong TP. Hồ Chí Minh”.
Tình yêu thương của cha mẹ đã chạm vào nơi tưởng như yếu đuối nhất của người con ham học, sống tình cảm và không ngừng nỗ lực. Ngày tháng cứ thế trôi đi, và giờ đây dù đã gần 20 xa nhà học tập và ở lại làm việc nơi xứ người nhưng trong thâm tâm anh Sơn vẫn luôn hướng một nơi để trở về: Việt Nam!
“Sinh ra, lớn lên trên quê hương Việt Nam, mình nợ quê hương nhiều mà chưa trả được nên trong khả năng bản thân, luôn cố gắng tạo cơ hội hợp tác giữa hai đất nước về nghiên cứu và giáo dục. Sắp tới mình kết nối các trường Y Dược của Hungary để mở rộng tuyển sinh tại Việt Nam, vì ngành Y Dược của Hungary đào tạo rất tốt. Các sản phẩm nghiên cứu và đưa về Việt Nam đều chung một thông điệp muốn chuyển tải, đó chính là “phòng và chữa bệnh từ gốc”, để mọi người hiểu được tài sản giá trị quan trọng nhất của con người là sức khỏe và phải bảo vệ ngay từ khi chưa mắc bệnh. Và ước mơ của mình là đưa thảo dược đặc chủng của Việt Nam ra thế giới”, anh Sơn tâm sự.
PHAN CHUNG