Thổi hồn vào những "cánh én sắt"

.

Nghỉ hưu sau nhiều năm công tác trong Nhà máy A32 (Quân chủng Phòng không-Không quân), giờ đây ông Bùi Xuân Thành (65 tuổi, phường An Khê, quận Thanh Khê) mang hết những đam mê với nghề để cho ra đời hàng trăm mô hình máy bay. Những chiến đấu cơ mô hình đã trở thành quà tặng cho nhiều anh em đồng đội cùng chính khách, nguyên thủ quốc gia và những người yêu bầu trời, yêu “cánh én sắt”.

Những mô hình máy bay chiến đấu được ông Bùi Xuân Thành chế tác để làm quà tặng cho đồng đội.
Những mô hình máy bay chiến đấu được ông Bùi Xuân Thành chế tác để làm quà tặng cho đồng đội.

Kỳ công

Người dân sinh sống tại ngõ 1A, đường Lê Trọng Tấn (phường An Khê) vẫn quen gọi ông là “ông Thành máy bay”. Bởi cứ vài ba hôm, người ta lại thấy ông hì hục hàn, gò, sơn những chiếc máy bay đủ màu sắc. Những khối nhôm tưởng chừng vô tri vô giác, qua bàn tay chế tác điệu nghệ của ông đã hóa thành những mô hình máy bay chiến đấu với màu sơn, vũ khí đi kèm giống như thật.

Ông Thành quê ở Phú Thọ, vốn là cựu công nhân quốc phòng của Nhà máy A32, chuyên sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, vũ khí… phục vụ quân chủng. Năm 1975, sau khóa đào tạo về cơ khí máy bay, ông vào làm việc tại Nhà máy A32 ở Phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm. Cả thời thanh xuân ông Thành gắn liền với máy bay chiến đấu như những người bạn. Chính vì thế, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tự mày mò cho ra đời những chiếc máy bay mô hình, như để nhớ về những tháng năm từng ăn, ngủ, làm việc không biết mệt mỏi trong nhà máy.

“Xưởng sản xuất” máy bay của ông là căn nhà bếp cũ được kê thêm chiếc bàn gỗ để gia công. Việc chế tác máy bay chiến đấu không phải là việc dễ và có thể hoàn thành ngay được. Giới thiệu với chúng tôi, ông Thành lục tủ, đưa ra một xấp ảnh màu và hàng chục bản vẽ thiết kế máy bay các loại như: MIG-15, MIG-17, MIG-19, MIG-21, L-29, L-39, Su-22, Su-22 M4, Su-27, Su-30 MK2… Những bản vẽ chi tiết thiết kế máy bay chiến đấu, có bản toàn chữ Nga, theo thời gian có cái đã mục nát, rách. Với ông những bản vẽ gốc này là tài sản quý sau mấy chục năm gắn bó, dày công sưu tầm.

Dựa vào bản thiết kế, ông nghiên cứu để tạo những khuôn đúc phù hợp. Mỗi chiếc khuôn ra đời là cả một kỳ công dựa trên sự đối chiếu giữa bản vẽ và hình ảnh máy bay thật. “Sau khi lựa chọn được khuôn, mình sẽ nhờ thợ cơ khí đúc các phần của máy bay như thân, cánh cùng các chi tiết đi kèm như tên lửa, dao động cơ, dao chỉnh dòng, cần không tốc. Mỗi chi tiết lại có thêm một khuôn nữa”, ông Thành chia sẻ. Khi các linh kiện đã được “sản xuất” xong, ông bỏ ra nhiều ngày để mài giũa, cắt gọt từng bộ phận máy bay cho đến khi láng mịn, nhẵn bóng. Những chiếc máy bay mô hình được sơn theo đúng mẫu. Để làm đúng, phù hợp, ông phải thường xuyên lên mạng tìm hiểu, học từng màu sơn của các loại máy bay chiến đấu để làm cho giống y hệt. Công đoạn cuối cùng là gắn tên lửa. Những chi tiết nhỏ cần độ chính xác cao hơn và phải gắn đúng chủng loại của từng dòng máy bay chiến đấu.

Trong số hàng chục mẫu máy bay chiến đấu các loại ông đã làm, thì mô hình chiếc máy bay chiến đấu Su-22 M4 là đòi hỏi nhiều công phu nhất. “Bởi thiết kế máy bay này khá phức tạp với nhiều chi tiết. Việc làm ra một chiếc Su-22 M4 cánh cụp, cánh xòe không hề đơn giản. Đây là thử thách lớn nhưng cũng mang lại cho mình nhiều cảm xúc nhất”, ông Thành cho biết thêm.

Như một phần máu thịt

Cơ duyên đưa ông Thành đến với nghề máy bay mô hình bắt đầu từ nhiệm vụ của lãnh đạo nhà máy, yêu cầu làm mô hình máy bay chiến đầu bằng mica để tặng lãnh đạo cấp cao đến thăm. Những chiếc máy bay mô hình nhận được nhiều lời khen ngợi đã thôi thúc người quân nhân mày mò tìm thêm mẫu mã và chuyển sang làm bằng chất liệu nhôm. Bởi theo ông, nhôm là nguyên liệu có sẵn, bền và đẹp. Suốt hàng chục năm làm việc và giờ đây đã nghỉ hưu, ông không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu mô hình máy bay chiến đấu.

Một mô hình máy bay của ông Bùi Xuân Thành. Ảnh: PHAN CHUNG
Một mô hình máy bay của ông Bùi Xuân Thành. Ảnh: PHAN CHUNG

Tình yêu dành cho các chiến đấu cơ thời trẻ giờ đây được ông thổi hồn vào những chiếc máy bay mô hình. “Với người lính yêu bầu trời Tổ quốc, họ xem những chiếc máy bay như máu thịt, như một phần cơ thể không thể tách rời của mình. Vì thế, dù đi đâu, làm gì, họ vẫn luôn nhớ về những tháng năm đã ngang dọc trên bầu trời để tìm kiếm sự bình yên cho đất nước”, ông Thành tâm sự. Đó cũng chính là lý do vì sao “xưởng sản xuất” máy bay của ông luôn bận rộn với những đơn hàng mới. Khách hàng tìm đến ông Thành không ai khác ngoài những người đồng đội cũ, là cơ quan, đơn vị đặt làm quà tặng cho các quan khách mỗi dịp lễ hay ngày kỷ niệm đáng nhớ. “Vật liệu đắt đỏ, rồi thêm chi phí thuê thợ đúc, tiền điện, tiền nước nên mình chỉ lấy công làm lãi. Chủ yếu làm cho đỡ nhớ nghề, khuây khỏa, vui sống và giúp anh em, đồng đội có được kỷ vật gắn bó với đời mình”, ông cười.

Lật dở cuốn kỷ yếu kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà máy A32, ngay những trang đầu là tấm hình cố Tổng Bí thư Đỗ Mười chụp hình lưu niệm cùng cán bộ lãnh đạo đơn vị trong một lần về thăm nhà máy vào năm 1997. Trong bức ảnh, chiếc máy bay do đích thân ông chế tác được lãnh đạo nhà máy trao tặng cố Tổng Bí thư làm quà kỷ niệm. Đó là lần đầu tiên, một chiếc máy bay mô hình của ông đến tay nhà lãnh đạo cao cấp nhất trong niềm tự hào của riêng cá nhân ông. Sau Tổng Bí thư Đỗ Mười, món quà mang nhiều ý nghĩa của những người lính ngày đêm canh giữ bầu trời Tổ quốc, tiếp tục xuất hiện và được đơn vị tặng kỷ niệm cho nhiều lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước trong nhiều dịp.

Cũng trong dịp kỷ niệm 45 năm này, ông Thành được giao nhiệm vụ chế tác gần 300 chiếc máy bay mô hình các loại để đơn vị làm quà tặng, kỷ vật tặng quan khách. Đây là lần chế tác máy bay mô hình lớn nhất trong đời. “Lần đó, với sự hỗ trợ của anh em khác, mình làm ngày làm đêm để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, bàn giao đủ số máy báy các loại theo đúng yêu cầu. Làm không kịp hút thuốc, làm đến bạc tóc mới kịp tiến độ cấp trên giao phó”, ông Thành nhớ lại.

Nhìn ông thợ già với với chiếc kính dày cộm, ngồi thả hồn, tỉ mỉ từng chi tiết để cho ra đời một sản phẩm mới hiểu được vì sao dù ông về hưu nhưng đơn hàng vẫn gửi về nhờ ông làm tới tấp. Trong số đó, nhiều người lính phòng không - không quân nhờ đặt làm mô hình chính những chiếc máy bay họ đã và đang gắn bó, ngày đêm huấn luyện, bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Với ông, điều đó còn ý nghĩa hơn cả một sự trân quý tay nghề. “Trách nhiệm này, nếu còn sức thì mình còn gánh vác. Làm là giúp đồng đội, anh em lính phòng không - không quân lưu giữ kỷ niệm thời trai trẻ tung cánh sống giữa mây trời tự do”, ông nói.

PHAN CHUNG - ĐỒNG THANH
 

;
;
.
.
.
.
.