'Bảo mẫu' của các bệnh nhi Covid-19

.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, nếu công tác dự phòng là chặng đầu của cuộc đua, thì điều trị lại là chặng cuối đầy áp lực. Ở đó, đội ngũ nhân viên y tế không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình bảo hộ, chống lây nhiễm, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế mà họ còn là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho những bệnh nhân đang ngày đêm đối mặt với bao nỗi lo lắng, sợ hãi.

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trao quà do các tổ chức hỗ trợ bệnh nhi mắc Covid-19 đang được điều trị. 				              Ảnh: LÊ THÀNH PHÚC
Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trao quà do các tổ chức hỗ trợ bệnh nhi mắc Covid-19 đang được điều trị. Ảnh: LÊ THÀNH PHÚC

Chính tình thương yêu, chăm sóc cho những bệnh nhân tận tâm, hết mình của những người bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý của các bệnh viện đã làm lay động lòng người, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong mùa dịch.

Những bệnh nhân đặc biệt

Hơn 11 giờ trưa, ê-kip bác sĩ Trần Thị Thứ (khoa Nhi), Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang kết thúc ca làm việc, bước ra từ phòng điều trị bệnh nhân Covid-19. Đằng sau bộ đồ bảo hộ trắng muốt, kín mít từ đầu đến chân, điều nhận thấy đầu tiên là khuôn mặt đỏ ửng vì nóng của nữ bác sĩ. Khi cởi bỏ mũ, kính, khẩu trang, những vết hằn in sâu trên da mặt, sống mũi, trán và gò má. Mái tóc dù được cột gọn gàng nhưng do làm việc lâu cũng rũ xuống, ướt hết phần ngọn. Bộ trang phục màu xanh mang bên trong của nữ bác sĩ đã chuyển 2 màu. Giữa cái nóng hầm hập khi trời chuyển hè, bác sĩ Thứ cùng các điều dưỡng, y tá bước đi chậm rãi, mệt mỏi như vừa trải qua cơn say nắng do đi ngoài trời quá lâu.

Hơn 3 tuần nay, bác sĩ Thứ cùng các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang tiếp tục quay trở lại công việc của gần 1 năm trước. Đó là lao vào các khu điều trị để theo dõi diễn biến, sức khỏe của các bệnh nhân Covid-19. Điều đặc biệt lần này là đơn vị tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân Covid-19 còn nhỏ tuổi.

“Một vài bé sau khi vào thì có biểu hiện hô hấp nhẹ nhưng cũng nhanh chóng được xử lý ngay sau đó. Điều quan trọng nhất đối với các bé chính là ổn định tâm lý. Bởi vào đây, các em không có không gian chạy nhảy, không được tiếp xúc với ai, thậm chí không có người thân bên cạnh”, bác sĩ Thứ cho biết.

Không gian xa lạ, khép kín, các nhân viên y tế mang đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, nên trong giai đoạn đầu tiếp xúc, nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi khóc ré lên vì sợ hãi. Có trường hợp được chuyển đến lúc nửa đêm. Tiếp nhận các em là những cô, những chú mang trang phục bảo hộ trông như “người ngoài vũ trụ”, điều mà các cháu tưởng tượng trong các bộ phim hoạt hình. Những lúc này, các y, bác sĩ lại phải thuyết phục, dịu dàng và bày đủ trò để thu hút các cháu.

Để ổn định tâm lý, bác sĩ Thứ cùng các nhân viên y tế kêu gọi, vận động và bỏ tiền túi mua các nhu yếu phẩm gồm bánh, kẹo, sữa, đồ chơi, giấy bút cho các cháu. Phần thưởng cho những em bé ngoan, biết nghe lời, ăn hết phần cơm là hộp bánh, đồ chơi hoặc có khi là một bức tranh vẽ vội. Để giúp các cháu có đầy đủ dinh dưỡng, các nhân viên y tế kiêm luôn bảo mẫu, tận tình phục vụ các bữa ăn theo nhu cầu.

“Có cháu đòi ăn cháo cả ngày, có cháu lại ăn cơm 3 bữa, kể cả bữa sáng. Trẻ con mà! Cũng có lúc mang cơm lên cháu lại bảo thèm cháo. Mỗi cháu một tính cách, một sở thích ăn uống nên mình cũng phải chiều chuộng hết sức, miễn sao các cháu cảm thấy được quan tâm và ăn hết phần ăn của mình”, bác sĩ Thứ cho biết thêm.

Bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang khám cho bệnh nhi Covid-19.  						                  Ảnh: TRẦN THỊ THỨ
Bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang khám cho bệnh nhi Covid-19. Ảnh: TRẦN THỊ THỨ

Trong vòng tay y, bác sĩ

Những đứa trẻ lần đầu xa ba mẹ, lại ở trong môi trường khá đặc biệt khi phải hạn chế nhiều hoạt động để chống lây nhiễm. Mặc dù được các cô y tá, bác sĩ chăm sóc, động viên nhưng cũng không tránh khỏi những giọt nước mắt, tiếng thút thít giữa đêm khuya vì xa vòng tay ba mẹ. Bệnh nhi T. (8 tuổi) sau khi xác định âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 nên được các y, bác sĩ chuyển lên tầng 2 để tránh lây nhiễm. Bố cháu vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2 nên được bố trí ở tầng 1.

Vừa ăn cơm, T. vừa khóc vì nhớ ba mẹ. Sau khi được các nhân viên y tế dỗ dành, T. ăn một mạch hết chén cơm rồi quay sang viết thư cho ba mẹ. “Ba ơi, ở đây con cũng vui còn được cô cho bánh nè, rồi ngủ với con nữa. Nhưng mà con cũng hơi buồn vì nhớ ba mẹ”, nội dung bức thư ngắn gọn T. viết và nhờ các cô bác sĩ chuyển xuống cho ba dưới tầng 1. Để ổn định tâm lý, hằng đêm, các y, bác sĩ thay phiên nhau lên dỗ dành và ngủ cùng cháu. Các nhân viên y tế vẫn mặc trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít và nóng nực. Giấc ngủ hai cô cháu chập chờn, trôi qua trong sự khắc khoải, mong ngóng một ngày có thể trở về đoàn tụ cùng gia đình...

Việc kiểm soát nhiễm khuẩn là điều được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Có nhiều bệnh nhi nhiễm Covid-19 được bố trí người thân, là mẹ, bà vào ở cùng. Vai trò của các bác sĩ, ngoài điều trị là hướng dẫn bệnh nhân, người nhà tuân thủ các biện pháp chống lây nhiễm. Đối với những trường hợp bắt buộc phải có người nhà vì bệnh nhân quá nhỏ tuổi, bệnh viện bố trí các phòng riêng biệt, hỗ trợ các trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng hơn để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo.

“Mỗi lần xét nghiệm cho bệnh nhân và người nhà là một lần hồi hộp. Nếu con âm tính mà mẹ, bà ở cùng trong thời gian điều trị vẫn âm tính thì mới gọi là thành công. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của bọn mình mà còn là bài học thực tiễn về công tác chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện có thể áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân khác”, bác sĩ Thứ tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, công tác ổn định tâm lý cho các cháu là hết sức cần thiết. Bệnh viện đã bố trí một số nhân viên y tế chuyên khoa Nhi để tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân Covid-19 còn nhỏ tuổi. Đó là những bác sĩ, y tá, điều dưỡng có tâm lý tiếp xúc với trẻ tốt, giúp các cháu hợp tác trong suốt quá trình điều trị.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi kỹ diễn tiến bệnh lý của các cháu. Trong trường hợp có bệnh nhi trở nặng, bệnh viện phối hợp với ê-kip bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để cùng hội chẩn, tìm ra phương án tối ưu nhất”, bác sĩ Vĩnh cho biết thêm.

Tết thiếu nhi đặc biệt

Nhiều bệnh nhi mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vừa đón Tết thiếu nhi 1-6 hết sức đặc biệt. Trong bộ đồ bảo hộ, các bác sĩ trực tiếp đến từng giường bệnh thăm, tặng quà và động viên các cháu. Bé T.K.N. (6 tuổi) là một trong những bệnh nhân vừa được điều trị khỏi Covid-19 trong đầu tháng 6 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Cầm tờ giấy ra viện trên tay, nhẩm đọc từng dòng chữ, rồi N. cầm tờ giấy lại khoe với bác sĩ, như một thành tích mà cháu đã nỗ lực trong nhiều ngày qua. Khi được hỏi có vui không khi ở cùng các bác sĩ những ngày qua, N. trả lời hồn nhiên: “Cháu thích vì được các cô, chú bác sĩ chăm sóc và cho rất nhiều quà, bánh kẹo nữa”!

Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, để tạo tâm lý thoải mái cho các cháu, trong quá trình điều trị, các bác sĩ, điều dưỡng tăng cường tương tác, trò chuyện. Liên quan đến công tác điều trị, đối với các bệnh nhi mắc Covid-19, bệnh viện hạn chế việc dùng thuốc mà chủ yếu bồi dưỡng, bổ sung dinh dưỡng cho các cháu. Để tránh dùng thuốc, các trẻ được theo dõi kỹ càng, nhằm phát hiện các dấu hiệu của bệnh, chữa trị ngay từ đầu. Với những trẻ có bố mẹ đi cùng, bệnh viện sẽ hướng dẫn quy định về chăm sóc, phòng dịch. Trường hợp người nhà không vào chăm nuôi được, các điều dưỡng sẽ phụ trách vấn đề sinh hoạt cho các trẻ tại khu điều trị.

Ngoài thăm khám sức khỏe cho các cháu từng mốc thời gian cụ thể theo phác đồ điều trị, các nhân viên y tế chia nhau thăm hỏi, động viên, tiếp sức cho các cháu. Các cháu vào đây không có người thân, mình vừa làm bác sĩ vừa làm người thân, có như vậy, mới làm tròn trách nhiệm.

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã chăm sóc, điều trị Covid-19 cho 7 bệnh nhi, 3 bé trong số đó đã khỏi và được xuất viện. “Đến kỳ xét nghiệm, toàn bộ nhân viên đều cảm thấy hồi hộp. Nếu một bệnh nhân bình thường lớn tuổi âm tính chúng tôi vui một thì với các bệnh nhi niềm vui đó nhân lên nhiều lần”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.