Chợ huyện ngày cách ly

.

ĐNO - “Tuy tui là dân Hòa Xuân nhưng nhà ở sát sau lưng chợ Miếu Bông, nên lâu ni vẫn quen đi chợ ni. Thực tình do chưa quen với yêu cầu của chính quyền người địa phương mô đi chợ địa phương đó, chứ tôi không cố ý đi lạc vào đây!”...

Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở Liêm Lạc, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ vừa cười, vừa phân bua với mọi người tại cổng kiểm soát tại chợ Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Nhiều người tỏ ra thông cảm, số khác động viên: “Ráng đi chợ Hòa Xuân một thời gian để phòng cái con Cô-vít, ít bữa nữa hết dịch lại về Miếu Bông tha hồ mà mua sắm…”.

Người đi chợ Túy Loan giữ khoảng cách trong lúc chờ cán bộ kiểm tra mã QR code ở phiếu đi chợ. Ảnh: Ban quản lý các chợ huyện Hòa Vang cung cấp.
Người đi chợ Túy Loan giữ khoảng cách trong lúc chờ cán bộ kiểm tra mã QR code ở phiếu đi chợ. Ảnh: Ban quản lý các chợ huyện Hòa Vang cung cấp.

1. Mấy ngày đầu khi các chợ trên địa bàn huyện Hòa Vang hoạt động theo quy định cách ly xã hội, người dân đi “nhầm” chợ như chị Nguyễn Thị Hoa kể trên là chuyện thường. Bởi chân cứ quen theo lối cũ mà đi. Nhưng đến cổng chợ, được lực lượng kiểm soát các chốt giải thích, động viên, ai nấy đều vui vẻ quay về và còn hẹn... hết dịch lại gặp nhau ở chợ cũ!

Không chỉ người dân buộc phải đi chợ ở nơi mình cư trú mà người bán hàng từ các vùng lân cận của tỉnh Quảng Nam cũng dừng hẳn việc chạy chợ thường ngày để chờ lệnh mới. Đi chợ những ngày cách ly vì thế, thiếu hẳn những mớ rau, củ khoai, con cá từ các miền quê Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Thắng… khiến bữa cơm hằng ngày của người Hòa Vang thiếu chút mùi vị chân quê. Nhưng không sao, bởi thời gian này, đề phòng dịch bệnh là trên hết.

Và có lẽ, từ trong sâu thẳm, mỗi người dân huyện Hòa Vang - vốn là người nông dân thuần phác, quanh năm đối diện với sâu rầy dịch bệnh trên cây lúa, hoa màu nên khi đi chợ họ cũng ý thức về phòng bệnh rất cao. Trước việc thực hiện rào chặn, kiểm soát lối vào lối ra chặt chẽ, thực hiện 5K của lực lượng chức năng, nhiều tiểu thương buôn bán ở các chợ đều đồng tình: “Phải làm cho riết ráo để mau hết dịch mà còn làm ăn nữa chớ”.

Chị Trần Thị Nguyệt Em, một tiểu thương bán quầy rau củ quả tại chợ Miếu Bông thừa nhận, nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng. Nhưng với những người chạy chợ như chị, mỗi ngày tiếp xúc không biết với bao nhiêu khách mua hàng. Và thậm chí cũng không thể nhớ hết được mình tiếp xúc với những ai nên nguy cơ mắc Covid-19 luôn hiện hữu.

Vì vậy đi chợ thời cách ly, mọi người đều đeo khẩu trang 2, 3 lớp, đeo kính chắn giọt bắn nên đâm ra ít trả treo, “tám” chuyện như trước nữa. Có nơi còn cẩn thận áp dụng kiểu “tiền bỏ vào xô, hàng bỏ vào chậu” cho an toàn cả đôi bên.

2. Có nhiều lý do để chợ vắng khách như dịch bùng phát với nhiều chuỗi lây lan trong cộng đồng, mỗi người dân chỉ được đi chợ theo phiếu 3 ngày 1 lần hay chủ trương “dân ở đâu đi chợ ở đó”. Thậm chí cả đến “túi tiền” của mỗi hộ gia đình không còn rủng rỉnh như trước do tác động của hoàn lưu Covid-19…
Từ khi dịch bùng mạnh ở Đà Nẵng tới nay, Ban quản lý các chợ huyện Hòa Vang cho rào chắn các chợ rất kỹ.

Ông Trần Kim Đính, Trưởng ban quản lý các chợ huyện Hòa Vang cho biết, các chợ lớn trên địa bàn huyện vẫn hoạt động bình thường nhưng chỉ khác một điều là lưới B40 được quây tứ phía chỉ chừa lối vào, lối ra. Một máy quét QR Code có tầm nhận dạng xa 5 mét đặt ngay lối vào chợ để kiểm soát thông tin y tế… Từ cổng đến các sạp hàng trong chợ đều được căng dây tạo khoảng cách giữa người mua kẻ bán. Nhiều quầy hàng đóng  cửa, chưa biết đến bao giờ mới trở lại buôn bán xông xênh như trước.

Người Hòa Vang vẫn luôn tự hào về 3 ngôi chợ quê truyền thống vang danh trên địa bàn với những mặt hàng nông sản tươi ngon, người buôn kẻ bán tấp nập, gồm chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước), Lệ Trạch (xã Hòa Tiến), Túy Loan (xã Hòa Phong). Nhưng giờ đây đã ít nhiều trở nên đìu hiu. Các chợ lớn này tuy vẫn họp chợ bình thường nhưng chỉ còn phân nửa số hộ mở cửa kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.

Bà Nguyễn Thị Vân, tiểu thương kinh doanh hàng gia vị tại chợ Túy Loan cho biết, việc áp dụng phiếu đi chợ theo ngày nên khách đi chợ thưa hẳn, chưa bằng 1/4 ngày thường. Ngày trước, các chợ lớn hoạt động cả ngày. Nhưng từ khi thông tin về lò mổ Đà Sơn và cảng cá Thọ Quang có ca bị Covid-19, chợ chỉ họp từ 5 giờ sáng tới 12 giờ trưa. Có rất nhiều tiểu thương vì lo ngại nên đã tạm nghỉ bán một thời gian, chờ dịch im ắng rồi mới tính tiếp.

3. Những ngày đầu tháng 8, trời ủ mưa nhưng không mưa nổi. Những hạt mưa lắc rắc xuống những con đường làng khô cong chỉ càng làm tăng cảm giác bức bối. Chợ Lệ Trạch, xã Hòa Tiến, hôm 3-8 vừa rồi được phép hoạt động kinh doanh trở lại sau khi tạm dừng hoạt động (từ 25-7) để phòng, chống Covid-19 nhưng vẫn vắng vẻ người mua kẻ bán. Người đi chợ lưa thưa, sức mua yếu ớt khiến người bán hàng trĩu buồn bởi nỗi lo lỗ vốn vì ế hàng...

Nhiều người tiếc nhớ những ngày chợ rộn ràng tấp nập từ sáng đến chiều. Vì là chợ liên xã và giáp ranh với các xã Điện Hòa, Điện Tiến của thị xã Điện Bàn, tỉnh vùng Quảng Nam, nên chợ Lệ Trạch có lượng khách khá đông đảo. “Chợ Lệ Trạch có 120 tiểu thương, trong đó có 50 tiểu thương kinh doanh hàng thiết yếu, nhưng sáng 3-8 chỉ có 20 tiểu thương ngành hàng này mở quày bán trở lại. Lượng người mua cũng giảm sâu”, ông Đặng Quang Vinh, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Lệ Trạch cho biết.

Những người buôn bán gần như cả một đời gắn bó với những ngôi chợ quê, nên đối với họ nghỉ chạy chợ một ngày là... chân tay bải hoải. Đó chưa kể đến việc nghỉ chợ đồng nghĩa với việc “lấy chi bỏ vô nồi”. Trong khó khăn mới thấy độ linh hoạt, nhạy bén của bà con chợ huyện thật đáng nể. Nhiều tiểu thương trước đây kinh doanh sạp áo quần hay dịch vụ cắt tóc nay vì dịch giã kéo dài đã chuyển sang bán những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, trứng, cá đông lạnh, gà, vịt làm sẵn... mong qua đại dịch.

Nhìn những quầy hàng bên cạnh mình đóng im ỉm, bà Nguyễn Thị Vân, tiểu thương kinh doanh hàng gia vị tại chợ Túy Loan tâm sự: “Qua báo chí, bà con ai cũng biết đến tình hình dịch rất căng ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác, trên thế giới cũng vậy nên ý thức lắm. Biết làm ăn, thu nhập thua kém so với ngày trước nhưng vẫn chấp nhận”. Cùng suy nghĩ với bà Vân, nhiều tiểu thương ở Hòa Vang cho rằng Covid-19 thật đáng sợ, nhưng trên mỗi “gánh” hàng là cả một gia đình. Nên dù có “ế trầy ế trật” đi nữa thì họ vẫn bám chợ.

Dường như tất cả các chợ trước ngày thành phố có lệnh dừng tất cả các hoạt động, "ai ở đâu ở yên đó" đều trở nên vội vã  hơn các phiên chợ ngày thường. Chợ họp sớm hơn, đông hơn và tan cũng nhanh hơn. Hàng hóa bán sạch như có phép màu. Chợ huyện những ngày cách ly như nhịp thở của miền quê đang gồng mình chống dịch...

“Huyện Hòa Vang có 3 chợ lớn Túy Loan, Lệ Trạch và Miếu Bông, với gần 1.000 hộ tiểu thương kinh doanh. Hoạt động tại 3 chợ này hiện vẫn diễn ra hình thường theo Chỉ thị số 05-CT/TU của UBND thành phố, nhưng chỉ còn một nửa, tức khoảng 500 hộ kinh doanh hàng thiết yếu tại các chợ.

UBND huyện tăng cường 10 cán bộ các phòng, ban xuống các chợ để hỗ trợ việc phòng, chống dịch. Theo chỉ đạo của huyện, tất cả tiểu thương kinh doanh trong chợ đều đeo mũ chống giọt bắn; tiểu thương và người đi chợ đều được đo thân nhiệt, nếu ai có biểu hiện nhiệt cao sẽ được đưa vào khu vực cách ly tạm thời tại chợ trong lúc chờ cán bộ Trạm y tế xã đến kiểm tra", Trưởng ban Quản lý các chợ huyện Hòa Vang Trần Kim Đính cho biết.

NHƯ HẠNH
 

;
;
.
.
.
.
.