“Chiếu Cẩm Nê đây… Ai mua chiếu Cẩm Nê không”. Những tiếng rao quen thuộc của những người gánh chiếu như thế có lẽ chỉ còn trong tâm thức của các bậc cao niên lão làng tại thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang - vùng đất có làng nghề dệt chiếu một thời vang bóng khắp miền Trung. Làm thế nào để khôi phục và bảo tồn nghề dệt chiếu nơi đây đang là nỗi trăn trở của địa phương.
Để dệt xong một chiếc chiếu, cần sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý của một người dệt, một người luồn cói. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Thăng trầm một làng nghề
Khác với những ồn ào, tấp nập của phố thị, thôn Cẩm Nê nằm nép mình trong làng quê, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 14 km về hướng tây nam. Qua bao thế hệ, nơi đây được du khách biết đến với sản phẩm chiếu cói, một sản phẩm truyền thống bao đời được làm nên bởi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của những người thợ thủ công sống tại khu làng yên bình này. Men theo con đường bê-tông rẽ từ tuyến đường 605, chúng tôi gặp ông Võ Văn Tiến (70 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Cẩm Nê.
Theo lời kể của ông Tiến, nghề dệt chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) được truyền vào miền Nam khoảng từ thế kỷ XV, lúc vua Lê Thánh Tông chiến thắng ở vùng đất Chiêm Thành, sáp nhập thành Đồ Bàn vào Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau cuộc chinh phạt, nhiều người đã trú chân tại đây lập nghiệp, mang theo bao nghề thủ công truyền thống của cha ông với mong muốn tạo dựng nên cuộc sống tươi đẹp, ấm no. Nhằm phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày, những cư dân mới đến đã tạo ra sản phẩm chiếu cói.
Những bậc cao niên trong làng truyền nhau rằng, nhờ địa thế tự nhiên, cây cói, cây đay tại vùng đất Cẩm Nê và dọc ven sông từ cầu Đỏ lên giáp với thôn Thạch Bồ (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) phát triển rất mạnh. Bằng kỹ thuật và tâm huyết của những nghệ nhân, sợi cói, sợi đay trắng muốt được dệt thành những chiếc chiếu trơn, chiếu hoa với màu sắc bắt mắt vang danh khắp vùng. Nghề chiếu đã từng nuôi sống người dân nơi đây với niềm tự hào về một làng nghề được chân truyền qua bao thế hệ.
Qua bao thăng trầm của thời gian, chiếu Cẩm Nê ngày càng được lòng khách hàng thập phương bởi sự chắc chắn, tỉ mỉ của những người thợ lành nghề. Tuy nhiên, dưới tốc độ đô thị hóa, lớp cao niên lão làng không còn làm chiếu, những người trẻ không còn tha thiết bên khung dệt hay những bó cói, sợi đay, tiếng nhịp nhàng của khung dệt chiếu cứ thế mất đi do không ai kế thừa.
Đến nay, cả làng dệt chiếu chỉ còn duy nhất hộ bà Dương Thị Thông (60 tuổi) giữ cái “hồn” của làng nghề một thời vang bóng. Trong ký ức của bà Thông và những người dân tại thôn, chiếu Cẩm Nê nổi tiếng gần xa nên ngày ấy, dân làng luôn hăng hái sản xuất. Nhà nào cũng có ít nhất một khung dệt, nhiều thì có ba đến bốn khung và phải thuê nhân công phụ rồi dệt ngày, dệt đêm. Làng quê ngày ấy nhộn nhịp tiếng rập khung, tiếng xe cộ nườm nượp chuyển hàng. Tới mùa gần Tết, những gam màu vàng, xanh, đỏ, tím… nhuộm trên những sợi cói được người dân phơi khô rực rỡ từ đầu đến cuối các nẻo đường.
Theo bà Thông, điểm nổi bật của chiếu Cẩm Nê là viền chiếu được gấp cẩn thận, dày, bền và nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác bởi kỹ thuật chọn nguyên liệu và dệt khá tốt. Những kỹ thuật này là bí quyết riêng của người dân làm chiếu Cẩm Nê mà ít nơi làm chiếu nào sánh được. Vào mùa hè, chiếc chiếu mang lại cảm giác thoáng mát, thoang thoảng mùi hương thơm của sợi cói.
“Ngày ấy, chiếu Cẩm Nê được nhiều người ưa chuộng. Cả làng có khoảng 200 hộ nhưng hộ nào cũng dệt chiếu mưu sinh. Khung cảnh làng quê nhộn nhịp lắm. Còn bây giờ, gần 700 hộ dân mà chỉ còn mình tôi bám trụ. Vài năm nữa, nếu tôi không làm, có lẽ nghề sẽ bị thất truyền”, bà Thông bùi ngùi nói.
Cũng theo bà Thông, do không có nguồn nguyên liệu tại chỗ, bà phải đặt mua sợi cói từ địa phương khác, lấy công phơi, nhuộm cói, dệt chiếu làm lời. Mỗi chiếc chiếu thủ công được bán với giá khoảng 250.000 - 300.000 đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, số tiền bán được chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.
Đôi tay thoăn thắt luồn từng sợi cói vào khung dệt, bà Ngô Thị Mua (65 tuổi, trú thôn Cẩm Nê), người phụ làm chiếu với bà Thông tiếc nuối: “Ngày càng có nhiều loại chiếu công nghiệp xuất hiện, vị trí của chiếu Cẩm Nê trên thị trường dần bị mờ nhạt. Ai cũng tiếc nuối khi nhìn cái nghề truyền thống của cha ông bị mai một do không có người kế thừa”.
Trong quá trình dệt, người thợ luôn chú ý những sợi đay để chiếu đẹp và bền chắc hơn. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Kỳ vọng khôi phục nghề truyền thống
Thôn Cẩm Nê thời nay chẳng còn dệt chiếu như xưa. Những khung dệt im lìm nằm bên góc vắng dần đóng bụi theo thời gian. Tiếng í ới gọi nhau vác cói, nhuộm cói cũng chỉ còn trong quá khứ của những nghệ nhân dệt chiếu tại thôn Cẩm Nê. Mặc dù làng chiếu đang mai một dần theo năm tháng nhưng bà Thông hay nhiều người lớn tuổi khác đều mong muốn thế hệ mai sau trân trọng giá trị của cái nghề dệt chiếu này.
Đối với họ, chiếu Cẩm Nê không chỉ là sản phẩm mưu sinh mà còn là văn hóa truyền thống được truyền qua bao thế hệ. Qua từng sợi cói, sợi đay, nhiều người gửi gắm bao hy vọng về sự hồi sinh của một làng nghề truyền thống. “Cái nghề dệt chiếu đã theo tôi cả đời. Nếu không bảo tồn, không biết sau này, ai sẽ còn nhớ chiếu Cẩm Nê từng vang bóng một thời”, bà Thông trăn trở.
Chứng kiến những thăng trầm của nghề dệt chiếu Cẩm Nê, ông Võ Văn Tiến cho biết, chính quyền huyện, xã từng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để khôi phục làng nghề nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả do việc thu hút người trẻ đến với nghề gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, địa phương không có sẵn nguyên vật liệu (đay, cói), nhiều người phải bỏ ra nguồn vốn lớn để đặt mua sợi cói từ làng chiếu Bàn Thạch (tỉnh Quảng Nam) và một số địa phương khác. Các hộ gia đình phải lấy công phơi cói, nhuộm cói, dệt chiếu làm lời nên không quá mặn mà với nghề.
Ông Tiến cũng gợi ý, nếu chiếu Cẩm Nê được khai thác và phát triển theo dướng du lịch làng nghề, điều này sẽ mang đến hiệu quả kép như vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân qua dịch vụ phục vụ du lịch, góp phần tăng nguồn thu, cải thiện đời sống kinh tế.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Hà Vỹ, trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có một số nghề, làng nghề truyền thống như dệt chiếu Cẩm Nê, bánh tráng Túy Loan… Hằng năm, Bảo tàng Đà Nẵng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, đều có kế hoạch thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đối với loại hình này. Tuy nhiên hiện nay, chiếu Cẩm Nê chỉ còn một hộ sản xuất nên không được gọi là “làng nghề”. Theo đó, các sản phẩm truyền thống này không cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp vừa đa dạng về mẫu mã, giá thành rẻ nên dẫn đến nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng này, Sở Văn hóa và Thể thao đã đề nghị UBND huyện Hòa Vang có kế hoạch khôi phục các làng nghề truyền thống, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, trước mắt là đối với bánh tráng Túy Loan. Trên cơ sở này, đơn vị sẽ nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Thực tế hiện nay, các thế hệ sau này không mặn mà với nghề do thu nhập thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, việc duy trì, sống bằng nghề không bảo đảm nên khả năng khôi phục làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ, chung tay của các cấp chính quyền, sự thống nhất trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước với các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề”, ông Hà Vỹ chia sẻ.
VĂN HOÀNG