Người đàn ông nước da rám nắng, gắn trọn cuộc đời với làng, với quê tiếp tục kể những chuyện từng trải và nghe từ cha ông. Chỉ tay về phía bờ đối diện, ông nói bên đó là Cồn Bắp, là Cẩm Nam của Hội An, hai bờ tả hữu chung một lòng sông thăm thẳm. Dưới đó, ông quả quyết, nếu đào xuống vẫn sẽ thấy rễ cây da cổ thụ thâm đen như than “ăn” ra lòng sông. Cây da không còn nhưng cội rễ, hồn cốt của làng xưa vẫn ở đó, vững chãi trong ký ức người Trà Nhiêu.
Một góc làng Trà Nhiêu hôm nay. Ảnh: XUÂN SƠN |
Làng xưa nơi tả ngạn Thu Bồn
“Thương thì buôn bán Bắc Nam, phố Minh Hương, Hội An, thuyền Trà Nhiêu, Bàn Thạch/Công thì giữ nghề tổ phụ, lò rèn Phước Kiều, Phú Xuân, xưởng mộc Kim Bồng, chợ Phố”...
Chúng tôi tìm về làng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) từ hai câu phú trên, trích trong “Quảng Nam tỉnh phú” - tác phẩm được truyền tụng rộng khắp xứ Quảng của tiến sĩ Trần Đình Phong (1847-1920). Sinh thời, vị tiến sĩ quê Nghệ An từng làm Đốc học ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Tế tửu Quốc Tử Giám và là người thầy của nhiều danh nhân, chí sĩ trên đất “địa linh nhân kiệt” xứ Quảng như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang, Phạm Tuấn, Phạm Liệu… Trong bài phú, Trà Nhiêu đứng cùng với những làng nghề nức tiếng như Phước Kiều, Bàn Thạch, Kim Bồng… như một bức tranh sống động về một Quảng Nam trong quá khứ.
Làng Trà Nhiêu nằm bên tả ngạn Thu Bồn, nơi từng là cảng thị xưa giờ là địa bàn thôn Trà Đông thuộc xã Duy Vinh. So với những năm trước, khi vừa được khai phá du lịch, đường sá về Trà Nhiêu được bê-tông hóa rộng rãi, diện mạo làng xưa giờ khang trang hơn.
Cây cầu Cẩm Kim nối liền trung tâm Hội An với làng Kim Bồng liền kề, rút ngắn phần lớn quãng đường từ phố cổ về Trà Đông. “Bên cạnh những hàng cau có từ muôn thuở trên đất này, chính quyền đang vận động bà con trong làng chung sức trồng thêm cây ăn quả, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu…”, ông Khương Hưu (SN 1954), người làng, hào hứng chia sẻ sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng Trà Nhiêu.
Cách nhà ông Hưu chừng vài trăm mét là một miệng giếng cũ kỹ được xây bằng gạch, nằm khuất dưới nền nhà dân. Theo lời các bậc cao niên mà ông Hưu được nghe kể từ thuở nhỏ, khu vực quanh miệng giếng chính là nền sân chùa Ông do người Hoa xây nên. “Giếng này là giếng của sân chùa Ông. Khi thế hệ chúng tôi lớn lên chỉ còn thấy nền sân chùa và giếng sót lại. Ngày xưa, trước khi có nước máy, bà con trong làng từng dùng nước ở đây”, ông Hưu kể.
Giếng chùa Ông còn đây, bia chùa Ông cũng còn nhưng đã mờ phai hầu hết nét khắc, chỉ còn thấp thoáng vài ký tự ghi năm Thân và Dậu để người làng phỏng đoán về niên đại của chùa và thời kỳ thịnh suy của làng trong quá khứ, áng chừng thế kỷ 17-18. Hiện tại, bia được người làng dời về chùa Trà Đông cách nền chùa Ông chừng một cây số.
Theo thông tin từ UBND huyện Duy Xuyên, từ xa xưa, đường thủy ở huyện đã có bến cảng Trà Nhiêu để thương nhân nước ngoài vào giao lưu buôn bán với xứ Đàng Trong. Đường bộ có Trạm Nam Phước là một trong bảy trạm thời Tây Sơn và Nhà Nguyễn đi công cán, truyền tin. “Ông bà tôi từng kể chuyện ghe bầu đưa hàng hóa từ lũng An Lương (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên bây giờ - PV) qua lũng Trà Nhiêu, rồi dùng ghe nhỏ đưa về Hội An. Tôi mò mẫm trong nhiều tư liệu, mới biết quê mình xưa là một cảng thị sầm uất”, ông Hưu nói.
Nhiều người Trà Nhiêu truyền miệng câu ca dao “Dưới gốc cây có ông Tây đề sứ/Trên ngọn cây có ông trứ đeo bồ”. Gốc cây này, được họ xác định là cây da cổ thụ bên bờ sông quê, là ký ức khó quên của thế hệ những người như ông Hưu, trong những năm kháng chiến trường kỳ. Ông kể chuyện ngày còn bé, khi Trà Nhiêu từng là phòng tuyến trong những năm thuộc thập niên 70 ác liệt của thế kỷ trước, ông và bạn bè đã thấy cây da bị cưa để làm hầm chống giặc, rồi chứng kiến gốc cây to hơn chục người ôm bị cháy trụi do khói lửa… Còn “Ông Tây đề sứ” là gợi lại hình ảnh thời thực dân Pháp lập vọng gác tại chính cây cổ thụ này.
Trải qua biến động lịch sử, với chiến tranh, thiên tai, nhiều dấu tích cổ nói trên cùng những ấn, trát… đã mai một, vĩnh viễn nằm lại dưới muôn lớp trầm tích của thời gian. Chủ tịch UBND xã Duy Vinh Nguyễn Sáu trầm ngâm: “Đúng là giếng và bia cổ đã có từ lâu ở Trà Nhiêu nhưng giờ không có nguồn tư liệu nào xác đáng để chứng thực niên đại cụ thể. Phế tích chùa Ông ở Trà Nhiêu như nhận định cũng đã mất dấu hết nên lâu nay cũng không có cơ sở khôi phục”. Việc xác định rõ ràng thêm nhiều cứ liệu giá trị về quê hương Trà Nhiêu có lẽ cần nhiều thời gian và công sức từ giới nghiên cứu. Còn với người làng, họ mập mờ tìm dấu xưa từ ký ức các bậc cao niên và những vết tích còn sót lại, để hiểu làng đã có từ rất lâu.
Ông Khương Hưu bên dấu tích giếng cổ chùa Ông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: XUÂN SƠN |
Giấc mơ du lịch bền vững
Thôn Trà Đông có 440 hộ với gần 2.000 nhân khẩu. Hầu hết là dân đa nghề nghiệp, 40% gắn bó với nghề sông biển, còn lại là buôn bán dịch vụ. Tại đây có 7 nhóm nghề truyền thống: làm chiếu cói, chằm lá dừa nước, làm đồ thủ công mỹ nghệ (mũ, túi xách…) từ cói, chèo thúng, chài lưới, nấu rượu, tráng mì/bún. Đó là lợi thế để vùng đất này chính thức được UBND tỉnh Quảng Nam “khai phá” cho du lịch sinh thái từ năm 2010.
Ông Hưu từng giữ vai trò Trưởng ban điều hành Làng du lịch cộng đồng sinh thái Trà Nhiêu cho tới khi đơn vị được ông đề nghị giải thể đầu năm 2020, do hoạt động du lịch sinh thái tại đây không hiệu quả và do ảnh hưởng bởi Covid-19. Ông cho hay, du lịch Trà Nhiêu rộn ràng nhất là giai đoạn 2018-2019, cuối 2019 là dịp gần nhất làng đón khách nước ngoài. “Lâu nay, Trà Nhiêu vẫn gặp khó do phụ thuộc vào nguồn khách từ các công ty lữ hành đưa từ Hội An qua. Khách ghé qua chút rồi đi, không lưu trú do làng chưa đủ điều kiện, bà con không thu nhập được bao nhiêu từ hoạt động truyền thống…”, ông Hưu trăn trở.
Theo ông Nguyễn Sáu, ở Trà Nhiêu hiện nay có 3 dự án du lịch sinh thái, tuy nhiên tất cả đều ở bước đền bù, chờ hoàn thành giải phóng mặt bằng để triển khai là Trà Nhiêu Xanh, Nông trại Xanh và Làng Cau. Dịp Tết vừa qua, bà con nhen nhóm hy vọng khi du lịch bước đầu được phục hồi, đã có vài đoàn khách nội địa từ Hội An ghé lại nghỉ chân, ăn uống. Tuy nhiên về lâu về dài, người Trà Nhiêu biết rằng họ rất khó để tự lực cánh sinh để làm du lịch. “Bà con rành cái gì thì mới làm, lợi thế của mình là làng nghề truyền thống mà tự đi làm dịch vụ sẽ không được chuyên nghiệp, ảnh hưởng hình ảnh quê hương. Rứa nên mới cần lắm sự đầu tư từ các nguồn lực, trước mắt là 3 dự án đang đợi triển khai”, ông Hưu cho hay.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam ra công văn quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu Xanh. Theo đó, trong tương lai gần, nơi đây sẽ có nhà hàng, chợ cổ được phục dựng, cây xanh, làng trải nghiệm, chòi vọng cảnh; tái hiện cảnh quan mô hình cảng Trà Nhiêu xưa… Người đầu tư dự án là Phan Xuân Thanh - một người Hội An gốc luôn tâm niệm với việc làm du lịch thuận tự nhiên, hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên cơ sở giữ gìn, phát huy bản sắc vốn có của địa phương. Đó là hướng đi mà ông Thanh khẳng định cần thực hiện ở Trà Nhiêu, để vùng đất này vẫn giữ được nét bản sắc lâu đời.
Con nước Thu Bồn đầu xuân đã thôi không đục ngầu như những ngày mưa dầm dề. Sau những câu chuyện về quá khứ, hiện tại và tương lai của đất quê, ông Khương Hưu dẫn chúng tôi ra thăm rừng dừa nước 10ha đương xanh rì. Ở đó, người đàn ông nước da rám nắng, đã gắn trọn cuộc đời với làng, với quê tiếp tục kể những điều đã trải, đã nghe từ cha ông. Chỉ tay về phía bờ đối diện, ông nói bên đó là Cồn Bắp, là Cẩm Nam của Hội An. Hai bờ tả hữu chung một lòng sông thăm thẳm. Dưới đó, ông quả quyết, nếu đào xuống vẫn sẽ thấy rễ cây da cổ thụ thâm đen như than “ăn” ra lòng sông. Thân, tán cây da không còn nhưng cội rễ, hồn cốt của làng xưa vẫn ở đó, vững chãi trong ký ức người Trà Nhiêu.
XUÂN SƠN