Đại Bình là tên gọi một làng quê nằm bên kia sông Thu Bồn, nay thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, nhiều người vẫn ưa gọi một cách đầy quê kiểng miền đất đi nhớ về thương này là Đại Bường.
Các thuyền đua nam khuấy động bến sông Trung Phước - Đại Bình. Ảnh: NHƯ HẠNH |
1. Lâu lắm rồi bến sông Đại Bường mới đông vui như thế. Buổi sáng đầu tiên diễn ra “Ngày hội Văn hóa - Du lịch Đại Bình 2022”, người các nơi đổ về bến sông xem đua ghe, chân trần lội qua bãi cát đứng dọc mé sông ken dày như đá cuội. Nước sông Thu Bồn hôm ấy trong xanh một màu trời. Những chiếc ghe đua như những mũi tên tre, phóng vun vút trong tiếng reo hò của người xem đứng dọc hai bên bờ sông.
Người dân các thôn lân cận có mặt ở bến sông từ sáng sớm để cổ vũ đội nhà. Đứng ở đầu ghe, phách nhất (người đứng mũi) uy nghi như một vị thần. Mái chèo cắt nước dứt khoát, lao về phía trước. Các tay dầm sải đều như những phím đàn piano trên mặt sông tạo nên những âm thanh ì oạp theo nhịp chèo đều tăm tắp. Người lái cuối ghe bình tĩnh giữ con thuyền đi đúng hướng, bỏ lại sau lưng vệt nước loang loáng nắng mùa thu khiến khách đường xa ngỡ ngàng như vừa chạm vào một mảng ký ức thắm đượm hồn quê.
Đang vào mùa lễ hội nhưng trên những con đường làng quanh co dẫn xuống các bến sông vẫn không một tiếng động cơ xe máy hay ô-tô. Tất cả xe cộ đều tập trung ở bãi xe đầu làng, chỉ có những bước chân thong thả dạo quanh các khu vườn xanh mát thoang thoảng hương bưởi, hương chanh.
Dân làng hái trái cây từ vườn nhà bày bán trước ngõ, khiến đường quê từ đầu làng đến cuối xóm thành con đường trái cây dịu ngọt. Nhiều con dân của làng đi làm ăn xa nay nghe tin làng mở hội đều sắp xếp công việc trở về để thỏa lòng mong nhớ.
Trên đường xuống bến đò, ông Trần Kim Hùng - nguyên Trưởng thôn Đại Bường - không ngớt gật đầu chào người quen. Ánh nắng từ ngoài sông len qua vòm tre hắt xuống mặt đất thành những bông hoa nắng lấp lánh, ông Hùng nghe lòng vui phơi phới: “Dù năm nay tổ chức lễ hội theo quy mô lớn nhưng làng Đại Bường vẫn giữ nguyên nét yên bình như thuở ban sơ”.
Khu chợ quê rộn rã sắc màu họp 3 ngày 3 đêm ở sân vận động nằm ngay trung tâm làng. Những gian hàng tranh tre cách điệu mọc lên san sát bán cây trái và sản vật địa phương. Khách phương xa vừa thưởng thức các món ăn dân dã như khoai sắn, bánh đúc, bánh nậm, mì Quảng…, nhấp nháp bát chè xanh mà lắng nghe câu hát bài chòi mang theo hương bưởi, hương cam theo gió ra bến sông rồi về xuôi đầy lưu luyến.
Vợ chồng anh Trịnh Kim Sỹ và chị Nguyễn Thị Nhiên bận rộn không lúc nào ngơi tay bên quầy bán cây trái vườn nhà tại khu chợ. Chị còn nấu thêm nước chè xanh, nước lá tía tô, nước bí đao… ướp mát lạnh đủ cho khách giải nhiệt bởi cái nắng đầu thu chênh chao trên ngọn cau.
2. Nhiều người tới Đại Bường bỗng ngộ ra rằng, chỉ đi bộ thế thôi mà nghe lòng dịu lại, những bận bịu lo toan thường ngày dường như tan biến thành con sóng ngoài bến sông. Ngôi làng cổ hơn 300 năm tuổi, lưng tựa vào núi, hướng mặt ra sông Thu, nằm riêng biệt như một ốc đảo tịnh yên ở vùng trung du nghèo. Những cái tên Bến Đò, Bến Mít, Bến Da, Bến Mén… ra đời từ mấy trăm năm trước đến nay đã trở thành một phần ký ức của những đứa con xa quê.
Anh Nguyễn Quốc Hưng rời làng hơn 40 năm vô định cư ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã tranh thủ bắt xe về quê từ đêm trước để sáng hôm sau kịp dự hội. Sau lễ khai mạc, anh một mình lững thững xuống Bến Mén gần nhà cha mẹ mình, giọng đầy hoài niệm khi nghe chúng tôi hỏi về tên gọi lạ lùng của bến sông quê nhà: “Ngày trước, khúc sông nơi này làng dành riêng cho trâu, bò tắm nên đỉa sinh sôi nhiều vô kể. Đỉa mén (đỉa con) bơi đặc nước như bánh canh. Có lẽ vì rứa nên dân làng đặt tên bến là Mén cho dễ nhớ”.
Có thể nước ở bến sông không còn là nước ngày xưa nhưng ký ức làng sẽ không thay đổi. Cô cán bộ Phùng Thị Hạ Thu, công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Nông Sơn đang đón khách ở mô hình mô phỏng căn nhà 3 gian 2 chái tại khu trưng bày “Ký ức Đại Bường” cho biết: “Mô hình này đã có từ Ngày hội Văn hóa - Du lịch Đại Bình 2019. Thời gian trôi qua, những vật dụng, nông cụ một thời của người dân Đại Bình hư hỏng, mất mát. Cán bộ trung tâm phải đến từng nhà mượn, ký giấy nhận và hoàn trả sau khi trưng bày”. Nhiều du khách bồi hồi bên căn bếp củi, có nồi cơm đang vừa chín tới, ấm nước reo sôi. Chiếc tủ gỗ đựng thức ăn mà người miền Bắc quen gọi là chạn, người miền Nam vẫn gọi là gác-măng-rê thì ở làng Đại Bường người ta gọi là tủ Mèo. Gọi thế, bởi đơn giản chỉ là vì cái tủ làm tốt chức năng ngăn lũ mèo khỏi ăn vụng.
Làng Đại Bường xưa kia nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Năm tháng qua đi, nghề xưa chỉ còn là nỗi nhớ. Trong câu chuyện bên chén trà dưới vòm cây lưa thưa nắng, ông Trần Kim Hùng bồi hồi nhắc lại: “Ngày trước, mỗi khi nắng lên, người ta phơi kén dọc ngõ. Những nong kén vàng ươm lấp lánh dưới nắng vàng đầy mê hoặc. Con gái làng ngồi quay tơ trước hiên đẹp như một bài ca dao”. Bây giờ, nghề tằm tang không còn thịnh như trước nữa nhưng người Đại Bường vẫn cố giữ lấy nghề. Tổ hợp tác quy tụ hơn 10 hộ dân nuôi tằm chỉ để bán sản phẩm thô. Món tằm tươi xào nghệ, cuốn với lá lốt hoặc lá tía tô được xem là món ngon nhớ đời của cư dân Đại Bường và các vùng lân cận.
Người lớn đưa trẻ đến tham quan khu trưng bày “Ký ức Đại Bình” cũng là cách gieo hạt “đi nhớ về thương” vào lòng những thế hệ tương lai. Ảnh: NHƯ HẠNH |
3. Buổi sáng, ngồi lại bên bến đò Đại Bình, ngắm nhìn ghe thuyền ngược xuôi trên bến sông trung du mà nghe lòng mênh mang như con nước. Hội đua ghe đã tan tự hồi nào, chỉ để lại dấu dầm đâu đó trên mặt sông. Giọng ông Hùng nhè nhẹ như cơn gió thổi từ sông lên: “Trên đất làng này, đâu đâu cũng có cái tình của những người con dân để lại. Như cái cổng ở bến đò ni là tiền của một người em làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh gửi về xây dựng”.
Trong thời gian làm Trưởng thôn Đại Bình, ông Hùng thường nhận những cuộc điện thoại đầy nghĩa tình của những người con Đại Bình ở khắp nơi với mong muốn đóng góp chút gì đó cho quê nhà. Thương quê nhà luôn hứng chịu mưa lũ, người định cư ở nước ngoài đã cùng nhau vận động gửi tiền về đúc bia cho hơn 2.000 ngôi mộ âm linh không ai chăm sóc. Chí ít cũng còn một tấm bia để biết mà khói hương.
Người ta nói nhiều về một vùng đất tốt tươi được bồi đắp, chắt chiu phù sa bởi dòng sông Thu Bồn qua năm tháng nhưng ít ai biết rằng để Đại Bường trở thành một vựa trái cây Nam Bộ thu nhỏ ở ngôi làng miền Trung nắng gió này, nhiều con dân khi trở về làng đã mang những hạt giống cây trồng xứ xa. Từ những hạt giống sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… xa lạ ấy, dân làng ươm trồng và nhân rộng khắp vùng. Họ ươm ước mơ vào đất làng với hy vọng con cháu đời sau vượt qua cái nghèo, cái khổ.
Anh Nguyễn Quốc Hưng cho biết, đợt này anh chở về một xe cây giống ăn quả của Thái Lan với dự định sẽ thay các cây trồng cũ ở vườn nhà. Mảnh vườn xưa của gia đình anh rộng mấy ngàn mét vuông từng được coi là khu vườn nhiều cây trái cổ kính nhất làng. Vì lẽ mưu sinh, ba anh em trai nhà anh đều đi làm ăn xa. Căn nhà cổ quạnh quẽ chỉ còn người mẹ già đơn chiếc. Giọng anh bùi ngùi đầy chiêm nghiệm: “Tất cả giờ đã có gia đình riêng. Mình cũng đã luống tuổi rồi. Đã đến lúc phải trở về thôi!”.
Nghe anh Hưng nói, tự dưng nhớ đến câu thơ trong bài Thu hứng của Đỗ Phủ: “Cô chu nhất hệ cố viên tâm” (Con thuyền lẻ loi buộc chặt mối tình nhà). Dường như mỗi con người xa xứ có một sợi dây buộc chặt với quê hương. Nhà thơ Tường Linh buộc chặt quê cha và quê mẹ của mình bằng câu thơ: “Ðại Bình quê mẹ xa mờ/ Quê cha Trung Phước bây giờ ra sao”. Và ngay cả khách phương xa dù chỉ một lần ghé qua miền đất yên bình nằm bên kia sông Thu cũng bị “buộc chặt” bởi sợi dây đi nhớ về thương, huống gì...
NHƯ HẠNH