Nhà văn - nhà báo Nguyễn Văn Bổng

.

Ông viết văn với phong cách năng động, nhạy bén của nhà báo, tác phẩm của ông mang đậm nét hiện thực tỉnh táo và thường có tính thời sự nóng hổi.

Bìa tiểu thuyết Con trâu trong lần xuất bản đầu tiên
Bìa tiểu thuyết Con trâu trong lần xuất bản đầu tiên

Đối với cuộc sống nông dân Việt, “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Với riêng giới văn nghệ sĩ, con trâu là đầu... văn nghiệp của hai nhà văn tên tuổi. Nếu Trần Tiêu (1899-1954, người Hải Dương) là nhà văn viết tiểu thuyết nông thôn đầu tiên của Việt Nam với cuốn Con trâu (đăng trên báo Ngày nay từ số 140 ra ngày 10-12-1938; hai năm sau in thành sách, NXB Đời nay) thì Nguyễn Văn Bổng cũng cho ra tiểu thuyết cùng tên năm 1952, lấy bối cảnh vùng quê đậm đặc chất Quảng.

Sáng tạo nghệ thuật đầu tay thành công

Nguyễn Văn Bổng (1921 - 2001) người làng Bình Cư, nay thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ong còn một số bút danh khác: Trần Hiếu Minh, Lê Nguyên Trung, Vương Quế Lâm, Phượng Nguyễn.

Theo tác giả Trần Hữu Tá, người viết mục từ Nguyễn Văn Bổng trong Từ điển Văn học Bộ mới (NXB Thế giới, 2004), ông xuất thân trong một gia đình Nho học suy tàn, cha ông từng chứng kiến các phong trào yêu nước trong tỉnh hồi đầu thế kỷ XX, nhưng trở nên bất đắc chí, tìm sự lãng quên trong rượu, thuốc phiện và thơ. Chịu ảnh hưởng của cha ngay từ thuở nhỏ nên thơ văn của Nguyễn Văn Bổng không tránh khỏi những nét buồn bã, yếm thế.

Lúc nhỏ ông học tiểu học trong tỉnh, rồi ra Huế học cao đẳng tiểu học và tú tài. Đỗ tú tài toán ông dạy trường tư Thuận Hóa (Huế). Tại đây, ông bắt đầu viết văn, đăng trên các báo ở Sài Gòn, Hà Nội. Một số sáng tác (truyện ngắn) trong giai đoạn này có tính cách “thử bút”: Say nửa chừng (1943); Dưới đáy sông Hương (1944); Làm lại cuộc đời (1944), phản ánh tâm trạng băn khoăn, bế tắc của một lớp thanh niên trí thức đang đi tìm hướng đi cho mình.

Ông tham gia Cách mạng tháng 8-1945 tại Đà Nẵng. Cách mạng thành công, ông vừa làm việc ở Ty Thông tin tuyên truyền thành phố Đà Nẵng (bấy giờ mang bí danh Thái Phiên) vừa có chân trong Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Đà Nẵng. Ông viết một số bút ký trong tập Nhập vào đám đông nói lên sự đổi mới do cách mạng mang lại, được trích đăng trên báo Quyết thắng, cơ quan của Mặt trận Việt Minh Trung Bộ. Hè năm 1946, ông mang tập bút ký này ra Hà Nội in tại Nhà xuất bản Tiền Phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam.

Nhà xuất bản Trẻ ra mắt tiểu thuyết Áo trắng của nhà văn Nguyễn Văn Bổng nhân 70 năm ngày truyền thống sinh viên - học sinh (9-1-1950 - 9-1-2020).
Nhà xuất bản Trẻ ra mắt tiểu thuyết Áo trắng của nhà văn Nguyễn Văn Bổng nhân 70 năm ngày truyền thống sinh viên - học sinh (9-1-1950 - 9-1-2020).

Cuối năm 1948 ông chuyển hẳn sang công tác văn nghệ, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Chi hội phó Chi hội Văn nghệ Liên khu V, biên tập Tạp chí Miền Nam (cơ quan của Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu V), Tổng biên tập báo Văn nghệ Liên khu V. Vừa làm lãnh đạo ông vừa hăm hở đi cơ sở, tham gia chiến dịch Đông Xuân 1949 -1950 ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Hầu hết những năm kháng chiến chống Pháp, ông gắn bó với chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Đó là điều kiện thuận tiện để ông viết tiểu thuyết Con trâu, tác phẩm duy nhất viết về Quảng Nam nhưng đã làm nên tên tuổi của ông trên văn đàn.

Chuyện xảy ra tại một làng du kích nằm giữa vùng Pháp tạm chiếm, sát nách một làng tề có đồn giặc. Giặc liên tiếp mở các trận càn, bắt giết thanh niên, sát hại trâu bò; cho bọn tay sai tìm đủ cách dụ dỗ, cưỡng bức dân lập làng tề, bầu lý trưởng. Trước áp lực của giặc, đội du kích bị tổn thất, quần chúng hoang mang, việc đồng áng bị đình đốn, xóm làng hoang vắng. Một số người tuy còn trụ vững nhưng không có trâu, phải nai lưng làm việc thay trâu. Vấn đề “con trâu” được đặt ra, có trâu mới động viên được bà con về làng sinh sống. Thông qua vấn đề có ý nghĩa sống còn này, tác giả ghi lại sự trưởng thành của phong trào kháng chiến chống Pháp ở một làng quê miền Trung Việt Nam.

Nói về sự ra đời của tác phẩm đậm đặc chất Quảng này, từ khi thai nghén đến lúc chào đời, nhà văn Nguyễn Văn Bổng từng tự sự rằng: “Hồi viết Con trâu, tôi chưa từng được cầm đến cán cuốc, tay cày. Tôi chưa phân biệt được ruộng lúa tẻ với ruộng lúa nếp... Những hiểu biết về nông thôn là do cách mạng và kháng chiến đem lại cho tôi. Cái vốn để tôi có thể viết Con trâu là cái vốn tôi có được từ những ngày đầu lăn lộn trong kháng chiến, từ những ngày tôi mang cái túi bên người, đi khắp các chiến trường trong tỉnh để viết tin bài cho báo Chiến Thắng(1)”.

Con trâu là cuốn tiểu thuyết Việt Nam hiện đại được dịch và in ở nước ngoài sớm nhất, mặc dù Áo trắng(2) cũng của ông mới là cuốn sách có tác động tới bạn bè quốc tế một cách sâu sắc nhất.

Ở mục từ Con trâu trong từ điển đã dẫn, tác giả Trần Hữu Tá nhận định: “Con trâu là một sáng tạo nghệ thuật đầu tay thành công của Nguyễn Văn Bổng”. Sự “sáng tạo nghệ thuật này đã mang lại cho Con trâu Giải thưởng Phạm Văn Đồng của Chi hội văn nghệ liên khu V (1952-1953), giải nhì Giải thưởng văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955).

Nhà báo viết văn và nhà văn viết báo

Chân dung nhà văn Nguyễn Văn Bổng
Chân dung nhà văn Nguyễn Văn Bổng

Nguyễn Văn Bổng sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng phần lớn tuổi thanh niên lại sống ở Huế. Khi tham gia hoạt động cách mạng, ông làm công tác tuyên truyền, giáo dục, viết báo, viết văn rồi làm cán bộ quản lý văn nghệ (năm 1954, ông về Hà Nội làm báo Nhân Dân). Trong ông, tư chất nhà văn và nhà báo chuyển hóa, bổ sung cho nhau để hình thành những tác phẩm văn chương có hơi hướng báo chí và ngược lại.

Điều này được tác giả Đỗ Ngọc Yên phân tích qua bài viết “Nhà văn Nguyễn Văn Bổng: con trâu là đầu văn nghiệp” đăng trên trang vanvn.net - Cơ quan ngôn luận Hội Nhà văn Việt Nam. Những người thuộc thế hệ của nhà văn trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp đều sẵn sàng lặn lội khắp các thôn xóm, làng quê, lên Tây Nguyên, ra Việt Bắc, theo bước chân bộ đội, dân công... từ đó đã cho ra đời những tác phẩm báo chí – văn chương đăng trên tạp chí Tiên phong, báo Chiến Thắng.

Đỗ Ngọc Yên viết trong bài đã dẫn: “Những bài báo chỉ là của ăn, còn những tác phẩm văn chương mới là của để. Nhưng chính nhờ những bài báo ấy mà Nguyễn Văn Bổng có thêm nhiều tư liệu từ thực tế sống động của cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược của toàn dân tộc. Chẳng thế mà khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang dần đi đến thắng lợi, Nguyễn Văn Bổng đã cho ra đời các tác phẩm văn chương như: Cái bắt tay của người tù binh (1949), Con trâu (tiểu thuyết, 1952)”.

Nguyễn Văn Bổng sở trường về thể loại ký và tiểu thuyết, tập trung hai mảng đề tài chính: vấn đề nông thôn và người nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ; Sài Gòn và các thành thị Miền Nam trong những năm đánh Mỹ. Tác giả Trần Hữu Tá trong sách đã dẫn, nhận định: “Nguyễn Văn Bổng có phong cách năng động, nhạy bén của nhà báo. Ông đi nhiều, sáng tác sung sức. Tác phẩm của ông mang đậm nét hiện thực tỉnh táo và thường có tính thời sự nóng hổi”.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng thời kỳ ở chiến trường miền Nam. Từ trái sang: Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà văn Nguyễn Văn Bổng và nhà văn Lý Văn Sâm.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng thời kỳ ở chiến trường miền Nam. Từ trái sang: Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà văn Nguyễn Văn Bổng và nhà văn Lý Văn Sâm.

Để có được không gian hiện thực rộng lớn đậm chất Nam Bộ trong tập bút ký Cửu Long cuộn sóng hừng hực ngọn lửa đồng khởi hay tiểu thuyết Rừng U Minh sôi động cuộc đời những người nông dân yêu nước, ông lặn lội đi Bến Tre, Cà Mau. Cuối năm 1966, khi vào công tác ở Sài Gòn, ông viết báo Tin văn, tờ báo công khai của phong trào chống Mỹ, cứu nước. Ông là một trong những người tích cực bí mật vận động các giới văn hóa, văn nghệ, báo chí tham gia phong trào.

Ông có mặt trong cuộc tiến công vào Sài Gòn tết Mậu Thân 1968, viết các bút ký và truyện ngắn trong tập Sài Gòn ta đó. Cuối năm 1974 ông tham gia chiến dịch Buôn Ma Thuột, chiến dịch Hồ Chí Minh và theo chân bộ đội vào đến Sài Gòn giữa trưa 30-4-1975 và sau đó tiếp tục viết về các vùng mới được giải phóng ở miền Nam và riêng vùng đất Sài Gòn.

Tiểu thuyết Cuộc đời, tác phẩm cuối đời của ông, được “viết” khi ông đang bị bệnh, phải đọc cho vợ ghi. Đúng như tên gọi của tác phẩm, “Tiểu thuyết Cuộc đời” là bảng tổng kết về cuộc đời của nhà văn, từ lúc tạm biệt quê hương đi Bắc rồi về Nam, trải qua bao vùng đất, bao hoàn cảnh với những biến động dữ dội của lịch sử dân tộc suốt 30 năm kháng chiến... Nguyễn Văn Bổng là nhà văn xứ Quảng thực sự, bởi qua những gì ông viết ra, ta cảm nhận được vốn văn hóa vững vàng, cung cách làm việc và cốt cách văn chương. Ông cùng với nhà văn Phan Tứ là hai người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đầu tiên ở đất Quảng.

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Bổng:

-Say nửa chừng (truyện ngắn, 1944)

-Con trâu (tiểu thuyết, 1952)

-Cửu Long cuộn sóng (tập bút ký, 1965)

-Rừng U Minh (tiểu thuyết, 1970)

-Áo trắng (tiểu thuyết, 1972)

-Đường đất nước (tập bút ký, 1976)

-Ghi chép về Tây Nguyên (tập bút ký, 1978)

-Sài Gòn 1967 (tiểu thuyết, 1983)

-Chuyện bên cầu Chữ Y (tập truyện, 1985)

-Tiểu thuyết cuộc đời (tiểu thuyết 1989)

-Thời đã qua (tập bút ký, 1995)...

VĂN THÀNH LÊ

(1) Cơ quan của Ủy ban Kháng chiến Quảng Nam- Đà Nẵng.

(2)Tiểu thuyết Áo trắng khi xuất bản đã được bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm. Đến năm 1987, giáo sư Bae Yang Soo người Hàn Quốc đã dịch tiểu thuyết này ra tiếng Hàn, và được xem là sách gối đầu giường của sinh viên Hàn Quốc trong nhiều thế hệ. Trong 20 năm (1987 - 2007), tiểu thuyết Áo Trắng đã được tái bản 35 lần tại Hàn Quốc. (Theo TTO ngày 9-1-2020)

 

;
;
.
.
.
.
.